Yves Saint Laurent nổi tiếng kín đáo về đời tư khi còn sống. Do đó, việc ông cho phép một nhà làm phim trẻ ghi hình lại những năm cuối cùng của mình đã khiến nhiều người tò mò. Đáng tiếc, ‘Yves Saint Laurent: The Last Collections’ phải mất 18 năm mới có thể ra rạp.

Phim tài liệu về NTK quá cố Yves Saint Laurent được trình chiếu sau 18 năm bị cấm

Chí Thiện | 05/11/2019, 08:41

Yves Saint Laurent nổi tiếng kín đáo về đời tư khi còn sống. Do đó, việc ông cho phép một nhà làm phim trẻ ghi hình lại những năm cuối cùng của mình đã khiến nhiều người tò mò. Đáng tiếc, ‘Yves Saint Laurent: The Last Collections’ phải mất 18 năm mới có thể ra rạp.

Tại buổi công chiếu bộ phim mới của ông tại Paris vào năm 1998, đạo diễn trẻ Olivier Meyrou đã gặp gỡ Pierre Bergé - tình nhân và đối tác lâu năm của Yves Saint Laurent. Bergé chủ động yêu cầu Meyrou thực hiện một phim tài liệu về Saint Laurent cùng thương hiệu thời trang cao cấp của NTK đình đám này.

“Tôi nghĩ Bergé muốn bức chân dung cuối cùng của thương hiệu trước khi nó đóng cửa. Chính vì thế, tôi đã đồng ý dù không có kiến thức về ngành công nghiệp thời trang. Saint Laurent luôn là một nhân vật bí ẩn và tôi muốn khắc họa ông ấy như một con người bằng xương bằng thịt”, Meyrou nói.

Olivier Meyrou

Meyrou đã dành 3 năm tiếp theo để ghi lại những gì diễn ra tại tòa nhà số 5 đại lộ Marceau - bản doanh của Saint Laurent trong gần 30 năm. Meyrou quan sát cẩn thận khi nhà thiết kế ốm yếu sản xuất các bộ sưu tập thời trang cuối cùng của mình và chuẩn bị cho các sự kiện khác như buổi trình diễn thời trang tại lễ bế mạc World Cup 1998 hoặc phần trình bày tại lễ trao giải CFDA 1999 khi ông nhận giải thưởng Thành tựu trọn đời.

Bản doanh của Yves Saint Laurent tại đại lộMarceau

Meyrou kết thúc ghi hình vào năm 2001 - 1 năm trước khi Saint Laurent nghỉ hưu - và đặt tên cho bộ phim là Yves Saint Laurent: The Last Collections. Tuy nhiên, cuộc chiến pháp lý với Bergé đã khiến nó đã bị cấm phát hành. Ngày 30.10 vừa qua, Yves Saint Laurent: The Last Collections chính thức được công chiếu tại Anh - gần 2 thập niên sau khi nó hoàn thành.

Thời gian đã không làm bộ phim kém hay, ngược lại nó mang đến một cái nhìn sâu sắc về những năm cuối cùng của Saint Laurent - người được mệnh danh “nhà thiết kế thời trang cao cấp vĩ đại cuối cùng của Paris”. Theo lời Meyrou, bản doanh của Yves Saint Laurent giống như phiên bản thu nhỏ của xã hội Pháp vào đầu thế kỷ 20: “Bạn có công nhân, tỷ phú, nhà sáng tạo - tất cả dưới cùng một mái nhà. Tòa nhà được thiết kế theo phong cách Pháp cuối thế kỷ 18. Cách mọi người làm việc, nói chuyện và tương tác giống như họ đến từ một thời đại khác; như một bộ phim của Jean Renoir. Sự sáng tạo là trung tâm của mọi quyết định - mọi thứ đều dựa trên tầm nhìn của Yves Saint Laurent”.

“Trong khi quay, tôi thường tưởng tượng ra những gì đã xảy ra vào đêm đầu tiên họ gặp nhau - khi Saint Laurent 26 tuổi và Bergé 32 tuổi. Họ có lẽ đã làm tình và trong trí tưởng tượng của tôi, mà tôi nghĩ có thể gần với sự thật, họ thức dậy vào ngày hôm sau và Bergé nói với Saint Laurent: ‘Em là nhà thiết kế vĩ đại nhất trên trái đất và mọi người sẽ biết điều đó’. Đó là sứ mệnh chung của họ. Nó giống như một con đại bàng có hai quả trứng, họ là cùng một người. Trong những năm sau này, Bergé đã trở thành chỗ dựa của Saint Laurent, nhưng Saint Laurent luôn là người đưa ra quyết định cuối cùng. Về mặt thể chất, Saint Laurent có thể yếu nhất trong đội ngũ nhưng tinh thần thì rất mạnh”, Meyrou nói.

Mặc dù bộ phim cho thấy tài năng của Saint Laurent nhưng nó đồng thời cũng phác họa ông trong hình ảnh một con người u uất. Saint Laurent ngày càng yếu và trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Figaro vào năm 1999, ông bày tỏ mong muốn “giải thoát bản thân khỏi nỗi sợ hãi và lo lắng khủng khiếp của bản thân”.

“Tôi chỉ nói chuyện với Saint Laurent 3 lần trong khi quay phim”, Meyrou nói. “Ông ấy rất ấn tượng, nhưng tôi không thể tiếp cận được những gì đang diễn ra trong đầu ông ấy. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là quan sát Saint Laurent, như thực hiện một bộ phim tài liệu về động vật hoang dã”.

“Saint Laurent là một nhân vật đầy bi kịch. Ngay từ thời thơ ấu sống ở miền bắc Algeria, ông ấy đã muốn thiết kế váy để nổi tiếng và có tên của mình trên đại lộ Champs-Élysées. Saint Laurent đã đấu tranh rất nhiều khi là một người đồng tính thành công vào thời điểm đó. Tôi nghĩ tham vọng trở nên nổi tiếng của ông ấy một phần xuất phát từ việc muốn trả thù như Bergé nói trong phim. Tuy nhiên, ông ấy đã phải trả giá đắt khi đạt được ước mơ của mình. Có điều, Bergé và Saint Laurent không sợ bi kịch: họ yêu opera và đón nhận khía cạnh trào phúng trong cuộc sống của mình. Bergé cũng bị ám ảnh với việc bảo tồn di sản của họ, và có vai trò riêng của mình trong câu chuyện. Bergé là một người Pháp điển hình”, Meyrou nói.

Thật thú vị, Bergé đã kiện Meyrou (và ngăn không cho bộ phim ra mắt) trước khi tự mình xem nó. Cuối cùng, ông đã xem và sau đó cho phép phát hành vào năm 2015, 7 năm sau cái chết của Saint Laurent và 2 năm trước khi chính ông ra đi.

“Bergé thích kiểm soát mọi thứ cho nên khi tôi nói ông ấy không thể can thiệp vào quá trình chỉnh sửa, ông ấy tất nhiên không thích. Ngoài ra, Bergé biết chúng tôi đã ghi lại khoảnh khắc cuối cùng - điều mà ông ấy cho rằng quá sớm để có thể chấp nhận”, Meyrou nói.

Mai Thảo (theo AnOther)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
21 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phim tài liệu về NTK quá cố Yves Saint Laurent được trình chiếu sau 18 năm bị cấm