Bài toán chi tiêu của các bà nội trợ vào thời điểm gần tết còn có thêm “phép cộng” giá gas tăng. Doanh nghiệp phải “cắn răng” chịu đựng để giữ giá hàng hóa. Giá gas tăng đã khiến mọi sinh hoạt, sản xuất của người dân đảo lộn và câu chuyện về giá gas tăng đâu chỉ dừng ở đó…

Quay cuồng với giá gas - Bài 1: Trở lại thời kỳ than tổ ong

Một Thế Giới | 18/12/2013, 11:00

Bài toán chi tiêu của các bà nội trợ vào thời điểm gần tết còn có thêm “phép cộng” giá gas tăng. Doanh nghiệp phải “cắn răng” chịu đựng để giữ giá hàng hóa. Giá gas tăng đã khiến mọi sinh hoạt, sản xuất của người dân đảo lộn và câu chuyện về giá gas tăng đâu chỉ dừng ở đó…

Dân tẩy chay, doanh nghiệp "cắn răng"

Thức dậy sớm hơn mọi ngày 1 tiếng đồng hồ để quạt than tổ ong là công việc phải làm hơn 1 tuần qua của ông Trần Duy Khánh ngụ ở khu nhà B5, phường Tân Thành, Tân Phú (TP.HCM). Trước đây, nồi nước lèo của bà Mỹ Hạnh vợ ông được riu lửa giữ nóng bằng gas thì nay được đặt trên lò than tổ ong.  
“Tụi tui bán cho dân lao động chủ yếu nên giá tô bún chỉ có 12.000-15.000 đồng. Nay gas tăng 80.000 đồng/bình 12kg thì tui phải chuyển sang dùng lại than tổ ong. Cả xóm nghèo này, mấy hôm nay cũng lục đục lôi lò than ra để quạt quạt thổi thổi từ sáng sớm. Cái bếp gas chỉ dùng ở trường hợp cần thiết lắm chứ không dùng thường xuyên như trước nữa” - ông Khánh than thở.
Theo lời bà Lê Thị Sương - cùng khu nhà B5 của ông Khánh thì từ lúc có thông tin giá gas tăng, bà và nhiều bà nội trợ khác rất hoang mang. Vì gas tăng thì sẽ kéo theo những thứ khác tăng, bước ra chợ bó rau, lạng thịt cũng nhích lên chút xíu vì phải trả thêm chi phí cho gas. 
“Bình thường xăng, điện tăng đã kéo theo giá tăng, nay gas tăng thì thực phẩm càng tăng theo. Thời buổi kinh tế khó khăn này mà mấy ông ở trên đồng ý cho tăng cái gì là giá cả các mặt hàng đều tăng theo ào ào. Chỉ khổ người dân chúng tôi mà thôi!”.
“Tẩy chay” gas là lời tuyên bố của chị Hoàng Thị Huệ, chủ quán cơm bình dân ở đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận. 
“Tôi dùng gas để nấu thức ăn, mỗi tháng tôi dùng 1-2 bình gas. Những với cái kiểu tăng giá như vậy thì tôi không thể nào dùng tiếp được nữa. Hồi tháng 8 năm nay có 385.000 đồng/bình 12kg, tháng 9 là 397.000 đồng, tháng 10 giảm xuống xíu còn 389.000 đồng tháng 11 lại lên 407.000 đồng riêng tháng 12 này lên 485.000 đồng thì không còn gì để nói. Gần tết rồi, bao nhiêu thứ chi phí đổ lên đầu người dân, tôi thà chịu cực để quạt than tổ ong nấu chứ dùng gas kiểu này thì không còn đồng lời nào nữa!”.
Quay cuong voi gia gas - Bai 1: Tro lai thoi ky than to ong
Trong khi đó, do được xem là nguyên liệu sạch, bảo vệ môi trường, gas được phần lớn những những doanh nghiệp nước ngoài, có sự đầu tư lớn về công nghệ sử dụng làm chất đốt. Và việc giá gas tăng cao trong thời điểm này cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp phải “cắn răng” chịu đựng vì không thể có sự thay thế về nguyên liệu nào. 
Anh Trần Đình Công - kỹ sư cơ khí làm việc ở một công ty chuyên về thiết bị điện lạnh của Nhật cho biết: “Phần lớn những doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Nhật đều sử dụng gas làm nguyên liệu trong sản xuất. Tuy nhiên, với mức tăng giá gas như hiện nay thì các doanh nghiệp phải hoạch định lại chiến lược sản xuất và đưa ra mức giá mới cho sản phẩm. Không như người dân, nếu không dùng gas thì sẽ dùng điện hoặc dùng chất đốt khác, với những doanh nghiệp này thì họ phải chịu đựng vì công nghệ thiết bị dùng cho gas thì chỉ dùng được cho gas”. 
Cuối cùng dân vẫn chịu thiệt
Để cân đối giữa giá nguyên liệu đầu vào bắt buộc doanh nghiệp phải tăng giá nguyên liệu đầu ra là điều tất yếu. Và không ai khác, người gánh chịu hậu quả của việc tăng giá lại một lần nữa là người tiêu dùng.
Khi được hỏi giá gas tăng cao thì chiết khấu của các công ty gas cho các đại lý có tăng hay không? Anh Trần Việt T. - chủ đại lý gas trên đường Tân Kỳ - Tân Quý (Tân Phú) khẳng định: “Không có chuyện tăng chiết khấu phần trăm cho đại lý gas khi giá gas tăng cao. Ngược lại chúng tôi cũng đang rất đau đầu vì phải giải đáp cho khách hàng vì sao giá gas tăng, rồi có nhiều khách hàng đã quyết tâm tẩy chay luôn gas, trả lại bình và đòi hoàn tiền cọc. Từ đầu tháng 12 đến nay, riêng khu vực nhỏ nhỏ này tôi đã phải trả tiền cọc cho hơn 5 khách hàng. Có nghĩa là họ quyết định không dùng gas nữa. Số đông người dân còn lại họ vẫn tiếp tục dùng nhưng sẽ rất tiết kiệm và hạn chế. Đa phần, người dân đang có xu hướng chuyển qua dùng bếp từ hoặc với các quán ăn họ sẽ dùng than tổ ong thay vì gas như trước đây”.
Sau đợt giá tăng giá lên gần 20% từ đầu tháng 12 vừa qua, ông Nguyễn Thăng Long, nhân viên bán hàng của một siêu thị điện máy TH, chi nhánh quận 11 thông tin: các sản phẩm điện liên quan đến bếp (bếp từ, hồng ngoại, bình nước siêu tốc) bán chạy hơn mấy tháng trước. Chủ một tiệm sửa chữa, mua bán điện gia dụng ở quận 12 tên Hoàng Hải Nam cũng cho hay, tuần này, lượng khách mang các loại đồ dùng điện cũ ra sửa chữa nhiều hẳn lên.
Một trong những thành phần cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi giá gas tăng chính là sinh viên. Nguyên liệu dùng để nấu ăn của các bạn Thanh, Huy, Tuấn, Ngọc sinh viên trường Đại học Bách Khoa TP.HCM hơn 1 năm qua chính là gas. Một bình gas 12kg với giá 385.000 đồng trước đây các bạn sử dụng được 3 tháng, nay giá tăng lên đúng 100.000 đồng nữa có nghĩa là chi tiêu của các bạn cũng tăng theo gas. 
Một bạn trong nhóm cho biết: “Thời buổi này mà chuyển qua lại nấu bếp dầu thì thật khó vì chủ nhà sẽ không cho nấu bằng thứ này, mà dùng gas thì đúng là quá đắt so với chi tiêu của sinh viên. Tụi em đang tính toán lại, nếu ăn cơm bụi mà đỡ tốn kém hơn thì tụi em sẽ không nấu ăn nữa!”.
Hoàng Dung (Người Đô Thị)
Luẩn quẩn tính toán gas - điện 

