Người dân Trung Quốc dùng chữ “hất đổ nồi đi” để chỉ tình trạng quan chức chính quyền đổ thừa trách nhiệm cho người khác, chỉ lo lấy lòng cấp trên mà không tích cực trong việc ngăn chặn đại dịch coronavirus.

Quan chức Trung Quốc chối bỏ trách nhiệm chống coronavirus

06/02/2020, 14:35

Người dân Trung Quốc dùng chữ “hất đổ nồi đi” để chỉ tình trạng quan chức chính quyền đổ thừa trách nhiệm cho người khác, chỉ lo lấy lòng cấp trên mà không tích cực trong việc ngăn chặn đại dịch coronavirus.

Nhân viên mai táng thu xác người chết do dịch - Ảnh: AP

Xem ra Bắc Kinh đã ý thức được chuyện nghiêm trọng này. Tại cuộc họp ngày 3.2, Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận dịch coronavirus là “một thử thách lớn cho hệ thống chính trị Trung Quốc và khả năng điều hành của chính phủ”, theo Tân Hoa Xã.

Tại cuộc họp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chỉ đạo toàn thể cán bộ, đảng viên phải đặt việc giảm số người nhiễm dịch và tử vong là một nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Tập bày tỏ quan điểm kiên quyết chống thói quan liêu và chủ nghĩa hình thức trong công tác phòng dịch. Ông Tập nói các cán bộ chống đối chỉ đạo và “thiếu dũng cảm khi thi hành trách nhiệm ” sẽ bị kỷ luật.

Theo Tân Hoa Xã, văn bản chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI) của đảng Cộng sản Trung Quốc và Ủy ban Giám sát quốc gia nêu những hành vi sai phạm như vô trách nhiệm và lạm dụng ngân sách, tài nguyên dành cho công tác ngăn dịch sẽ bị điều tra và xử lý nghiêm theo luật pháp”.

Cán bộ chỉ lo giữ lấy thân, chờ trên quyết thay

Theo báo New York Times, vào lúc đã có 565 người tử vong cùng hàng ngàn người bị nhiễm dịch, dân Trung Quốc đang phàn nàn nhiều cán bộ đảng viên trốn tránh trách nhiệm, chỉ tay điểm mặt người khác phải gánh chịu trách nhiệm thay cho họ.

Kiểu đổ trách nhiệm “hất đổ nồi đi” trong bộ máy chính quyền Trung Quốc phần nào từ sự căng thẳng giữa những công chức ở nhiều vị trí khác nhau của các trung tâm kiểm soát phòng chống dịch bệnh cấp tỉnh, với các cán bộ đảng viên giữ các chức vụ chính quyền cấp tỉnh và thành phố, cùng các bí thư tỉnh ủy.

Dịch coronavirus bùng phát và việc bưng bít thông tin đã cho thấy phe thắng cuộc là những cán bộ đảng viên. Thực tế thì không một ai đủ can đảm nói cho dân biết điều họ biết về dịch này.

Các cán bộ đảng viên còn sợ đưa ra các quyết định khiến cấp trên của họ giận dữ, sợ bị cách chức nên họ chỉ lo làm hài lòng cấp trên, hơn là lo lắng cho người dân. Họ cũng kiêu căng khi làm việc với dân nên không thừa nhận sai phạm và “rút kinh nghiệm, rút bài học” từ các sai phạm đó.

Nhà văn Hứa Khai Trinh, một tác giả có nhiều sách bán chạy vì đề cập cơ cấu hoạt động chồng chéo của bộ máy chính trị Trung Quốc, nói: “Vấn đề quan trọng nhất mà cơn dịch này vạch ra, chính là việc chính quyền thiếu hành động và sợ hành động. Dưới sức ép cao từ chiến dịch chống tham nhũng, đa số cán bộ chính quyền cấp cao chỉ lo giữ lấy thân. Họ không muốn là những người lên tiếng đầu tiên. Họ chờ cấp trên ra quyết định, và họ chỉ chịu trách nhiệm với cấp trên chứ không với người dân”.

Quan chức đổ rằng dân hiểu sai lời mình

Tờ báo Mỹ nêu vào lúc cororavirus bùng phát, các quan chức ở thành phố Vũ Hán (ổ dịch) và khắp Trung Quốc đã bưng bít thông tin nhạy cảm, giảm nhẹ mối đe dọa và kỷ luật các bác sĩ đã gióng hồi chuông báo động bùng phát dịch.

