Hiện tại, bạn bè quốc tế cứ đến Việt Nam là gọi tên phở, mà ở cả nước ngoài cũng muốn tìm cho được một quán phở chuẩn hương vị Việt. Để được như thế, là cả một quá trình dài.
Phở, một chữ thôi nhưng nói lên bao nhiêu điều. Vượt ra khỏi ý nghĩa gốc là một món ăn, phở chứa đựng cả bầu trời hương vị Việt Nam, mang theo dáng dấp, bóng hình của nền văn hoá lâu đời và sâu lắng. Hiện tại, nhiều người cho rằng ẩm thực Việt Nam đa dạng hơn là chỉ mỗi món phở, do đi đâu về đâu, thực khách nước ngoài cũng chỉ chăm chăm cái món nước và sợi này. Do lẽ này mà ta cảm thấy có phần "bất công" cho nhiều nàng thơ ẩm thực khác hãy còn chờ khai phá. Ừ thì, điều ấy là đương nhiên, nhưng không thể nào phủ nhận được phở chính là một trong những món ăn "mở đường" cho ẩm thực Việt Nam vươn ra trên trường quốc tế.
Phở có thể không phải duy nhất, và hương vị phở có phải ngon nhất hay không thì vẫn còn cần bàn lại. Thế nhưng nhìn chặng đường phi thường hơn vài thập kỷ mà phở đi, ta mới thấy đó là điều cảm động vô vàn. Hãy cùng chúng mình khám phá những cột mốc trong hành trình vươn ra thế giới của phở Việt nhé:
Trước năm 2000, phở đã bắt đầu theo chân người Việt đi nhiều nơi trên thế giới, và vào thời đó thì món ăn này hãy còn lặng lẽ, yên ả, chỉ xuất hiện lác đác tại các hàng quán nhỏ bé. Nhiều người nước ngoài không biết món phở là gì, phát âm thế nào. Ở giai đoạn này, phở vẫn như một mầm cây non nớt, nhưng lại có vô vàn tiềm năng phát triển, tuy lạ lẫm, nhưng chỉ cần cho nó một cơ hội, thực khách sẽ dễ dàng bị chinh phục.
Chậm rãi mà lặng lẽ, đến những năm 2000, phở Việt đã tự tạo cho mình một dấu ấn riêng. Theo tạp chí Tiếp Thị và Gia Đình, các nhà hàng phở ở Mỹ đã thu về lợi nhuận lên đến 500 triệu USD theo một đánh giá không chính thống. Lúc này, người ta đã biết rằng phở là món ăn của Việt Nam, và như một lẽ tự nhiên, họ bắt đầu tìm kiếm món phở khi đặt chân đến du lịch Việt Nam.
Mặt khác, trong năm 2000 cũng có một sự kiện, gọi lớn thì không lớn, nhỏ cũng chẳng nhỏ, nhưng nó đã mang đến một số ảnh hưởng nhất định cho món phở: cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton cùng con gái Chelsea Clinton ghé thăm Việt Nam, và trước khi đi, ông đã ăn hai bát phở. Nếu trước đó, người ta chỉ biết đến phở như một món ăn Việt Nam ngon miệng, thì việc một nhân vật có sức ảnh hưởng thời bấy giờ ăn phở Việt đã khiến nó trở thành "món phải thử" khi đến Việt Nam.
Có thể nói, sự kiện này đã là một trong những cú "đẩy nhẹ", khiến món phở Việt trên đà đi lên. Và phở Việt cứ thế tiến đến với sự nổi tiếng vừa phải, cho đến khi vào năm 2007, chữ "phở" cùng với loạt từ mới, được bổ sung vào từ điển Oxford chính thống.
Từ đây về sau, phở không còn là món "mì súp Việt Nam (Vietnamese noodle soup)" nữa. Người ta biết đến phở là phở, như chính bản thân nó. Người ta biết sợi phở phải trông như thế nào, sợi phở khác biệt hoàn toàn với mì, bún và các loại sợi khác ra sao, ăn kèm những món gì. Phở có được danh tính riêng thuộc về mình, và chuẩn bị cho cuộc nhảy vọt ở giai đoạn sau.
