Luis Enrique sinh ra là để thử thách bản thân, để xông vào những chốn cam go nhất. Hôm nay sẽ là một trận đánh lớn cuối cùng, căng thẳng nhất và cũng hứa hẹn hấp dẫn nhất của ông trên cương vị HLV trưởng Barca.

Real - Barca: Chiến cuộc cuối cùng của chiến binh Luis Enrique

bai cao | 23/04/2017, 20:20

Luis Enrique sinh ra là để thử thách bản thân, để xông vào những chốn cam go nhất. Hôm nay sẽ là một trận đánh lớn cuối cùng, căng thẳng nhất và cũng hứa hẹn hấp dẫn nhất của ông trên cương vị HLV trưởng Barca.

*Trận đấu diễn ra lúc 1h45 ngày 24.4, theo giờ Hà Nội.

Bạn có biết bộ phim nổi tiếng "300" do Zack Snyder đạo diễn là một sản phẩm... chém gió quá đà? Không như trên phim, trận chiến Thermopylae có đến 7.000 người Hy Lạp tham chiến. Sau khi bị phản bội, Vua Leonidas quả là có ở lại chặn quân Ba Tư cùng với 300 chiến binh Spartan. Nhưng bên cạnh đó còn có 700 người Thespian, 400 người Theban và mấy trăm quân của các thành bang Hy Lạp khác. Để trận đánh thêm phần bi tráng, các nhà biên kịch ở Hollywood chỉ giữ lại 300 quân Spartan mà thôi.

Nhưng lịch sử thực sự đã chứng kiến có cuộc chiến khác của 300 chiến binh đấu lại thiên binh vạn mã, diễn ra vào năm 722. Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa làDon Pelayo,quý tộc người Visigoth đã khai sinhVương quốc Asturias(tiền thân của nước Tây Ban Nha ngày nay). Bị dồnlên núi Auseva nhưngDon Pelayo và tàn binh của ôngkiên quyết không hạ vũ khí.Họ đánh đến cùng và khi tàn cuộc, Pelayo vẫn sống, bên cạnh 10 người của quân mình. Và ở ngọn núi lịch sử năm nào, người ta đã dựng một bức tượng của Pelayo,tay cầm thanh gươm với gương mặt can trường, tự hào và bất khuất.

Vì sao trước một trận El Clasico lại kể chuyện lịch sử? Vì Luis Enrique chính là một người Asturia.

Khi Barcelona đến sân Real Madrid, dường như Enrique thấy mình đang rơi vào tình thế của Pelayo ngày trước. Barca đã bị loại khỏi Champions League, thất bại ở El Clasico sẽ chấm dứt nốt hy vọng của họ tại La Liga. Khi ấy, hàng vạn mũi giáo của truyền thông sẽ xiên vào người ông. Nhưng sự can trường là điều ta có thể thấy ở Enrique.

"Sau một thất bại, thật khó để kích thích các cầu thủ. May thay đối thủ tiếp theo lại là Real Madrid", Enrique nói. "Tôi là một chiến binh, tôi chuẩn bị cho mọi thứ, đặc biệt là những thứ gian khó. Tôi có gene của người Asturia, tôi có gene của Pelayo. Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi bị rơi vào thế phải phản kháng. Tôi sẽ tận hưởng trận đấu này, vì tôi cảm thấy thoải mái hơn khi thấy mình đứng trong một cuộc chiến".

Enrique và các học trò đang ở vào một tình thế ngặt nghèo, khi chỉ còn mỗi La Liga để níu giữ cho mùa giải này.

Và đấy không chỉ là một cuộc chiến thông thường, nó là cuộc chiến lớn nhất lịch sử bóng đá thế giới, được đặt vào tình thế ngặt nghèo nhất, nơi triều đại của Enrique ở Barca đang đi vào hồi cuối. Và Enrique lại là người cũ của Real. Không có một sự nhân từ nào từ các khán đài dành cho kẻ phản bội trong chuyến trở về này.

Thực tế thì Enrique luôn cảm thấy... thoải mái khi bị các Madrisita xem như kẻ phản bội. Ông bảo khi nhìn lại những bức ảnh ngày cũ thuở còn đá cho Real, ông đã không nhận ra chính mình: "Tôi thấy màu áo xanh-đỏ (Barca) hợp với mình hơn nhiều".

Trong lịch sử 112 năm của các trận El Clasico, chỉ có 33 cầu thủ từng khoác cả hai màu áo. Trong số này, chỉ có 20 người là chuyển trực tiếp từ CLB này sang CLB kia mà không qua trung gian ở một CLB khác. Đa phần là họ chuyển từ Barca sang Real, bởi Real bao giờ cũng là CLB giàu hơn, mang tính toàn cầu hơn. Trong số này, Luis Figo, Michael Laudrup, Bernd Schuster... là những người nổi tiếng nhất.

Tính từ năm 1975, tức năm sụp đổ của chế độ độc tài Franco, chỉ duy nhất một người chuyển từ Real sang Barca: Luis Enrique!

Enrique có năm năm thi đấu cho Real. Luôn máu lửa và can trường, ông đã dành những gì tốt nhất cho màu áo trắng. Ông từng ghi bàn trong trận El Clasico mà Real thắng 5-0 vào năm 1995. Vậy mà ở tuổi 26, khi phong độ bước vào đỉnh cao, Enrique đã chuyển sang Barca theo dạng chuyển nhượng tự do vào năm 1996. Real đề nghị gia hạn, nhưng ông từ chối. Và khi đã khoác lên mình chiếc áo Barca, ông lập tức trở thành một người căm ghét Real.

