Khi mà ngư dân bốn tỉnh miền Trung phải chấp nhận tha hương ngày càng nhiều hơn vì mất kế sinh nhai do thảm họa môi trường mà Formosa gây ra, thì những khoản tiền hỗ trợ dù ít ỏi nhưng quý giá vẫn nằm chết cứng trong két sắt chỉ vì sự vô cảm của các cơ quan chức năng.
Có lẽ sẽ cần cả một báo cáo dầy nếu như muốn khắc họa một cách đầy đủ bức tranh về cơ chế vận hành quá trình giải ngân tiền đền bù và hỗ trợ trong nền kinh tế Việt Nam, nhất là sau những sự kiện mà xã hội được dịp chứng kiến diễn ra trong tuần này. Sau khi cuộc làm việc của tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khiến câu chuyện 2.000 tỉ đồng hỗ trợ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đối phó với hạn mặn (lẽ ra phải tiến hành từ tháng 5) đến thời điểm hiện tại vẫn chưa giải ngân được lộ ra; thì câu chuyện mới nhất là việc tiền đền bù của Formosa sau thảm họa môi trường tại bốn tỉnh miền Trung. Khi mà những cánh đồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long khát cháy và bị hạn mặn hủy diệt, khi mà những người ngư dân bốn tỉnh miền Trung phải chấp nhận tha hương ngày càng nhiều hơn vì mất kế sinh nhai,thì tiền hỗ trợ vẫn chết cứng ở trong két sắt chỉ vì sự vô cảm của các cơ quan chức năng.
Tuần cuối cùng của tháng 8 có lẽ sẽ là một khoảng thời gian không thể thích hợp hơn để lấy ra làm ví dụ cho sự kém hiệu quả của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc triển khai đền bù và hỗ trợ trong những sự cố về môi trường. Đầu tiên là sự việc số tiền hỗ trợ 2.000 tỉ đồng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đối phó với hạn mặn dù đã 2-3 tháng trôi qua nhưng vẫn chưa giải ngân,do sự bất đồng giữa Bộ KH&ĐT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), được đưa ra trước xã hội sau buổi làm việc của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ vài ngày sau, vấn đề lại nóng lên xung quanh câu chuyện tiền đền bù của Formosa cho những hậu quả mà thảm họa môi trường của tập đoàn này tại bốn tỉnh miền Trung. Nếu có ai đó nghĩ rằng, Formosa chịu trách nhiệm và chịu bồi thường tài chính (500 triệu USD) là câu chuyện tại bốn tỉnh miền Trung đã khép lại, thì họ đã nhầm.
Trước hết, nếu tạm thời gác vấn đề số tiền 500 triệu USD mà Formosa chịu chi trả liệu đã phù hợp với những hậu quả về môi trường và kinh tế mà tập đoàn này đã gây ra hay chưa, thì xung quanh câu chuyện tiền đền bù của tập đoàn này cho Việt Nam cũng có rất nhiều điều đáng nói. Trước hết, số tiền đền bù mà Formosa chi trả và tốc độ giải ngân của phía Việt Nam để hỗ trợ khắc phục hậu quảcó tốc độ rùa bò. Đầu tiên là việc Formosa chi trả khoản tiền bồi thường 500 triệu USD cho Việt Nam có sự giãn cách lớn, gây ra trở ngại nghiêm trọng cho việc hỗ trợ và đền bù vốn diễn ra càng sớm càng tốt.
Thực tế là, dù đã chính thức nhận trách nhiệm và cam kết bồi thường từ cuối tháng 6, nhưng phải đến ngày 28.7 Formosa mới chuyển phân nửa số tiền đền bù là 250 triệu USD vào kho bạc nhà nước. Theo lời hứa của tập đoàn này thì phải đến ngày 28.8 mới chuyển hếtsố tiền đền bù còn lại. Nói cách khác, phải mất tới hơn 2 tháng thì Formosa mới chấp nhận chuyển hết số tiền đền bù thiệt hại cho người dân bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng, trong khi tác động của thảm họa môi trường đến kinh tế và cuộc sống của người dân tại đây thì đã diễn ra từ trước đó hàng tháng trời.
