Loài thằn lằn lớn nhất thế giới, rồng Komodo, có thể biến mất trong thế kỷ tới khi mực nước biển dâng cao đe dọa nhấn chìm môi trường sống của chúng.
Trên toàn cầu, có gần 40.000 loài được liệt vào danh sách Có nguy cơ tuyệt chủng và nhiều loài khác vẫn chờ được đánh giá để đưa vào danh sách.
Do chỉ còn ít hơn 1.400 con trưởng thành trên thế giới và phạm vi phân bố của rồng Komodo chỉ giới hạn ở một số hòn đảo của Indonesia, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã quyết định đưa đưa bò sát này từ loại Dễ bị tổn thương sang loại Có nguy cơ tuyệt chủng. Các mối đe dọa từ cả con người và thiên nhiên đến môi trường sống của chúng đều là nguyên do dẫn đến sự thay đổi của IUCN.
Cuộc sống bên bờ vực
Rồng Komodo là loài bò sát ăn thịt chỉ được tìm thấy trên các hòn đảo phía nam Indonesia. Quần thể chính của chúng chủ yếu ở trong và xung quanh Vườn quốc gia Komodo, trên hòn đảo cùng tên, nhưng các quần thể nhỏ hơn cũng sinh sống trên đảo Rinca và Flores.
Rồng Komodo săn nhiều loại động vật gồm cả hươu, lợn rừng và trâu nước. Đến khi trưởng thành vào khoảng sáu tuổi, con cái đẻ khoảng 30 quả trứng, trong đó 20 quả có khả năng nở. Tuy nhiên, thông thường chỉ có hai trong số những con non này sống sót đến tuổi trưởng thành.
Do có rất ít rồng con có thể sống sót đến trưởng thành cùng với phạm vi phân bố hạn chế, rồng Komodo được coi là loài Quý hiếm ngay khi sách Đỏ ra mắt năm 1986. Mặc dù cách phân loại này hiện không còn tồn tại nhưng rồng Komodo được xếp vào danh sách loài Dễ bị tổn thương vào năm 1996 cho đến khi được chuyển hộ khẩu sang danh sách loài Có nguy cơ tuyệt chủng.
Khi đánh giá lại rồng Komodo vào năm 2021, IUCN đã xem xét nhiều yếu tố liên quan đến lối sống và môi trường của chúng. Để được xếp loại là Có nguy cơ tuyệt chủng, một loài phải đáp ứng ít nhất một trong năm tiêu chí, chẳng hạn như quy mô quần thể giảm đáng kể trong 10 năm qua.
Điều đặc biệt liên quan đến loài rồng là phạm vi địa lý và quy mô số lượng cá thể của chúng rất nhỏ. Lãnh địa của chúng chỉ chiếm diện tích khoảng 800 km2 và bị chia cắt nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu dự kiến số lượng rồng Komodo sẽ giảm trong tương lai, đặc biệt là ở các khu vực không được bảo vệ.
Vì là loài sống chủ yếu ở vùng đồng cỏ thấp nên một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với rồng Komodo là tốc độ biến đổi khí hậu đang diễn ra chóng mặt những năm gần đây.
Với nhiệt độ toàn cầu tăng cao đã khiến các khu vực đảo thấp bị sóng biển cuốn trôi, những dự đoán cực đoan nhất cho thấy loài rồng có thể mất tới 71% môi trường sống trong 45 năm tới. Điều này có thể khiến số lượng của chúng vốn đã thấp lại bị sụt giảm thêm 1/3 vào năm 2050. Khả năng phân tán hạn chế của loài này khiến chúng không tìm được môi trường sống mới và có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn.
Trên thực tế, nước biển dâng cao đã gây ra mối đe dọa cho nhiều loài trên khắp thế giới. Chẳng hạn loài Bramble Cay Melomys (động vật có vú nhỏ, thuộc họ Chuột, bộ Gặm nhấm), vốn chỉ được tìm thấy trên hòn đảo cùng tên ngoài khơi nước Úc, đã bị tuyên bố tuyệt chủng vào năm 2016.
