Chiều 27.1, lãnh đạo TP.HCM đã đến thăm, chúc tết ở Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước
Tại đây, lãnh đạo TP.HCM đề nghị đơn vị cần tiếp tục đổi mới công nghệ, phương pháp xử lý tốt hơn để đảm bảo vệ sinh môi trường, khắc phục các hạn chế, không gây phiền hà cho cư dân lân cận.
Tờ Người Lao động đưa tin thêm, vị lãnh đạo cũng yêu cầu cần hết sức chú ý lúc giao mùa là những thời điểm có thể làm phát tán mùi. Các ngành, các cấp trong khả năng của mình cần hỗ trợ cho Đa Phước hoàn thành tốt công việc của mình. Việc quan trắc tự động chất lượng môi trường cũng cần được thực hiện thường xuyên liên tục.
''Đây vừa là giám sát cũng vừa là để giúp cho Đa Phước mỗi ngày một tốt hơn, giúp cho Đa Phước cũng chính là giúp cho môi trường chung của TP'' – ông Khoa nói.
Còn nhớ, ngày khởi công xây dựng và khánh thành Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước, người dân và chính quyền TP. HCM đều đặt kỳ vọng vào nhà máy này. Tất cả đều đặt hi vọng thành phố xanh trong tương lai lên vai của Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS).
Bản thân VWS cũng khẳng định Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước sẽ sử dụng công nghệ xử lý rác hiện đại nhất thế giới. Nếu chỉ có thế, việc lãnh đạo TP.HCM đến thăm hỏi và có những lời hứa hỗ trợ đơn vị này hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng chẳng phải là chuyện bất thường.
Thế nhưng trong năm qua, người dân TP.HCM đã phải sống chung với mùi hôi thối lan tỏa từ bãi rác Đa Phước trong suốt một thời gian dài. Thậm chí, hình ảnh bãi rác Đa Phước còn trở thành nỗi lo sợ của hầu hết người dân TP.HCM.
Không chỉ vậy, sau khi bị nhắc nhở, tháng 10.2016, VWS còn gửi văn bản đến Thành ủy, HĐND, UBND TP HCM và Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị ngưng xử lý, trả lại cho thành phố 2.000 tấn rác (trong số 5.400 tấn mỗi ngày) tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Trước động thái trên, TP.HCM đã ra ''tối hậu thư'' yêu cầu VWS vẫn phải tiếp nhận toàn bộ lượng rác của TP HCM như đã cam kết, tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến môi trường chung của Thành phố.
Tuy nhiên sau đó, TP.HCM lại chi khoảng 1.070 tỷ đồng ngân sách để giải phóng mặt bằng, tái định cư, trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh, rộng 268 ha) nhằm giảm mùi hôi từ bãi rác đầy tai tiếng này.
Trước sự kiện này, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI đã phải thốt lên rằng:
''Đây là trách nhiệm của Đa Phước và họ phải điều tra tìm ra nguyên nhân chính thức, khắc phục hậu quả, thậm chí là đền bù thiệt hại cho người dân. Tại sao TP.HCM lại dùng ngân sách nhà nước để xử lý việc này? Đó là tiền thuế do dân đóng, không thể như vậy được''.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đặt câu hỏi, TP.HCM căn cứ vào đâu để quyết định chi số tiền 1.070 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư, trồng cây xanh cách ly Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước.
''Vấn đề không phải là 1.070 tỷ hay bao nhiêu tiền? Vấn đề là nguyên nhân gì gây ra tình trạng mùi thối cho cả khu Nam thành phố. Phải tìm ra nguyên nhân chứ không phải là cách sử dụng tiền ngân sách để khắc phục.
Từ trước đến nay không ai nói gì đến chuyện giải phóng mặt bằng, trồng cây. Từ đầu vẫn bình thường mà giờ lại đưa ra chuyện như vậy. Tôi không hiểu sao lại xảy ra chuyện đó. Việc này hết sức vô lý. Doanh nghiệp sai chúng ta không phạt, mà lại trích tiền thuế của dân để khắc phục'', TS. Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Phúc, mùi thối của Đa Phước là lỗi của công ty này, phải tìm rõ nguyên nhân và xử lý. Đa Phước phải chịu trách nhiệm chính chứ không đổ lỗi cho nơi khác.
Thanh An/báo Đất Việt