Chủ tịch thành phố Vũ Hán, ông Chu Tiên Vượng thừa nhận ông không thông báo mức độ và sự nguy hiểm của dịch coronavirus sớm hơn, vì ông phải chờ sự cho phép từ “trên”.

Nhưng lẽ ra ông Chu vẫn có thể làm việc gì đó mà không phải chia sẻ nhiều thông tin, ví dụ ông đã có thể khuyên người dân Vũ Hán đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sạch. Hoặc ông nên ra lệnh ngưng các lễ hội lớn, ví dụ một bữa tiệc “vạn nhà” có sự tham dự của 40.000 hộ gia đình chỉ vài ngày trước khi Vũ Hán phải đóng cửa.

Ông Chu Tiên Vượng, Chủ tịch thành phố Vũ Hán - Ảnh: CCTV

Rồi khi thông tin về dịch bị xì ra, chính quyền thành phố vẫn chưa có động thái đối phó. Trong một loạt thông tin điện tử phát từ ngày 31.12.2019 đến 16.1.2020, các quan chức cho biết đang chữa trị cho các bệnh nhân bị viêm phổi nhưng không nói vào khi nào và có bao nhiêu người bệnh.

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) là cơ quan có quyền tuyên bố tình trạng dịch bệnh khẩn cấp, cũng không ra thông báo về dịch cho mãi đến ngày 19.1.2020. Nhưng thông báo mới này chủ yếu đổ trách nhiệm cho chính quyền địa phương.

Bác sĩ Vương Quảng Phát, một cố vấn y tế của NHC, đã được cử đến Vũ Hán để điều tra sự bùng phát dịch coronavirus từ một chợ động vật sống ở thành phố này. Ngày 10.1, ông đã trấn an người dân rằng có thể kiểm soát được dịch coronavirus và dịch này “không có khả năng gây bệnh”.

Nhưng rồi ông thừa nhận đã bị nhiễm dịch sau khi đến Vũ Hán 8 ngày. Ông được điều trị cách ly từ ngày 21.1 và sau khi bình phục, ông trả lời phỏng vấn, nói lúc đó ông không có được nhiều thông tin. Ông cũng bào chữa rằng tuyên bố “kiểm soát được dịch” của ông là “bị nhân dân hiểu sai điều tôi nói”, chứ câu đúng ông nói phải là “cuối cùng thì hầu hết các cuộc bùng phát dịch cũng được kiểm soát”.

Cấp dưới chỉ lo lấy lòng cấp trên, không nghĩ đến dân

Times cũng nêu các quan chức địa phương không xem việc lo cho dân là việc quan trọng hàng đầu. Khi trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, Bí thư Thành ủy Vũ Hán là ông Mã Quốc Cường thừa nhận người dân Vũ Hán "hơi bị lo lắng”, và ông sẽ vận động tất cả các cơ quan, đoàn thể đi trấn an dân. Ông nói thêm: “Nhưng sự động viên quan trọng nhất đến từ Tổng bí thư Tập Cận Bình”.

Nhà văn Hứa nói tuyên bố của ông Mã cho thấy các quan chức chỉ lo lấy lòng cấp trên, thay vì hoàn thành nhiệm vụ “công bộc là đầy tớ của nhân dân. Nếu họ có thể tái tổ chức trật tự bằng cả trái tim họ, thì chúng ta sẽ được thấy một phong thái lãnh đạo khác”.

Bí thư Thành ủy Vũ Hán, ông Mã Quốc Cường cảm thấy "có lỗi" vì phản ứng chậm với dịch - Ảnh: Yicai Global

Trên mạng xã hội Trung Quốc, cán bộ cấp thấp đã phàn nàn họ bị nhận quá nhiều chỉ đạo của “trên”, nên họ cứ phải cắm mặt điền dữ liệu vào máy điện toán, thay vì thực hiện nhiệm vụ thật sự.

Một cư dân mạng đã chạy tít “Chủ nghĩa hình thức dưới tấm mặt nạ. Đa số cán bộ trong guồng máy không làm các việc để giải quyết những hậu quả dịch, mà họ chỉ làm các việc để thực hiện trách nhiệm”.