Sự chậm trễ không chỉ đến từ Formosa, mà còn đến từ chính phía Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, nghĩa là đã 3-4 tháng trôi qua kể từ khi thảm họa môi trường biển tại miền Trung diễn ra, thì Việt Nam vẫn chưa có phương án giải ngân tiền đền bù hỗ trợ cho người dân chịu thiệt hại, ngay cả các tỉnh bị ảnh hưởng cũng chưa lập được báo cáo về phương án hỗ trợ. Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí thì đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có tỉnh Thừa Thiên-Huế là có báo cáo về phương án hỗ trợ, còn ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị thì chưa. Nói cách khác, dù Formosa có hoàn thành việc chuyển toàn bộ số tiền cam kết đền bù hỗ trợ là 500 triệu USD vào cuối tháng 8 thì có lẽ người dân bốn tỉnh bị ảnh hưởng vẫn chưa thể được nhận tiền đền bù do chính quyền tỉnh vẫn chưa có báo cáo phương án hỗ trợ.
Câu chuyện bao giờ người dân miền Trung nhận được tiền đền bù hỗ trợ từ vụ Formosa, có lẽ cũng sẽ đi theo hướng của gói hỗ trợ 2.000 tỉ đồng chống hạn mặn cho đồng bằng sông Cửu Long. Dường như tất cả các cơ quan chức năng của Việt Nam đã quên mất ý nghĩa thực sự của tiền đền bù hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp, đó là tính tức thời và cấp thiết của sự việc. Tiền hỗ trợ chống hạn mặn cho đồng bằng sông Cửu Long khác với tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả do hạn mặn gây ra, vì một bên là giảm tác động trong ngắn hạn mang tính tức thời, còn một bên là khắc phục hậu quả sau khi thảm họa đã trôi qua. Khoản tiền 2.000 tỉ đồng chống hạn mặn kia lẽ ra đã phải giải ngân ngay từ thời điểm hạn mặn đang hoành hành ở miền Nam, nhưng giờ đây nó có vẻ như đã bị biến thành tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả sau hạn mặt mất rồi, vì hạn mặn đã trôi qua được từ 2-3 tháng trước.
Trường hợp giải ngân tiền đền bù của Formosa cho người dân bốn tỉnh miền Trung bị thiệt hại cũng tương tự như vậy. Ngư dân bốn tỉnh miền Trung – đối tượng chủ yếu được hỗ trợ đền bù vì thiệt hại gây ra – thực tế đã ngưng hoặc giảm tần suất đánh bắt của mình từ trước khi lãnh đạo Formosa cúi đầu nhận lỗi cả tháng. Nói cách khác, sinh kế của họ đã bị ảnh hưởng nặng nề từ cách đây 3-4 tháng trước, và lẽ ra cần tiền đền bù để ổn định cuộc sống càng sớm càng tốt. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cũng không ai dám chắc là đến bao giờ tiền đền bù hỗ trợ mới đến được tay họ. Trong khi đó thì đã có bao nhiêu gia đình ly tán, bao nhiêu người dân phải tha hương để kiếm sinh kế cho gia đình. Sự bất ổn về xã hội một cách nghiêm trọng đó, có lẽ không khoản tiền hỗ trợ nào có thể bù đắp được, chứ chưa nói là số tiền 500 triệu USD ít ỏi của Formosa.
Một câu chuyện khác xung quanh vụ việc tiền đền bù của Formosa, cũng nhức nhối không kém, đó là việc thiệt hại của các doanh nghiệp tại các tỉnh bị ảnh hưởng đã bị lờ đi và không được tính đến trong số tiền đền bù. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa cầu cứu lên Thủ tướng về những thiệt hại mà các doanh nghiệp trong ngành tại các tỉnh bị ảnh hưởng đã không được thống kê và có biện pháp đền bù.
Trên thực tế, số tiền 500 triệu USD mà Formosa bồi thường chỉ mới gói gọn trong phạm vi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng mà thôi, chưa tính đến thiệt hại của các doanh nghiệp. Nhức nhối ở chỗ, Chính phủ luôn có biện pháp hỗ trợ cho thiệt hại của các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp FDI) do bất ổn về chính trị và xã hội gây nên; nhưng giờ đây khi các doanh nghiệp trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng do thảm họa môi trường mà đối tượng gây ra đã chấp nhận đền bù thì lại không được tính đến. Nó không chỉ là một sự bất công, mà còn cho thấy quyền lợi của các doanh nghiệp đã bị các cơ quan chức năng gạt sang một bên trong quá trình tính toán số tiền đền bù mà Formosa phải chi trả.
Nhàn Đàm