Việc CHDCND Triều Tiên phóng 4 quả tên lửa, tăng tốc chương trình hạt nhân và tên lửa đã khiến các quan chức “diều hâu” Nhật Bản muốn đánh phủ đầu các cơ sở quân sự Triều Tiên, nếu như có dấu hiệu rõ rệt Triều Tiên tấn công quần đảo Phù Tang.

Quan chức 'diều hâu' Nhật Bản muốn đánh phủ đầu Triều Tiên

10/03/2017, 12:24

Việc CHDCND Triều Tiên phóng 4 quả tên lửa, tăng tốc chương trình hạt nhân và tên lửa đã khiến các quan chức “diều hâu” Nhật Bản muốn đánh phủ đầu các cơ sở quân sự Triều Tiên, nếu như có dấu hiệu rõ rệt Triều Tiên tấn công quần đảo Phù Tang.

Cục Phòng vệ Nhật Bản lắp tên lửa Patriot ở trụ sở Bộ Quốc phòng-Ảnh: Reuters

Báo The Wall Street Journal đưa tin một số chính khách “diều hâu” Nhật lại thúc đẩy chính phủ đánh phủ đầu vào các điểm phóng tên lửa của Triều Tiên, nếu như an ninh Nhật bị chương trình tên lửa có thể gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên đe dọa nghiêm trọng.

Hiroshi Imazu, lãnh đạo Hội đồng an ninh thuộc đảng Dân chủ tự do (LDP, cầm quyền) đang tính giữa năm trình cách đề nghị đánh phủ đầu, gồm những cuộc tấn công vào căn cứ quân sự của nước ngoài. Ông Imazu nói cần tranh luận đầy đủ trước khi ra quyết định, nhưng nay Nhật phải phản ứng trước mối đe dọa ngày càng tăng cao từ phía Bình Nhưỡng.

Hội đồng sẽ nghe ý kiến của các chuyên gia và tranh luận về đề nghị này, trước khi trình một đề xuất với LDP vào ngày bế mạc kỳ họp quốc hội vào cuối tháng 6 tới. Đề xuất này nhằm trở thành một phần trong kế hoạch quốc phòng 5 năm vốn sẽ được áp dụng từ năm 2019.

Bất kỳ nỗ lực tấn công phủ đầu nào cũng cần đến chiến đấu cơ tàng hình F-35. Cuối năm 2016, Nhật đã nhận các chiếc đầu tiên trong lô hàng 42 chiếc. Có thể sẽ mua thêm tên lửa hành trình, vệ tinh mới để giám sát hoạt động triển khai tên lửa của Triều Tiên.

Ngày 9.3, Nữ Bộ trưởng quốc phòng Nhật Tomomi Inada cho biết không loại trừ khả năng binh sĩ Nhật có năng lực thực hiện các đòn tấn công phủ đầu nhằm vào các căn cứ đối phương, như một cách để đối phó với các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào ngày 6.3 qua. Bà nói chúng rơi cách bờ biển đông bắc Nhật chỉ khoảng 300 km. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói 4 tên lửa bay khoảng 1.000 km, và 3 chiếc bay vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật, chiếc còn lại bay gần vùng này.

Phát biểu tại Ủy ban An ninh của Hạ viện Nhật, bà Inada cho biết chính quyền Tokyo sẽ "cân nhắc nhiều biện pháp" phù hợp với những giới hạn của luật pháp quốc tế và Hiến pháp yêu chuộng hòa bình của Nhật.

Trong khi ý tưởng đánh phủ đầu từng được nêu lên rồi bị gạt bỏ, việc Triều Tiên phóng 4 quả tên lửa càng khiến Nhật tính đến việc áp dụng tấn công quân sự. Akihisa Nagashima, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật và là nghị sĩ của đảng Dân chủ (đối lập) nói: “Chúng tôi phải đối mặt với thực tế. Nếu chúng tôi không làm gì và để họ đánh chúng tôi thì đấy là sự vô trách nhiệm”.

Masahiko Komura, phó chủ tịch đảng LDP gần đây nói Nhật nên bắt đầu đề cập đến khả năng trên. Nghị sĩ Itsunori Onodera, cựu bộ trưởng Quốc phòng Nhật và hiện lãnh đạo nhóm nghị sĩ LDP thúc đẩy việc tìm kiếm khả năng đáp trả, nhấn mạnh: công nghệ vũ khí Triều Tiên đã tiến bộ và tình hình xung đột cũng đã đổi thay .

Trước đây, phát biểu trước một ủy ban Quốc hội ngày 26.1, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Tokyo để ngỏ khả năng tấn công căn cứ đối phương, đồng thời cho rằng Nhật Bản cần xem xét cách thức duy trì sự răn đe của riêng nước này.

Nếu Nhật muốn chuyển qua khả năng đánh phủ đầu Triều Tiên, thì sẽ là một sự kiện tranh cãi trong nước, vì nhiều người dân mạnh mẽ ủng hộ Hiến pháp yêu chuộng hòa bình (do chính quyền Mỹ chiếm đóng soạn) vốn cấm sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp. Điều 9 trong Hiến pháp nêu rõ rằng người Nhật "vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh" và từ bỏ "sử dụng vũ lực" như một cách để giải quyết những tranh chấp quốc tế.

Nhưng người ủng hộ ý tưởng đánh phủ đầu Triều Tiên nói nên ứng dụng quan điểm quân sự “tấn công là để phòng thủ” thì không vi phạm hiến pháp. Dù vẫn nhấn mạnh rằng chính phủ Nhật hiện không xem xét trao năng lực tấn công phủ đầu cho các lực lượng phòng vệ, Bộ trưởng Quốc phòng Inada cho rằng làm và tiến hành các đòn tấn công như vậy có thể hợp pháp.

Trong khi chưa có cuộc thăm dò nào về ý tưởng này, thăm dò năm 2006 của hãng tin Jiji Press cho biết khoảng một nửa dân số Nhật ủng hộ khả năng Nhật đánh phủ đầu Triều Tiên hoặc nói nên xem xét ý tưởng này. Khoảng 35% nói Nhật không cần chọn hướng đó.

Những rào cản gồm chi phí quân sự, nhưng Thủ tướng Abe đã ủng hộ một quân đội mạnh hơn, đã khuyến khích tranh luận về khả năng đánh phủ đầu. Ông cũng đề nghị sửa đổi hiến pháp để cho phép quân đội Nhật có thể giữ vai trò tích cực hơn ở nước ngoài. Hồi đầu năm nay, ông nói với một ủy ban quốc hội: “Chúng ta cần xem xét cách bảo vệ mạng sống, tài sản của nhân dân Nhật”.

Các nhân vật cấp cao LDP đã nhiều lần đề nghị đánh phủ đầu trong vài năm qua, thường sau các lần Triều Tiên thử nghiệm tên lửa, vốn thường nhắm vào Nhật Bản chưa bắn trúng nước này.

LDP hiện chiếm thế đa số ở quốc hội Nhật, và ông Abe có tỷ lệ tín nhiệm cao khoảng 60%, không bị buộc phải tổ chức tổng tuyển cử cho đến cuối năm 2018. Lãnh đạo đảng đối lập Dân chủ cẩn trọng, nhưng không hẳn phản đối ý tưởng đánh phủ đầu.

Kim Hương (theo The Wall Street Journal)

Bài liên quan
Chủ tịch nước gặp Thủ tướng Nhật Bản nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2024
Sáng 16.11 (giờ địa phương), nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Lương Cường đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan chức 'diều hâu' Nhật Bản muốn đánh phủ đầu Triều Tiên