Không ai có thể giải thích tường tận được lý do vì sao Enrique lại yêu Barca đến thế, dù đã có đến năm năm chơi cho Real. Có thể vì ngay từ đầu, Sporting Gijon đã bán Enrique lấy tiền mà không hỏi qua ý kiến của ông. Cũng có thể vì năm năm ở Madrid, Enrique luôn mang mặc cảm của một đứa con ghẻ. Trong một đội hình có Michael Laudrup, Emilio Butragueno, Fernando Hierro, Michael Laudrup, Gheorghe Hagi, Robert Prosinecki..., Enrique chỉ là một cái tên quá đỗi bình dân. Và ông đã phải chơi ở mọi vị trí trong đội hình Real, theo kiểu "thiếu chỗ nào điền vào chỗ ấy". Chỉ có hai vị trí mà Enrique chưa từng phải đá trong thời gian đó: thủ môn và trung vệ.

Enrique có năm năm khoác áo Real, nhưng luôn cảm thấy như phận "người ở".

"Thật dễ dàng khi chơi quanh mình toàn đồng đội giỏi. Nhưng tôi vốn là một cầu thủ săn bàn", Enrique nói. "Họ cho tôi đá tiền vệ phòng ngự rồi hậu vệ. Lẽ ra tôi đã có thể xin chuyển nhượng. Real cũng định mang tôi cho Sevilla mượn. Nhưng tôi tôn trọng hợp đồng của mình. Tôi làm tất cả những gì HLV yêu cầu".

Khi Enrique rời khỏi Madrid, ông đã đá cho Real 213 trận, bình quân 40 trận mỗi mùa, tức là một nhân vật quan trọng ở Bernabeu. Nhưng ông chỉ ghi được 18 bàn. Không có mùa nào Enrique ghi nhiều hơn năm bàn. Và cuộc chuyển nhượng sang Barca đã làm thay đổi cuộc đời Enrique hoàn toàn.

Đấy là năm 1996, Enrique đến Nou Camp và phát hiện ra người HLV đã thuyết phục mình về Barca - Johan Cruyff - đã bị sa thải. Bobby Robson là người lên thay. Lần đầu tiên bước vào phòng thay quần áo, Robson đã quay sang hỏi Jose Mourinho, lúc bấy giờ là trợ lý ngôn ngữ của HLV người Anh:

- Hai anh này (Enrique và Pizzi) là ai vậy?

Enrique không đợi Mourinho trả lời mà đáp ngay:

- Chúng tôi là tuyển thủ quốc gia Tây Ban Nha.

Rất nhanh chóng, Robson không chỉ biết tên của Enrique mà còn biết ông có thể làm được những gì. Được chơi ở vị trí tiền vệ tấn công yêu thích, Enrique lập tức chứng tỏ tài nghệ. Mùa đầu tiên ở Nou Camp, Enrique ghi 17 bàn ở La Liga, chỉ kém duy nhất Ronaldo (34 bàn, "Người ngoài hành tinh" giành Chiếc giày vàng châu Âu mùa đó). Từ đó cho đến trước mùa giải cuối cùng ở Nou Camp (2003-2004), Enrique chưa bao giờ ghi dưới 10 bàn mỗi mùa.


Enrique yêu Barca đến mức khi hết hợp đồng với Barca vào năm 2004, ông đã không trở về Sporting Gijon để đá nốt vài năm cuối sự nghiệp. Giải nghệ ở tuổi 34, Enrique luôn khẳng định mình chỉ thật sự sống khi có thử thách lớn. Và sau khi rời Barca, ông không nhìn thấy những thử thách kiểu như thế nữa. Và người đàn ông ấy bắt đầu thử thách chính mình, với việc tham gia vào nhiều cuộc thi Iron Man, những chuyến băng ngang qua sa mạc Marốc, những cuộc leo núi. Cảm giác nguy hiểm, căng thẳng mới giúp cho Enrique thực sự được sống.Trong số hơn trăm bàn ấy, Enrique thích nhất là bàn thắng trong trận El Clasico ở Bernabeu mà Barca đã thắng 3-2. Sau khi ghi bàn, Enrique đã có màn ăn mừng hoang dại và cảm xúc nhất sự nghiệp. TờEl Paistả lại như sau:"Khi bóng vừa tung lưới, người cựu cầu thủ Real Madrid đã chạy như một gã điên đến nơi nguy hiểm nhất trên sân, chỗ của các Ultra. Anh ta đập tay vào ngực, đấm tay vào không khí, không quan tâm đến những vật thể lạ đang ném xuống mình, không quan tâm đến những lời thóa mạ dành cho mình. Enrique chưa bao giờ thật sự được yêu mến khi còn ở Madrid. Và pha ghi bàn ấy của anh ta, một câu trả lời tức thì cho bàn gỡ của Raul, chính là màn báo thù hoàn hảo".

Chúng ta thường nói nhiều về Luis Figo, trong khi chính Enrique - một người Tây Ban Nha - cũng là một chứng nhân oai hùng của cuộc chiến. Khi được hỏi về chiếc đầu lợn được ném về phía Figo năm nào, Enrique đã cười: "Sao chỉ có cái đầu, tôi nghĩ các cule phải ném... cả con lợn kìa. Figo từ Barca sang Real, có khác gì Ryan Giggs bỏ Man Utd mà sang Man City, Steven Gerrard bỏ sang Everton đâu".

Bây giờ, Enrique chỉ còn được "sống" trong trận El Clasico thêm một lần cuối cùng nữa. Áp lực đang bủa vây, nhưng ông lại thấy vô cùng kích thích. Người Asturia không biết run sợ. So sánh mình với Pelayo, Enrique cũng gửi thông điệp đến tất cả: Ông đã sẵn sàng quyết tử trong chiến cuộc cuối cùng.

Hoài Thương/VNE
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Real - Barca: Chiến cuộc cuối cùng của chiến binh Luis Enrique