Lần cuối cùng xuất hiện vào năm 2009, loài gặm nhấm này bị tuyệt diệt do lũ lụt liên tục xuất hiện trên đảo, phá hủy môi trường sống và khiến những cá thể cuối cùng chết đuối. Bramble Cay Melomys được coi là loài động vật có vú đầu tiên bị tuyệt chủng bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Nhưng không chỉ những loài động vật như rồng Komodo và Bramble Cay Melomys đang bị đe dọa. Tiến sĩ Jeff Streicher, chuyên gia về động vật lưỡng cư và bò sát, cho biết: “Loài động vật to lớn có danh tiếng như rồng Komodo dễ thu hút sự chú ý của mọi người, nhưng thực tế đáng buồn là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi loài. Hàng chục loài đang tiếp tục di chuyển lên cao hơn để tìm nơi phù hợp với nhiệt độ và môi trường sống ưa thích của chúng. Với không gian ngày càng chật chội, sự cạnh tranh giữa chúng ngày càng tăng".
Streicher cho biết thêm: "Ngoài rồng Komodo được biết đến nhiều nhất, còn có rất nhiều sinh vật sống ở Komodo, từ côn trùng cho đến vi khuẩn, mà chúng ta biết rất ít hoặc không biết gì về chúng. Việc chuyển rồng Komodo (sang danh sách loài Có nguy cơ tuyệt chủng) có liên quan đến việc chúng bị mất môi trường sống và thật đáng buồn là chúng ta cũng mất cơ hội tìm hiểu mọi sinh vật khác trong môi trường sống đó"
Nguy cơ không chỉ từ mực nước biển
Trong khi mực nước biển dâng cao là mối quan tâm đặc biệt của các nhà bảo tồn, thì cũng có nhiều yếu tố khác đe dọa loài rồng Komodo. Phần lớn môi trường sống còn lại của loài này được bảo vệ trong Công viên Quốc gia Komodo, nơi quần thể được cho là ổn định. Trong khi đó, các quần thể không được bảo vệ ở Flores gần đó, nơi chiếm hơn một nửa môi trường sống của loài rồng, đang gặp 'nguy cơ liên tục'.
Hoạt động của con người đang có tác động đặc biệt, đơn cử là việc thợ săn trên đảo thường cạnh tranh con mồi với rồng Komodo. Điều đó khiến việc kiếm ăn của chúng ngày càng khó khăn. Chưa hết, môi trường sống ưa thích của loài bò sát này đang bị phá hủy khi hoạt động nông nghiệp ngày càng lấn chiếm rừng và đồng cỏ, khiến rồng và nông dân xảy ra xung đột.
Từ đó, xuất hiện rủi ro đối với những con rồng sống trên Flores khi đối mặt với người dân, vì chúng bị săn bắt để buôn lậu ra bên ngoài. Cuối cùng, mối đe dọa do các loài xâm lấn như mèo, chó và cóc theo chân con người, có khả năng ảnh hưởng đến rồng Komodo do các loài xâm lấn này hay săn rồng non trên đảo.
Ngoài nguy cơ tuyệt chủng từ các nguồn bên ngoài, tính chất phân tán của quần thể cũng tiềm ẩn nguy cơ di truyền đối với loài rồng Komodo.
Có rất ít dòng gien giữa các nhóm rồng khác nhau. Việc các quần thể riêng biệt ngày càng bị cô lập, càng tạo nên khủng hoảng trong di truyền. Sự thiếu đa dạng di truyền có thể làm cho quần thể dễ rồng Komodo mắc bệnh, mặc dù hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy mối đe dọa như vậy đối với loài này.
Do sự phân tán, sự khác biệt giữa hai nhóm - rồng Flores phía bắc và rồng Vườn quốc gia Komodo - lớn đến mức khiến các nhà điều tra của IUCN đề xuất nên quản lý hai quần thể rồng Komodo riêng biệt nhằm mục đích bảo tồn.
Cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu các loài bò sát sẽ hoạt động như thế nào dưới tác động của biến đổi khí hậu. Với riêng rồng Komodo hiện được xếp vào danh sách là Có nguy cơ tuyệt chủng, cần khẩn trương hành động nhằm thay đổi số phận của loài này.
Trong khi chúng ta tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với loài rồng Komodo, các chương trình nhân giống ở cả công viên quốc gia và vườn thú trên khắp thế giới đều nỗ lực để duy trì loài bò sát khổng lồ này.