Sau 10 ngày, kể từ khi gas tăng giá, ông Đặng Anh Tú (Gò Vấp), chủ của chuỗi 4 quán gà rán đã thay thế chảo dầu chiên bằng gas trước đây sang chảo điện. Ông Tú nhẩm tính, một tháng, 4 quầy bán gà rán xài hết 18 bình gas, với giá gas hiện thời hơn 500.000 đồng/bình 12 kg, chi phí sẽ đội lên thêm khoảng 1,6 triệu đồng. Vì công ty đã ấn định giá bán nên ông không thể tăng, để giảm chi phí, ông Tú chuyển sang chiên bằng chảo điện. Mỗi chảo điện mới giá hơn 2 triệu đồng, tuy nhiên tiền điện trả hàng tháng sẽ thấp hơn tiền gas, ông cho biết.

Tương tự, Bà Nguyễn Thị Loan, chủ quán bánh canh cá lóc Kim Long ở quận 12 cũng bổ sung vào bếp nấu một nồi cơm điện cỡ lớn. Vì đặc tính nước lèo lúc nào cũng phải nóng, dùng than thì mất vệ sinh, nên phương án dùng nồi cơm điện giữ nóng là hợp lý. Một tháng, quán ăn của bà dùng hết 4 bình loại 12 kg, nay chuyển sang điện dự kiến giảm được khoảng 1,5 bình, tiền điện chỉ tăng thêm khoảng 200.000 đồng/tháng. Như thế vừa hợp lý, vừa không phải tăng giá bán.

Theo bà Nguyễn Hồng Thiệp, Hóc Môn, dùng điện thay gas sẽ có giảm chi phí hàng tháng nếu bà nội trợ cân lượng được tỉ lệ dùng điện và gas hợp lý. Vì điện có nhiều mức giá, từ 1.418 đồng trở lên, nên càng xài nhiều, giá càng cao. Do vậy, nếu một gia đình dùng điện chỉ dừng ở mức giá khoảng 2.210 đồng/kw trở lại (khoảng gần 300 kw/tháng), sẽ rẻ hơn gas. Vượt mức giá này, điện cũng không rẻ nữa.

Vĩnh Hoà

(Còn tiếp)
Bài liên quan
Huyện Trần Văn Thời (Cà Mau): Kinh tế phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trần Văn Thời tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan, nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt tiến độ so với kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quay cuồng với giá gas - Bài 1: Trở lại thời kỳ than tổ ong