Tổng thống mới của Mỹ đã chính thức nhậm chức hơn một tháng. Là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Âu, Đức đang nhìn về bên kia bờ Đại Tây Dương với nỗi lo âu không cần che giấu.

Niềm kiêu hãnh Đức trước những lời đe dọa từ Mỹ

05/03/2017, 13:26

Tổng thống mới của Mỹ đã chính thức nhậm chức hơn một tháng. Là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Âu, Đức đang nhìn về bên kia bờ Đại Tây Dương với nỗi lo âu không cần che giấu.

Sau nhiều lưỡng lự, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có cuộc điện đàm để chúc mừng tân Tổng thống Mỹ, nhưng trong đó, bà nhấn mạnh sự hợp tác toàn diện giữa Mỹ và Đức cũng như trong các tổ chức quốc tế cần dựa trên những nguyên tắc tôn trọng “những giá trị chung phương Tây”.

Có người nói bà Merkel hơi “cao ngạo” khi nói như vậy, nhưng dư luận đa số đồng tình và không thể phủ nhận là cho đến nay, không ai dám nói một cách thẳng thắn như vậy với người được coi là quyền lực nhất thế giới. Nhiều khách nước ngoài đã lặn lội sang tận Washington diện kiến ông chủ mới của Nhà Trắng, có những người đi đôi lần. Riêng bà Merkel chưa đi mặc dù bà cũng nói là sẽ sớm gặp ông Trump.
Đầu tháng 2, khi mới được cử giữ chức Ngoại trưởng Đức, ông Sigmar Gabriel cũng sang Mỹ nhưng chỉ gặp người đồng cấp Rex Tillerson mới được bổ nhiệm trước chuyến thăm của ông có một ngày. Trong khi đó, bà Merkel lại sang Thổ Nhĩ Kỳ để trao đổi với Tổng thống Recep Erdogan và còn dự định đi cả Algeria để cùng bàn biện pháp giải quyết vấn đề người tị nạn vốn đang chi phối khá nhiều tình hình nội bộ nước Đức cũng như trong Liên minh châu Âu (EU).

Dù vậy, người Đức không hề “thờ ơ” với những gì đang xảy ra bên kia bờ Đại Tây Dương. Chủ đề nóng tại các diễn đàn, talkshow truyền hình, các cuộc gặp gỡ tiếp xúc song phương... không gì ngoài chuyện ông Trump. Báo chí - truyền thông không ngày nào không có tin liên quan đến Mỹ. Tuy nhiên, thái độ dè dặt của người Đức là có thể hiểu được.

Bảo vệ giá trị phương Tây

Hơn ai hết, Đức là nước cực kỳ nhạy cảm với các vấn đề chủ nghĩa cực đoan (dù cực hữu hay cực tả), mị dân, bài ngoại vì lịch sử của dân tộc này đã có nhiều bài học cay đắng. Cuộc bầu cử liên bang lựa chọn Quốc hội và Chính phủ mới sẽ diễn ra vào ngày 24/9 tới. Từ nay đến đó cũng có nhiều cuộc bầu cử địa phương (năm 2017 được coi là năm “siêu bầu cử”). Làn sóng mị dân, thiên hữu xuất phát từ đảng “Giải pháp khác cho nước Đức” (AfD) có xu thế lấn lướt trong các cuộc bầu cử địa phương năm ngoái mới giảm xuống một chút nhưng cũng chưa có gì đảm bảo.

Tại Pháp, bà Le Pen cũng đang trên con đường vận động để vào Điện Eliseé. Xu hướng thiên hữu còn thấy khá rõ ở một số nước EU khác.

Việc ông Trump lên nắm quyền khiến chủ nghĩa dân túy có nguy cơ lây lan sang châu Âu, có thể phá vỡ trật tự ở “lục địa già”. Điều quan tâm hàng đầu hiện nay của Đức cũng như nhiều chính phủ châu Âu là ngăn chặn khả năng lực lượng dân túy thắng cử, vì nếu điều đó xảy ra, các thể chế được xây dựng từ hơn 70 năm trước ở châu Âu nhiều khả năng sẽ đổ vỡ. Châu Âu mất đi cơ sở quan trọng để giữ gìn hòa bình, an ninh và thịnh vượng.