Khi cố gắng kiểm soát dịch, các chính quyền địa phương lại ra vẻ đang rất bận rộn làm việc, thay vì tìm giải pháp. Sau đó, nhiều người tìm ra các cách truy tìm, thậm chí xua đuổi người đến từ tỉnh Hồ Bắc (Vũ Hán thuộc tỉnh này) nhằm không để bị nhiễm dịch cho địa phương của họ. Việc tìm kiếm những người có thể làm lây lan dịch là một chính sách đúng đắn, nhưng trừng phạt hoặc tẩy chay họ chỉ khiến họ tìm cách lẩn tránh và sẽ càng khiến khó phòng chống dịch hơn.

Ngay cả bên ngoài những vùng bị nhiễm dịch nặng nhất, cán bộ chính quyền địa phương cũng thể hiện rằng họ thi hành luật mà không nghĩ đến người dân. Một vidéo được tung lên mạng Trung Quốc, chiếu cảnh một cặp vợ chồng bị kẹt ở cây cầu nối tỉnh Quý Châu với thành phố Trùng Khánh. Hai cấp chính quyền này đã cấm đi lại giữa hai vùng, nên cô vợ người Quý Châu và anh chồng người Trùng Khánh không thể đi đâu.

"Nét văn hóa sợ hãi" của cán bộ chính quyền địa phương

Sau khi tái hiện hướng phát tán của dịch coronavirus, Times kết luận rằng khi không phát lệnh cảnh báo sớm, chính phủ Trung Quốc đã để mất cơ hội ngăn chặn dịch lây lan rộng khắp.

Tờ báo Mỹ viết: “Coronavirus đã phá đổ huyền thoại “chính nhờ nỗ lực phấn đấu” mà các cán bộ đảng viên thăng tiến sự nghiệp. Trung Quốc đã ca ngợi hệ thống này là một sáng tạo độc đáo của riêng nước họ. Các nước đang phát triển đã cử hàng ngàn công chức chính phủ đến Trung Quốc để học tập mô hình quản lý của Trung Quốc, một hệ thống chính trị đem lại sự an toàn và thịnh vượng nếu chịu thần phục chế độ”.

Người chỉ trích đã nói thầm rằng ông Tập là người tạo ra “nết văn hóa sợ hãi và phải thần phục” trong chính quyền Trung Quốc. Và dưới thời ông Tập, các đảng viên trung thành được cất nhắc, trong khi xem thường những công chức được đào tạo và từng là cột trụ của hệ thống chính quyền trong những năm 1999-2000, thời điểm Trung Quốc phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Và những cán bộ được cất nhắc, được ưu ái lại thường tham nhũng tiêu cực, dù đôi lúc người chỉ trích cũng phải công nhận các quan tham này hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ví dụ cựu Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân đã bị kết án tù chung thân vì nhận hối lộ và lạm quyền. Ông ta cũng giám sát việc lập hệ thống đường sắt cao tốc vốn đã cải thiện được cuộc sống cho người dân Trung Quốc.

Times còn viết: “Các cán bộ đảng viên Trung Quốc dành 1/3 thời gian làm việc để học chính trị, đa phần là học tập các tư tưởng của ông Tập - Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc. Mức độ trung thành với đảng thì có sức nặng hơn là khả năng làm việc. Xem ra nay luật số 1 trong hàng ngũ công chức Trung Quốc là thể hiện sự trung thành một cách dễ hiểu nhất có thể được, phớt lờ mọi thứ khác và trốn trách nhiệm bằng mọi giá khi tình hình trở nên xấu đi”.

Kiểu thần phục này đã lan khắp bộ máy, chỉ khiến người dân Trung Quốc phải trả giá đắt với cơn dịch coronavirus.

Vẫn theo Times, sau cơn dịch này , lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải xử lý kỷ luật vài cán bộ đảng viên, thậm chí kỷ luật nặng, nhằm để giữ gìn bộ mặt và giành lại sự tín nhiệm của người dân.

Nhưng với những người đang phải chịu đựng cơn dịch và sự yếu kém trong cách điều hành của chính quyền, thì có lẽ chính quyền Trung Quốc sẽ rất vất vả mới có thể lại được người dân tin yêu.

Một người Vũ Hán viết trên mạng xã hội Weibo: “Từ lâu tôi biết tổ quốc ta sẽ trở lại là một xã hội hòa bình, thịnh vượng. Chúng ta sẽ nghe nhiều người tự hào hô to rằng họ là một phần của sự thịnh vượng và sức mạnh. Nhưng sau những gì tôi đã được chứng kiến, tôi không còn muốn xem các tràng vỗ tay và lời tán dương nữa”.

Mỹ Trinh (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan chức Trung Quốc chối bỏ trách nhiệm chống coronavirus