Từ năm 2008 trở đi, phở bắt đầu được biết đến nhiều hơn. Đi cùng với sự phát triển về mặt kinh tế, du lịch và văn hoá Việt Nam, phở được nhiều du khách ngoại quốc săn đón. Người ta không muốn chỉ ăn phở Việt ở nước ngoài nữa, mà muốn tìm đến hương vị chính thống của bát phở sinh ra ngay tại trên dải đất hình chữ S. Càng ngày càng nhiều nhà phê bình ẩm thực, càng nhiều blogger du lịch, ăn uống lặn lội xa xôi đến với Việt Nam. Có thể chuyện ăn thử phở Việt không nằm trong top đầu những việc họ muốn làm khi đến với Việt Nam, nhưng đã đến Việt Nam, thì thể nào họ cũng phải ăn phở.
Sau khi những nhà báo, nhà văn, trở về, và họ kể ra những trải nghiệm của mình, vậy là phở bắt đầu "càn quét" các bảng xếp hạng từ nhỏ đến lớn. Trong số đó, có lẽ phải kể đến "50 món ăn ngon nhất trên thế giới" của đài CNN, đứng đầu danh sách "40 món ăn nhất định phải thử trong cuộc đời" của Business Insider và vô số những cuộc xếp hạng lớn nhỏ khác.
Không chỉ thế, vào ngày 4 tháng 4 năm 2016, Hiệp hội Ngày kỷ niệm Nhật Bản (Japan’s Anniversary Association) đã cấp giấy chứng nhận "Ngày của phở" tại Osaka, khiến ngày này hằng năm sẽ trở thành ngày vinh danh món phở ở xứ sở hoa anh đào.
Nếu giai đoạn trước, phở gặt hái nhiều sự chú ý truyền thông thì hiện tại, phở đã ngày càng lớn mạnh và thậm chí đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá. Từ năm 2017 đến năm 2018, phở khởi động "nhẹ nhàng" bằng việc tiếp tục thu về một số danh hiệu như đứng thứ 20 trong 500 những trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời nhất (bảng xếp hạng của nhà xuất bản hướng dẫn du lịch Lonely Planet).
Vào tháng 5 năm 2018, quyển sách nấu ăn Pho Cookbook, một tập sách nấu ăn về các món phở Việt được viết bởi Andrea Nguyen đã nhận được giải thưởng James Beard danh giá - giải thưởng được giới ẩm thực nước Mỹ ví von như Oscar của làng ẩm thực.
Không dừng ở đó, đầu năm 2019, một nhà hàng phở Việt tại Mỹ cũng nhận được giải thưởng này. Hoạt động được hơn 40 thập niên, quán Phở 79 nằm trong nhóm những nhà hàng món Việt đầu tiên mở đường cho ẩm thực Việt Nam phát triển tại Mỹ. Nhờ vào những cống hiến cho ẩm thực, Phở 79 được hội đồng trao giải James Beard công nhận và trao giải vào ngày 28 tháng 1 năm 2019.
Mới đây, vinh quang cũng lần nữa gọi tên phở Việt khi mà món ăn quốc hồn quốc tuý lại được chọn vào top những món "ăn trong tô ngon nhất thế giới". Song ở thời điểm này, thay vì cảm thấy bất ngờ, những cảm xúc còn đọng lại trong chúng ta có lẽ chỉ là tự hào, và "hiển nhiên" nhỉ?
Hiện tại kể lại có vẻ ngắn ngủi như một thoáng qua, song đó là cả một hành trình dài đầy phi thường của tô phở Việt, xuất phát từ con số 0 để rồi đi đến vị thế hiện tại. Sự phát triển của phở Việt cũng không "ích kỷ", khi mà cùng với nó, là sự nổi tiếng đang dần tăng lên của các món ăn Việt khác. Bằng chứng là bánh mì, cà phê, gỏi cuốn… cũng ngày càng nhận được nhiều sự đón nhận của bạn bè quốc tế.
Theo Kenh14