Bản thân nội bộ EU cũng còn nhiều vấn đề nan giải cần giải quyết. Sự mất đoàn kết từ năm 2015 do không nước nào chịu nhận người tị nạn theo hạn ngạch và đơn phương đóng cửa biên giới khiến Đức phải gánh hậu quả. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Chính phủ của bà Merkel mất tín nhiệm của cử tri.

Ba Lan đến nay vẫn không chịu sự áp đặt của EU trong vấn đề cải cách hiến pháp và nhất quyết không muốn Đức hay các nước EU khác nghi ngờ về “nhà nước pháp quyền” của mình. Hy Lạp thì chìm trong khó khăn của nợ công. Bóng ma khủng hoảng đồng Euro vẫn đang treo lơ lửng trên bầu trời châu Âu và có khả năng bùng nổ bất cứ lúc nào. Trong khi đó, Anh đã quyết định một “Brexit cứng”, hứa hẹn nhiều khó khăn hơn là thuận lợi. Pháp đang bị cuốn vào tranh cử Tổng thống và như nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Giáo sư Paul Krugman (Đại học Princeton - Mỹ) nói thì hệ thống chính trị của Pháp “rất yếu”.

Trong bối cảnh chung đó, vai trò của Thủ tướng Merkel cũng như của Chính phủ Đức được đặc biệt kỳ vọng để bảo vệ những giá trị phương Tây, bảo vệ EU khỏi sụp đổ.

Bình thản trước lời đe dọa

Đức là nền kinh tế duy nhất trong các nước công nghiệp liên tục tăng trưởng trong 3 năm lại đây, vượt mọi tính toán trước đó. Đức duy trì vị trí là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, trong đó xuất sang Mỹ đạt kỷ lục 100 tỷ Euro năm 2016 (Mỹ xuất sang Đức 53 tỷ Euro, mức thặng dư gần 50%).

Mặt hàng chủ đạo của Đức là ô tô và máy móc chính xác. Tổng thống Trump từng đe dọa các hãng sản xuất ô tô nước ngoài, trong đó có BMW của Đức nhưng dường như giới kinh tế Đức không mấy lo ngại. BMW cho biết hiện họ có một nhà máy sản xuất ô tô lớn tại Mỹ và khoảng gần 1 triệu lao động Mỹ làm việc cho BMW cũng như cho các công ty khác của Đức.

Là nước xuất khẩu hàng đầu nên Đức phụ thuộc nhiều vào thương mại tự do toàn cầu. Nhưng ngoài Mỹ, Đức còn có các thị trường khác như Đông Âu, Canada và đặc biệt khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố bãi bỏ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và không ủng hộ Hiệp định Thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP), ngay lập tức giới kinh tế Đức đã có chiến lược chuyển hướng sang châu Á – Thái Bình Dương. Tất cả đều tin rằng kể cả Tổng thống Mỹ cũng không đảo ngược được xu thế toàn cầu hóa hiện nay cũng như chống lại quy luật kinh tế, quy luật thị trường. Vì lẽ đó, họ có phần bình thản trước những lời đe dọa từ Washington.

Cách ứng xử tinh tế

Hợp tác an ninh - quốc phòng xuyên Đại Tây Dương là một trong những trụ cột quan trọng nhất của chính sách an ninh quốc phòng Mỹ với châu Âu. Châu Âu coi đây là sự bảo đảm cho hòa bình và an ninh của châu lục cũng như trên thế giới. Châu Âu hơn 70 năm có hòa bình là dựa vào cân bằng cán cân quyền lực của các nước lớn mà không một ai kể cả Chính phủ hay Tổng thống Mỹ có thể xem nhẹ. Một số ý kiến còn cho rằng xem thường yếu tố này là “tự sát”.

