Có thể nói vở kịch hôn nhân như vậy rất vụng về và rất rất tàn nhẫn với những người phải tham gia trong vở kịch đó. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mà mọi sự nhân nhượng có thể trở thành mầm mống thảm họa diệt tộc sau này thì Trần Thủ Độ phải tiếp tục đóng vai người ác.
Chuyện Trần Thủ Độ chuyên quyền thao túng triều đình trong những năm cuối triều Lý, đầu triều Trần là điều không có gì phải bàn cãi. Việc Trần Thủ Độ để lại "tiếng ác" trong hậu thế qua việc bức tử vua Lý Huệ Tông hay thậm chí tìm cách tiêu diệt toàn bộ tôn thất nhà Lý cũng được nhiều người mổ xẻ. Nhiều người chấp nhận Trần Thủ Độ phải hành động quyết đoán và có phần ác độc là để bảo vệ vững chắc vị thế nhà Trần, tránh để bị nhà Lý sau này trỗi dậy trả thù thì có khi toàn gia bị diệt tộc mà nền móng xã tắc cũng lung lay. Trong số trước, chúng tôi cũng khẳng định Trần Thủ Độ chấp nhận mọi tiếng xấu xa về mình khi ra tay với tôn thất nhà Lý và tạo cho Trần Thái Tông sự trong sạch hoàn toàn để giữ uy tín trước toàn dân.
Tuy nhiên, có một hành động của Trần Thủ Độ khiến người đời sau hết sức thắc mắc vì sự quyết đoán, chuyên quyền của ông đã đi đến cực đoan. Đó là việc ép Trần Thái Tông phải bỏ vợ là Lý Chiêu Hoàng và lấy chị dâu. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Tháng giêng, mùa xuân (1237). Lập vợ Hoài vương là Lý thị làm Hoàng hậu, phế Chiêu Thánh hoàng hậu làm công chúa. Lúc ấy Chiêu Thánh chưa có con, mà Lý thị đã có mang được 3 tháng. Thủ Độ cùng Thiên Cực công chúa bày mưu riêng với nhà vua nên nhận liều lấy để có lợi về sau, vì thế mới đem Lý thị vào ở cung".
Hoài vương tức là Trần Liễu, anh trai của Trần Thái Tông còn Lý thị là công chúa Thuận thiên. Công chúa Thuận thiên không chỉ là chính thất của Trần Liễu mà còn là chị gái của Chiêu Thánh hoàng hậu (tức Lý Chiêu hoàng). Cả công chúa Thuận thiên và Lý Chiêu hoàng đều là con gái của Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung (còn gọi là Thiên cực công chúa và sau là Linh từ quốc mẫu) mà Trần Thị Dung lại là cô ruột của Trần Thái Tông và Trần Liễu. Trong mối quan hệ trùng trùng lớp lớp đó thì Lý thị vừa là em họ, vừa là chị vợ và vừa là chị dâu của Trần Thái Tông.
Thời ấy, việc kết hôn với chị em họ cũng không bị phán xét hay cấm đoán gì cả. Thời phong kiến cho phép đa thê nên việc kết hôn với chị vợ cũng không phải là vấn đề gì to tát mà việc Hán Thành đế còn lấy cả 2 chị em Triệu Phi Yến, Triệu Hợp Đức là minh chứng. Tuy nhiên, việc lấy chị dâu thì bị coi là vi phạm luân thường đạo đức nghiêm trọng.
Cả Trần Thái Tông và Trần Liễu đều vô cùng phẫn nộ khi bị ép như vậy. Thế nên mới có chuyện: "Trần Liễu tức giận, tụ tập nhiều người ở sông Cái, nổi loạn" còn Trần Thái Tông chán nản đòi bỏ ngôi đi tu mà sử chép là "Nhà vua áy náy không yên lòng, đêm lẻn sang núi Yên Tử, vào ở nhà thờ Phật của Phù Vân Quốc sư".
Việc Trần Thủ Độ ép vua lấy chị dâu bị các sử gia chê bai hết lời. Sử gia Phan Phu Tiên - Tam cương ngũ thường, đó là luân lý trọng bàn đại của loài người. Thái Tông là vua sáng nghiệp, đáng nên lập ra phép tốt để cho đời sau theo, thế mà lại nghe mưu gian tà của Thủ Độ, cướp vợ anh làm vợ mình, như thế chả phải tự mình làm trái luân thường để mở đầu cái mối dâm loạn đấy ư? Trần Liễu khởi loạn, chính là do Thái Tông gây nên".
Còn sử gia nhà Nguyễn trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục sau này thông cảm với Trần Thái Tông hơn và cho rằng mọi xấu xa của vụ trái luân thường này là do Trần Thủ Độ. Khâm định Việt sử thông giám cương mục phê: "Nhưng bấy giờ Thái Tông hãy còn thơ ấu, mà Thủ Độ là người rất ngoan cố, phàm việc gì cũng do hắn chỉ sử, Thái Tông không theo cũng không được. Thế mà sử thần cứ chỉ trích riêng Thái Tông, như thế chưa phải là lời phê công bằng. Vả lại, lúc mới khai quốc, vua còn thơ ấu, lòng người còn nghi ngờ, Thủ Độ lại vốn là người không biết chữ, thế mà một mình kinh doanh, dựng lên được nghiệp lớn, thì thực là cương quyết, hiểm giảo, xưa nay ít có mấy người. Có lẽ vì lòng trời giúp ngầm nhà Trần mà được như thế chăng?"
