Trước sức ép của dư luận lo ngại về dự án nhà máy thép Việt Pháp di dời lên đầu nguồn sông Vu Gia sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam chuẩn bị tổ chức họp báo thông tin về dự án.

Quảng Nam họp báo về dự án nhà máy thép đầu nguồn sông Vu Gia

Lê Đình Dũng | 12/10/2016, 19:14

Trước sức ép của dư luận lo ngại về dự án nhà máy thép Việt Pháp di dời lên đầu nguồn sông Vu Gia sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam chuẩn bị tổ chức họp báo thông tin về dự án.

>>Nhà máy thép bên sông Vu Gia: Quảng Nam trấn an, Đà Nẵng lo ngại

Hôm nay, 12.10, Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam đã phát đi giấy mời tổ chức họp báo thông tin nội dung liên quan dự án đầu tư nhà máy thép luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.

Thành phần được mời gồm lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở ngành như: Sở KH-CN, Sở TT-TT, Sở Công Thương, Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh…Đại diện các cơ quan báo, đài của trung ương và địa phương đóng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan báo chí có văn phòng tại Đà Nẵng.

Nhà máy thép Việt Pháp đang hoạt động tại Cụm công nghiệp (CCN) Thương Tín (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) được Sở KH-ĐT tỉnh này cấp giấy đăng ký kinh doanh ngày 25.8.2009. UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư thời hạn 50 năm từ năm 2011. Thời gian xây dựngtừ năm 2010 đến cuối năm 2011; từ 2012 đến nay, nhà máy đi vào hoạt động.

Công nghệ chủ yếu của nhà máy là lò cảm ứng trung tần (hoạt động bằng nguồn điện). Nguyên liệu sản xuất ra phôi thép là100% sắt phế liệu + phụ gia; công suất 48.000 tấn/năm.

Theo UBND TX.Điện Bàn, nhà máy sản xuất thép Việt Pháp tại CCN Thương Tín là một trong số12 cơ sở thuộc đối tượng di dời trên địa bàn thị xã. Trong thời gian qua, người dân xung quanh khu vực vực CCN Thương Tín phản đối nhà máy này gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực và hoạt động sản xuất của nhà máy.

Theo kế hoạch di dời nhà máy do Công ty Thép Việt Pháp đưa ra có đề nghị nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí gần 124 tỉ đồng thìmới có điều kiện tổ chức thực hiện. Hiện nay, theo đề nghị của Công ty Thép Việt Pháp, UBND huyện Nam Giang, Ban Xúc tiến đầu tư vàhỗ trợ doanh nghiệp (UBND tỉnh Quảng Nam) đã có chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựngnhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang; khu vực đầu nguồn sông Vu Gia, chảy về TP.Đà Nẵng. Quy mô của dự án là 180.000 tấn/năm.

Nhà máy thép Việt Pháp đang hoạt động tại thị xã Điện Bàn bị người dân phản đối vì ô nhiễm - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Trước lo ngại nhà máy thép đóng ở đầu nguồn sông sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước hạ du, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ sựquan ngại về dự án nhà máy thép này.

Ông Thơ cho hay, qua phản ảnh của các cơ quan thông tấn báo chí, UBND TP.Đà Nẵng được biết UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý chủ trương cho phép đầu tư dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp thuộc lưu vực sông Vu Gia, con sônghiện cung cấp khoảng 250.000m3nước/ngày đêm cho nhà máy nước Cầu Đỏ (TP.Đà Nẵng), chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại Đà Nẵng.

Chính quyền và nhân dân Đà Nẵng hết sức quan ngại việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia bởisẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho Đà Nẵng.

Vì vậy, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp, chia sẻ các thông tin liên quan đến dự án, đặc biệt ảnh hưởng của dự án đến môi trường lưu vực sông Vu Gia để có cơ sở giải thích cho nhân dân TP.Đà Nẵng được biết.

Đáp lại lo ngại của Đà Nẵng, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn khẳng định, nhà máy thép Việt Pháp không luyện quặng sắt để sản xuất phôi thép mà sử dụng công nghệ lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu (sắt thép phế liệu) sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải và tiếng ồn.

Đối với nguồn nước thải sản xuất của nhà máy là tuần hoàn, không thải ra môi trường, không ảnh hưởng đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân tại TP.Đà Nẵng.

“Chính vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam không thông tin lấy ý kiến từ UBND TP.Đà Nẵng đối với việc nghiên cứu đầu tư thực hiện dự án này”, tỉnh Quảng Nam cho hay.

Ông Toàn còn cho rằng: “Trong quá trình đầu tư, phát triển KT-XH, tỉnh Quảng Nam xác định không đánh đổi môi trường để tăng trưởng và luôn quan tâm đếntác động của các dự án đến đời sống nhân dân trong tỉnh vàkhu vực lân cận, nhất là khu vực hạ du lưu vực các sông.

Quan điểm này cũng đã được UBND tỉnh thống nhất tại các cuộc họp giữa lãnh đạo hai địa phương. Tuy nhiên, vừa qua một số đơn vị, cá nhân không có chức năng của TP.Đà Nẵng chưa nắm đầy đủ thông tin đã thông tin không chính xác cho các cơ quan thông tấn báo chí, gây dư luận không tốt về vấn đề này, đề nghị UBND TP.Đà Nẵng kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh”.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Nam họp báo về dự án nhà máy thép đầu nguồn sông Vu Gia