Trong những ngày qua, hình ảnh sữa bò tươi bị người nông dân Lâm Đồng đổ ra đường trắng xóa, gợi nhiều nỗi xót xa.

Phía sau việc đổ sữa bò trắng đường

16/01/2015, 11:00

Trong những ngày qua, hình ảnh sữa bò tươi bị người nông dân Lâm Đồng đổ ra đường trắng xóa, gợi nhiều nỗi xót xa.

Còn tại Hà Nội, người nuôi bò sữa cũng đang phải đối mặt với việc phải đổ sữa bò đi khi không tiêu thụ được.

Vậy là sữa tươi- loại thực phẩm, đồ uống được coi là khá cao cấp với nhiều người dân Việt Nam, đã trở thành cái tên được điền thêm vào danh sách dài các loại nông sản bị lâm vào cảnh “được mùa, rớt giá”.

Và những vấn đề rất cũ, từ quy hoạch, tổ chức sản xuất, tới quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân trong kinh tế thị trường, một lần nữa lại được xới xáo. Trong những vấn đề cũ ấy, lại đặt ra những cái “nóng” cần giải quyết.

Sau khi xảy ra hiện tượng nông dân đổ bỏ sữa xảy ra ở Lâm Đồng, đã có nhiều cách lý giải, phân tích từ chính quyền địa phương, cơ quan chức năng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, số lượng bò sữa trên địa bàn tỉnh năm 2014 tăng vọt, với khoảng 13.300 con, gần gấp đôi so với năm trước đó. Còn sản lượng sữa tươi thì tăng gần gấp rưỡi.

Vì tăng “nóng” như vậy nên những hộ gia đình mới tham gia chăn nuôi không ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, lâm vào cảnh khốn khó.

Lý giải về sự phát triển “nóng” của vùng nguyên liệu, dẫn đến thừa “cung”, nhà máy không “hấp thụ” hết, cũng có cái lý của nó. Nhưng lại có một góc nhìn khác, mà ngay trong trả lời phỏng vấn với báo chí vừa qua, lãnh đạo Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nêu ra, đó là các doanh nghiệp sữa tăng cường nhập khẩu sữa nguyên liệu, để chế biến sữa nước hoàn nguyên, dẫn đến thừa “cung”.

Điều này cũng trùng hợp với nhận định của các chuyên gia trong ngành.

Thực tế, trong năm 2014, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm sâu, tùy loại và nguồn gốc xuất xứ, giảm tới 60-70%.

Do vậy doanh nghiệp sản xuất sẽ có những toan tính, cân nhắc giữa việc mua nguyên liệu tươi trong nước, với giá thành vẫn đứng ở mức cao, hay nhập khẩu sữa bột nguyên liệu, với giá thành rẻ để làm sữa nước. Ai cũng nhìn thấy được kết quả của sự lựa chọn này nghiêng về phía nào.

Các doanh nghiệp sữa tăng cường nhập khẩu sữa nguyên liệu, để chế biến sữa nước hoàn nguyên, dẫn đến thừa “cung”.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, sữa tươi do chăn nuôi trong nước chỉ đáp ứng một phần tư nhu cầu, còn lại vẫn phải nhập khẩu. Nước ta không có lợi thế về chăn nuôi bò sữa, do có ít vùng hợp khí hậu, nên năng suất cho sữa chưa thể cao như những quốc gia mạnh về chăn nuôi bò sữa như Australia, New Zealand. Vậy thì không thể nói là đang thừa nguyên liệu.

Từ câu chuyện sữa không bán được, người nông dân phải đổ đi, ít nhất đã thấy 2 vấn đề “nóng”.

Thứ nhất, phải làm rõ về nguồn gốc, chất lượng sữa do các công ty sản xuất: Đâu là sữa tươi tiệt trùng (đương nhiên phải sử dụng nguyên liệu tại chỗ, trong nước), đâu là sữa nước hoàn nguyên, với nguyên liệu là sữa bột nhập khẩu. Bởi nếu nhập nhèm hai loại này, sẽ là sự nhập nhèm về giá.

Việc nhà máy thu mua sữa tươi của người nông dân chỉ là hình thức, còn kiếm lợi nhuận, lại là ở nguồn sữa nguyên liệu nhập vào giá rẻ. Các cơ quan chức năng như quản lý thị trường phải vào cuộc, hậu kiểm tốt để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và người nông dân.

Vấn đề thứ hai đặt ra, không mới, nhưng cần thúc đẩy ngay. Đó là làm thế nào để người nông dân, nhà sản xuất liên kết chặt chẽ với nhau. Trong hội nhập, cạnh tranh gay gắt, muốn phát triển, đi được xa, bền vững, mối liên kết này phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi bên. Cách làm ăn “chộp giật” không thể bền vững.

Những hình mẫu liên kết trong sản xuất nông nghiệp, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, đem lại lợi ích hài hòa cho các bên đã có ở nước ta, nhưng chưa nhiều. Trong các liên kết này, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, tổ chức.

Người nông dân có thể trở thành người lao động của doanh nghiệp, hoặc là cổ đông của chính doanh nghiệp đó.

Có như vậy, liên kết mới bền, hai bên chia sẻ lợi ích, chấp nhận lời ăn lỗ chịu trong kinh doanh, thì mới không còn cảnh phá hợp đồng, ép giá nông dân như các doanh nghiệp ở Lâm Đồng hay Gia Lâm, Hà Nội trong bối cảnh giá sữa thế giới hạ.

Hỗ trợ cho các liên kết này, phải là những cam kết mạnh mẽ, thực thi hiệu quả những chính sách đúng đắn về phát triển sản xuất nông nghiệp, đã được đề ra từ rất lâu rồi, mà đến giờ, hầu như vẫn chỉ dừng ở tầm chính sách!
sua tuoi
Nông dân đổ sữa bò trước cửa Công ty Dalat Milk. Ảnh:VNE
Theo Ngọc Diệu (Vov.vn)

Mỗi ngày đổ bỏ tới 4 tấn sữa

Đó là khẳng định của đại diện Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalat Milk) trong buổi làm việc với trên 100 hộ chăn nuôi bò sữa mà trước đó công ty này đã ký hợp đồng thu mua, diễn ra vào chiều 15.1, tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Tại buổi làm việc, ông Lê Huy, Cán bộ Quản lý rủi ro của Dalat milk, cho biết hiện mỗi ngày nhà máy chế biến sữa của công ty hoạt động hết công suất cũng chỉ chế biến tối đa là 8 tấn sữa. Trong khi đó, lượng sữa nguyên liệu thu mua vào từ các hộ chăn nuôi lên tới trên 12 tấn. Thu mua hết lượng sữa cho những hộ đã ký hợp đồng, mỗi ngày Dalat milk phải đổ bỏ từ 3,5-4 tấn sữa. Do đó, việc Dalat milk thu mua hết sữa cho những gia đình trước đó đã ký hợp đồng với công ty chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt.

“Về lâu dài, chúng tôi cứ thu mua hết sữa về rồi đem đổ sẽ không ổn, công ty khó mà trụ được. Chúng tôi hết sức xin lỗi người chăn nuôi và mong muốn được bà con chia sẻ trước khó khăn này”-ông Huy nói.
Theo NLĐO
Bài liên quan
Giá vàng tăng cao, 'ông lớn' kinh doanh vàng báo lãi 1.600 tỉ đồng
Trong bối cảnh giá vàng miếng và vàng nhẫn tăng cao, một doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thông báo lãi 1.600 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phía sau việc đổ sữa bò trắng đường