Chính vì thế, ý kiến của ông Trump khi trả lời báo Bild của Đức vài ngày trước khi nhậm chức rằng “NATO đã lỗi thời” và “Mỹ sẽ rút khỏi các nghĩa vụ nếu các nước châu Âu không tự bảo vệ mình”, thực sự gây sốc.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO cũng như Diễn đàn An ninh Munich (MSC) vừa qua, Phó Tổng thống Mike Pence rồi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ra sức trấn an đồng minh châu Âu rằng Mỹ vẫn coi NATO có vai trò quan trọng, nhưng đồng thời nhắc lại yêu cầu của Tổng thống Trump là các nước thành viên khác của NATO phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách chung.

Tại MSC, Thủ tướng Merkel không trực diện bác bỏ yêu sách của Tổng thống Trump về tăng ngân sách quốc phòng, nhưng bà nói NATO không nên chỉ tập trung vào bàn vấn đề “nhỏ nhặt” này (ý nói yêu cầu đóng đủ 2% GDP). Những đóng góp nhiều chục tỷ Euro của Đức vào giải quyết khủng hoảng người tị nạn, duy trì hòa bình ở Afghanistan, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng... không thể không được tính vào đóng góp chung.

Bà cũng nhấn mạnh cần tăng ngân sách cho các “hoạt động phòng ngừa” hơn là chạy đua vũ trang. Mặt khác, NATO cũng nên lưu ý đến tâm lý của Nga và cả của các nước láng giềng nhỏ của Đức. Họ sẽ nghĩ thế nào nếu Đức tăng cường các trang thiết bị quân sự hạng nặng tối tân ở ngay sát biên giới. Đó chính là cách ứng xử tinh tế của Chính phủ bà Merkel đối với việc liên minh quân sự đòi Đức ngay lập tức tăng mức đóng góp từ 1,2% GDP hiện nay lên 2% (khoảng hơn 60 tỷ Euro).

Quyết định thận trọng

Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, ba quan chức cao cấp nhất trong Chính phủ mới của Mỹ là Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng sang Đức tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao G20 ở Bonn, Diễn đàn An ninh ở Munich, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng, sau đó thăm Brussels. Tại các hội nghị cũng như trong tiếp xúc song phương họ đều nói “thay mặt hoặc được ủy quyền của Tổng thống Donald Trump” để nói với châu Âu điều này điều nọ.

Người châu Âu lịch sự lắng nghe, ghi nhận và tạm yên lòng nhưng thực sự tin tưởng thì chắc chắn là không. Nhiều người Đức đặt câu hỏi ngay sau đó: biết tin ai? Tổng thống hay Phó Tổng thống và các Bộ trưởng?

Thành công duy nhất của các chuyến thăm là xoa dịu phần nào phản ứng của người châu Âu nói chung, người Đức nói riêng, trước những quyết định mới đây của tân Tổng thống Mỹ.

Bà Merkel vốn nổi tiếng với cách ứng xử không “đao to búa lớn” nhưng cương quyết nếu bà cho là đúng. Tổng thống sắp mãn nhiệm của Đức Joachim Gauck nói về bà Merkel rằng “bà ấy sẽ đặt ngón tay vào vết thương (của người khác) nếu như bà ấy nhìn thấy nó”, ý nói bà Merkel là người luôn tìm cách chữa lành các vết thương không do bà ấy gây ra cho người khác.

Hãy đợi xem những ngày tới Đức và Mỹ sẽ có những bước tiến tiếp nào trong quan hệ.

Nguyễn Hữu Tráng (Thế giới & Việt Nam)

*Tựa bài do báo điện tử Một Thế Giới đặt lại

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chính phủ thông qua đề nghị sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 17.5.2024 thống nhất thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 252 Luật Đất đai như đề nghị của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Niềm kiêu hãnh Đức trước những lời đe dọa từ Mỹ