Thực ra nói Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung thấy Lý Chiêu Hoàng lâu không sinh con mà tìm cách phế đi thì là điều rất không thỏa đáng. Lý Chiêu hoàng không hề mắc chứng vô sinh vì trong thời gian làm vợ của Trần Thái Tông đã sinh ra Thái tử Trần Trịnh nhưng chết yểu năm 1233. Từ lúc thái tử mất đến lúc Lý Chiêu hoàng bị ép khỏi ngôi hoàng hậu chỉ vỏn vẹn 4 năm. Sau này khi bà ngoài 40 tuổi vẫn còn sinh được 1 trai, Thượng vị hầu Lê Tông và 1 gái, Ứng Thụy công chúa Ngọc Khuê.
Giả sử Lý Chiêu Hoàng khi ấy khó sinh đi chăng nữa thì cũng không phải là cớ thuận để phế ngôi hoàng hậu. Vào thời phong kiến, vua có tam cung lục viện và nếu chẳng may hoàng hậu không thể sinh con trai thì vẫn có thể lập con của các phi tần khác chứ đâu việc gì phải phế hoàng hậu. Bằng chứng rõ nhất là sau này vua Trần Minh Tông dù chỉ là con của thứ phi (Huy Tư hoàng phi) nhưng vẫn được vua Trần Anh Tông truyền ngôi.
Vấn đề ở chỗ không phải Lý Chiêu Hoàng có thể sinh con hay không mà Trần Thủ Độ nhất quyết phải phải truất Lý Chiêu Hoàng khỏi ngôi hoàng hậu sớm. Nếu Lý Chiêu Hoàng ở ngôi hoàng hậu thì sao? Vạn nhất sau đó Trần Thái Tông mất sớm thì Lý Chiêu hoàng sẽ trở thành thái hậu, thậm chí bà với danh là cựu hoàng còn có thể trở lại ngôi vua. Dù Trần Thủ Độ ít học hành nhưng ông cũng phải sợ Lý Chiêu Hoàng có thể biến thành Lữ hậu nhà Hán hay Võ Tắc Thiên nhà Đường lắm chứ? Và gần hơn nữa thì các thái hậu thời Lý cũng khuynh đảo triều chính.
Trần Thủ Độ đã sợ Lý Huệ Tông trở lại và đòi nhổ cỏ thì phải nhổ tận gốc thì đâu thể khoanh tay trước viễn cảnh Lý Chiêu Hoàng có thể "trỗi dậy". Nhất định phải phế. Nhưng tại sao không đơn giản hơn là đầu độc Lý Chiêu Hoàng hay ép tự sát? Không thể được vì người tình của Trần Thủ Độ là Trần Thị Dung lại chính là mẹ của Lý Chiêu Hoàng. Trần Thị Dung không thể cho phép Trần Thủ Độ hại con gái của mình.
Thậm chí, Trần Thị Dung cũng không cho phép Trần Thái Tông lập người con gái nào khác lên làm hoàng hậu thì mất quyền lợi của mình nên Trần Thái Tông buộc phải lấy chị dâu là công chúa Thuận Thiên cũng là con gái của Trần Thị Dung. Sau này, khi công chúa Thuận Thiên có thành thái hậu đi chăng nữa thì ảnh hưởng và quyền lực của bà cũng không thể sánh bằng trường hợp Lý Chiêu hoàng thành thái hậu. Bản thân công chúa Thuận thiên vốn tính an phận nên chính vì thế mà vua Lý Huệ Tông không truyền ngôi cho bà dù bà là con gái trưởng. Trong khi đó, Lý Chiêu hoàng dù là em lại được truyền ngôi vì tính khí mạnh mẽ hơn.
Giải một bài toán phải loại bỏ Lý Chiêu Hoàng khỏi ngôi hoàng hậu để tránh trở thành thái hậu nhưng phải đáp ứng duy trì quyền lợi cho gia tộc, quyền lợi cho người tình là Trần Thị Dung thì Trần Thủ Độ cũng chỉ có cách ép Trần Thái Tông bỏ Lý Chiêu hoàng rồi lại lập em họ, kiêm chị vợ lại kiêm chị dâu là công chúa Thuận Thiên làm chính cung.
Có thể nói vở kịch hôn nhân như vậy rất vụng về và vô cùng tàn nhẫn với những người phải tham gia trong vở kịch đó. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh mà mọi sự nhân nhượng có thể trở thành mầm mống thảm họa diệt tộc sau này thì Trần Thủ Độ phải tiếp tục đóng vai người ác. Trái ngọt quý giá nhất trong vở kịch đó là việc Trần Thái Tông và công chúa Thuận Thiên sau này sinh ra Trần Thánh Tông - vị minh quân giúp dân tộc đánh bại hai cuộc xâm lăng quy mô của Nguyên Mông.
Anh Tú
Đọc thêm:
Trần Khánh Dư bị mang tiếng oan là tham quan?
Trần Khánh Dư dùng khổ nhục kế trong cuộc đấu trí với Ô Mã Nhi
Hưng Đạo vương là danh tướng số 1 thì Trần Khánh Dư xếp thứ mấy?
Trần Thủ Độ chấp nhận mang tiếng ác vì cơ nghiệp nhà Trần
(Mọi trao đổi, độc giả có thể gửi ở mục bình luận bên dưới hay email: toasoan@motthegioi.vn)