Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 6.6, đại biểu Hồ Thị Vân chia sẻ, bà nhớ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nói “giáo dục ta đang trong giai đoạn quá độ nên phải chấp nhận để đổi mới?”. Bà Vân đặt câu hỏi: “Chúng ta phải đi hết bao lâu trên con đường quá độ? Đã tới đoạn nào của quá độ?”.

‘Quá độ’ giáo dục đến bao giờ?

06/06/2018, 13:28

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng 6.6, đại biểu Hồ Thị Vân chia sẻ, bà nhớ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng nói “giáo dục ta đang trong giai đoạn quá độ nên phải chấp nhận để đổi mới?”. Bà Vân đặt câu hỏi: “Chúng ta phải đi hết bao lâu trên con đường quá độ? Đã tới đoạn nào của quá độ?”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn - Ảnh chụp màn hình

Đang ở đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ...

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định đổi mới lĩnh vực này không thể nóng vội, đây là vấn đề nhạy cảm phải có lộ trình, bước đi cụ thể. Ví dụ vấn đề thi cử. Bộ đã cải cách hai kỳ thi mỗi năm thành một kỳ. Năm 2017 việc thi cử tương đối ổn định, được cử tri và nhân dân cả nước ủng hộ.

“Chúng ta phải đổi mới, về căn bản giáo dục không thể đứng yên”, ông Nhạ nói. Giải đáp cho câu hỏi "chúng ta đang đi đến đoạn nào của quá độ", Bộ trưởng Nhạ nói đang ở đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ có kết quả, điển hình là phổ cập mầm non với trẻ 5 tuổi và việc này được nhiều nước ghi nhận. Trẻ 5 tuổi vào mầm non ở Việt Nam đạt tỷ lệ cao chỉ sau Singapore. Kết quả đổi mới trung học, phổ thông cũng được nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Worldbank đánh giá cao.

“Để kết luận làm được gì thì chưa đủ căn cứ, nhưng chúng tôi có cơ sở tin rằng trong nhiệm kỳ sẽ có kết quả không chỉ chuyển biến mà là rõ nét”, Bộ trưởng Giáo dục tự tin nói.

Trả lời về bệnh thành tích trong giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, vấn đề về "bệnh thành tích" đã tồn tại từ lâu và mặc dù ngành giáo dục luôn cố gắng nói không nhưng nhận thấy trong quá trình thực hiện, đây không chỉ là vấn đề dừng lại ở quy định mà còn liên quan tới văn hóa và thói quen của một bộ phận không nhỏ những người làm trong ngành giáo dục tại Việt Nam.

Theo chia sẻ của Bộ trưởng, Bộ đang tích cực để hạn chế vấn đề này, cũng đã có những văn bản đề nghị bỏ rất nhiều cuộc thi, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn để tiến tới việc không công nhận điểm các cuộc thi vào thành tích thi đua, nhằm làm sao cho kết quả phải phản ánh được chất lượng giáo dục thực tại.

Bộ trưởng Nhạ thừa nhận rằng chính việc đăng ký thi đua làm cho nhiều thầy cô phải chạy đua điểm "ảo" và Bộ đang rất gắt gao làm việc trong vấn đề này. Theo đó, Bộ trưởng cũng tiết lộ rằng Bộ sẽ hướng tới việc thầy cô nào có sáng tạo sẽ được khuyến khích, biểu dương chứ không đăng ký thành tích nữa.

200.000 cử nhân thất nghiệp

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ Giáo dục Đào tạo thừa nhận, chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn một lực lượng lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động. Cụ thể, số lao động trong độ tuổi lao động (15-60) có trình độ đại học không có việc làm là khoảng 200.000 người.

Bộ Giáo dục cho rằng, nếu tính trong tổng số hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thuộc độ tuổi này thì tỷ lệ cử nhân thất nghiệp trên không quá lớn (năm 2017 tỷ lệ này khoảng từ gần 3% đến 4,5%), chủ yếu là làm việc không đúng ngành hoặc không muốn chấp nhận dịch chuyển đến nơi thiếu lao động.

"Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các nước trên thế giới", Bộ Giáo dục cho hay.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung chất vấn, báo cáo hiện tại còn một tỷ lệ không nhỏ 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm. Trong khi đó, ngành lao động báo cáo nước ta đang thiếu một nguồn lớn lao động chất lượng cao. Vậy sinh viên tốt nghiệp đại học có phải là nguồn lao động chất lượng cao không? Nếu phải là chất lượng cao thì tại sao sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, phải chăng chất lượng đào tạo chưa tốt? Sự liên kết nào giữa ngành giáo dục và ngành lao động trong việc giải quyết vấn đề việc làm?

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sinh viên tốt nghiệp đại học gọi là lao động chất lượng cao, nhưng trong cái cao này vẫn có cái chất lượng chưa đạt chuẩn đại học. “Tôi đồng ý có việc nhiều sinh viên trong số 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm có chất lượng không đảm bảo. Nhưng hầu hết sinh viên có chất lượng nhưng vẫn chưa kiếm được việc làm do nhiều nguyên nhân”.

Bộ trưởng Giáo dục cho rằng gốc của vấn đề nằm ở chất lượng giáo dục. Để giải quyết được một cách căn cơ vấn đề trên, ông cho hay sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường đào tạo theo hướng gắn với thị trường lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.

Trường đại học không chỉ có trách nhiệm tuyển sinh đầu vào mà còn phải quan tâm đến đầu ra, có trách nhiệm với sinh viên mình đào tạo cũng như với thị trường lao động. "Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm chứ không nặng về tiền kiểm như trước nữa", ông Nhạ nói.

Có trách nhiệm của cả hệ thống, cộng đồng

Bình luận về nội dung chất vấn liên quan đến sự xuống cấp đạo đức giáo viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng vừa qua dư luận rất bức xúc về vấn đề này. Tuy nhiên, những trường hợp giáo viên hành xử không đúng mực chỉ là cá biệt, không phải phổ biến.

“Chúng ta đừng nhìn vào đó để đánh giá rằng các thế hệ nhà giáo chúng ta xuống cấp về đạo đức. Việc xuống cấp đạo đức của một bộ phận giáo viên có trách nhiệm của cả hệ thống, cộng đồng xã hội chứ không phải chỉ có trách nhiệm của riêng Bộ trưởng Giáo dục", Chủ tịch Quốc hội nói.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Quá độ’ giáo dục đến bao giờ?