Một phòng khám chuyên khoa nội dự kiến đầu tư 1 tỉ đồng nhưng hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng mất gần 1 tỉ đồng. Gánh nặng chi phí như vậy là rất lớn.

Phòng khám đầu tư 1 tỉ đồng nhưng chi phí phòng cháy chữa cháy cũng mất tương đương

Hoài Lam | 13/06/2023, 20:30

Một phòng khám chuyên khoa nội dự kiến đầu tư 1 tỉ đồng nhưng hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng mất gần 1 tỉ đồng. Gánh nặng chi phí như vậy là rất lớn.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP về PCCC.

Cơ quan Nhà nước chỉ nên hậu kiểm

Theo VCCI, Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về việc kiểm định phương tiện PCCC là việc đánh giá, xác nhận sự phù hợp của phương tiện với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc các yêu cầu bảo đảm an toàn PCCC cháy tương ứng.

Về bản chất, đây là hoạt động đánh giá sự phù hợp được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực khác đều đã tiến hành xã hội hoá hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Theo đó, cơ quan nhà nước uỷ quyền hoặc chỉ định một số tổ chức có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ kiểm định. Các tổ chức này nhận thù lao để tiến hành kiểm định cho chủ hàng theo quy trình và quy chuẩn kỹ thuật mà cơ quan nhà nước đề ra, sau đó cấp chứng thư kiểm định và/hoặc dán tem kiểm định. Hàng hoá đã được kiểm định và xác nhận phù hợp với quy định được lưu thông ngay trên thị trường mà không cần xin phép cơ quan nhà nước.

“Cơ quan nhà nước chỉ tiến hành hậu kiểm để bảo đảm rằng các tổ chức kiểm định được cấp phép thực hiện đúng quy định. Đây là cách quản lý tiên tiến và đã được áp dụng ở hầu hết các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP vẫn quy định thẩm quyền kiểm định phương tiện PCCC thuộc về cơ quan công an”, VCCI nhận định.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép các tổ chức kiểm định cấp giấy chứng nhận kiểm định và dán tem kiểm định với phương tiện PCCC. Cơ quan nhà nước chỉ làm công tác hậu kiểm chứ không đảm nhận việc cấp phép tiền kiểm.

chay.png
Nhiều quy định trong Nghị định 136 khiến doanh nghiệp "than" khó

VCCI cho hay cũng cho hay, các doanh nghiệp phản ánh rằng mặc dù Nghị định 136/2020/NĐ-CP không áp dụng hồi tố, tuy nhiên một số doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải làm lại các thủ tục (lập lại phương án chữa cháy hoặc xin thẩm duyệt lại thiết kế PCCC (nếu có lắp đặt thêm hạng mục hoặc chỉ có cải tạo nhỏ)… hoặc phải thay thiết bị, phương tiện PCCC theo tiêu chuẩn mới. Việc này đã gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Yêu cầu phòng cháy trở thành gánh nặng chi phí

Điều 5.1 và Phụ lục 3 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định các cơ sở y tế có chiều cao từ 3 tầng trở lên hoặc có 1.000m3 trở lên phải đảm bảo điều kiện, trang bị hệ thống an toàn về PCCC. Phụ lục và dự thảo quy định các cơ sở y tế có chiều cao từ 5 tầng hoặc 3.000m3 trở lên phải thẩm duyệt PCCC.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc thực hiện các yêu cầu về PCCC rất khó khăn, gây tốn kém nhiều chi phí cho các cơ sở y tế, trong đó có cơ sở y tế tư nhân, cụ thể:

Diện tích sàn theo giới hạn khối tích là tương đối thấp (300m2 sàn sử dụng). Theo phản ánh của doanh nghiệp, diện tích sàn trên sẽ không đủ điều kiện PCCC theo quy định như có hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà, ngoài nhà, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống báo cháy tự động, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn…

Các cơ sở y tế tư nhân có đặc điểm khác so với các cơ sở kinh doanh khác. Các cơ sở y tế đều đã phải đáp ứng yêu cầu về diện tích tối thiểu với các hạng mục phòng khám, phòng giường bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Các diện tích còn lại trong cơ sở y tế là các tiện ích như hành lang (chỗ ngồi chờ khám), khu máy móc kỹ thuật, khu bốc thuốc, căng tin, nhà để xe… đều là các tiện ích phục vụ người bệnh.

Diện tích sàn với các khu vực này không làm tăng số người tập trung tại cơ sở do không tăng năng lực khám chữa bệnh (như số lượng bác sĩ, số lượng giường bệnh).

Như vậy, việc quy định diện tích sàn của cơ sở y tế như trên là không hợp lý và có thể khiến cơ sở phải hy sinh các tiện ích phục vụ người bệnh khi tính toán đầu tư dự án.

Điều này cũng có thể khiến nhiều cơ sở y tế nhỏ (xét theo năng lực cung cấp dịch vụ) buộc phải ưu tiên đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn phòng cháy mà mất đi suất đầu tư cho các hạng mục nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, dẫn đến chất lượng phục vụ người bệnh bị chậm hoặc không thể cải thiện. Ngoài ra, việc thi công hệ thống PCCC ngoài nhà, trong nhà gặp nhiều khó khăn.

Hơn nữa, nhân sự vận hành một cơ sở y tế theo giới hạn như trên là tương đối ít, khó đáp ứng yêu cầu về vận hành hệ thống PCCC. Chẳng hạn, một phòng khám chỉ có 1 bác sĩ (nữ), 10 điều dưỡng sẽ gặp khó khăn trong quá trình vận hành hệ thống;

Thêm vào đó, chi phí đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định là rất lớn, chẳng hạn, một phòng khám chuyên khoa nội dự kiến đầu tư 1 tỉ đồng nhưng riêng hệ thống PCCC cũng mất thêm gần 1 tỉ đồng. Gánh nặng chi phí như vậy là rất lớn, khiến tổng mức đầu tư của cơ sở tăng cao, khó thu hút các nhà đầu tư tham gia; các cơ sở y tế hiện tại có nguy cơ phải xây dựng lại từ đầu do không thể sửa chữa để đáp ứng yêu cầu về PCCC mới.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về giới hạn theo hướng bổ sung tiêu chí về số giường nằm (cơ sở y tế điều trị nội trú), và tăng giới hạn về thể tích và số tầng; cân nhắc sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC cho phù hợp với đặc thù hoạt động của các cơ sở y tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng khám đầu tư 1 tỉ đồng nhưng chi phí phòng cháy chữa cháy cũng mất tương đương