Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, dùng ChatGPT để trả lời các câu hỏi trong phiên Ask Me Anything trên Reddit hôm 31.10.
Sam Altman đã trả lời các câu hỏi đa dạng của người dùng trên nền tảng mạng xã hội Reddit hôm 31.10, đề cập thời điểm phát hành mô hình GPT-5 tiếp theo và các khó khăn về tính toán mà công ty đang gặp phải.
Tỷ phú 39 tuổi người Mỹ cho biết thỉnh thoảng ông sử dụng ChatGPT, chatbot AI tạo sinh của OpenAI, để trả lời các câu hỏi trong phiên Ask Me Anything trên Reddit.
Ask Me Anything là một dạng bài đăng hoặc sự kiện trên Reddit, nơi người dùng có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho một nhân vật cụ thể, có thể là người nổi tiếng, chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, hoặc người có trải nghiệm đặc biệt. Người đó sẽ trả lời các câu hỏi của cộng đồng Reddit trong thời gian thực hoặc khung thời gian nhất định.
Các Ask Me Anything rất phổ biến trên Reddit, đặc biệt là trong các subreddit như r/IAmA (I Am A). Chủ đề các câu hỏi rất đa dạng, từ đời sống cá nhân, công việc đến những câu chuyện hậu trường trong một lĩnh vực nhất định.
Sam Altman tiết lộ rằng GPT-5, mô hình ngôn ngữ lớn tiếp theo của OpenAI, sẽ không được phát hành trong năm nay.
"Tất cả mô hình này đã trở nên khá phức tạp và chúng tôi không thể triển khai đồng thời nhiều thứ như mong muốn", Sam Altman viết. Ông tiết lộ thêm rằng OpenAI đang phải đối mặt với "những hạn chế và quyết định khó khăn" về cách phân bổ tài nguyên tính toán cho một số "ý tưởng tuyệt vời."
Sam Altman nói OpenAI sẽ trình làng "một số sản phẩm rất đáng chú ý cuối năm nay" nhưng không có GPT-5.
Khi các đối thủ cạnh tranh đang thu hẹp khoảng cách với sự thành công của OpenAI, áp lực đang gia tăng cho Sam Altman và những lãnh đạo khác trong việc phát hành các bản cập nhật nhanh và tốt hơn.
Một làn sóng các lãnh đạo cấp cao rời bỏ OpenAI vài tháng qua đã tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp AI khác săn lùng nhân tài từng làm việc cho họ.
Srinivas Narayanan, Phó chủ tịch kỹ thuật OpenAI, nói rằng công ty "rất buồn khi mất đi một số người mà chúng tôi từng làm việc gắn bó".
"Chúng tôi có một đội ngũ tài năng đáng kinh ngạc và nhiều người mới tuyệt vời đã gia nhập gần đây. Chúng tôi vẫn tiếp tục tiến bước, điều này thực sự quan trọng", Srinivas Narayanan cho hay.
Dù Sam Altman trải qua một năm đầy biến động, gồm cả việc bị sa thải trong một thời gian ngắn vào tháng 11.2023, ông gần đây đã thực hiện thành công vòng gọi vốn lịch sử trị giá 6,6 tỉ USD cho OpenAI, đưa công ty đạt mức định giá 157 tỉ USD.
Phiên Ask Me Anything trên Reddit hôm 31.10 của Sam Altman diễn ra sau khi OpenAI trình làng tính năng tìm kiếm mới trong ChatGPT, hoạt động tương tự các công cụ tìm kiếm như Google, Bing và Perplexity.
Trong bài đăng trên X hôm 31.10, Sam Altman gọi đây là “tính năng yêu thích nhất mà OpenAI từng triển khai kể từ khi ra mắt ChatGPT” . Theo ông, việc tìm kiếm qua ChatGPT sẽ giúp người dùng có được thông tin dễ dàng hơn, đặc biệt là những truy vấn yêu cầu nghiên cứu phức tạp. Sam Altman kỳ vọng trong tương lai sẽ có những kết quả tìm kiếm tự động hiển thị thành một trang web tùy chỉnh cho người dùng.
Srinivas Narayanan tiết lộ với người dùng Reddit rằng ChatGPT sử dụng một tập hợp các dịch vụ tìm kiếm, gồm cả Bing.
Ngoài ra, các lãnh đạo OpenAI còn trả lời câu hỏi của người dùng Reddit về thời gian dự kiến phát hành các mô hình AI và tính năng trong tương lai, chẳng hạn mô hình chuyển văn bản thành video Sora và mô hình tạo hình ảnh DALL-E.
Kevin Weil, Giám đốc sản phẩm OpenAI, nói Sora vẫn cần được hoàn thiện với các tính năng an toàn và tránh giả mạo chính xác. Công ty vẫn hiện chưa có kế hoạch phát hành phiên bản mới của DALL-E, nhưng Sam Altman nói rằng bản cập nhật tiếp theo "sẽ đáng để chờ đợi".
OpenAI cho biết công cụ tìm kiếm ChatGPT sẽ lựa chọn tìm trên web dựa trên những gì người dùng yêu cầu và sẽ cung cấp câu trả lời nhanh chóng, kịp thời kèm theo liên kết đến những nguồn web có liên quan.
OpenAI viết một bài đăng trên blog rằng: "Công cụ này tận dụng các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm của bên thứ ba cũng như nội dung do đối tác của chúng tôi cung cấp trực tiếp, để mang đến thông tin mà người dùng muốn tìm".
Công ty khởi nghiệp này tiết lộ mô hình tìm kiếm là phiên bản tinh chỉnh của GPT-4o. Tất cả người dùng ChatGPT Plus và Team sẽ có quyền truy cập vào mô hình tìm kiếm này từ ngày 31.10.
Các khách hàng doanh nghiệp và giáo dục của OpenAI có thể sử dụng tính năng này vài tuần tới, trong khi người dùng miễn phí sẽ được tiếp cận dần dần những tháng tới.
OpenAI đã ký các thỏa thuận nội dung với nhiều nhà xuất bản trong năm nay, gồm cả Condé Nast, Time, Financial Times, Axel Springer, AP, Reuters, Times, News Corp, báo Le Monde (Pháp) và Prisa Media (Tây Ban Nha), để đảm bảo rằng ChatGPT cung cấp thông tin được kiểm duyệt và đáng tin cậy.
Adam Fry, trưởng nhóm phụ trách tìm kiếm của ChatGPT, nói: “Chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với các đối tác này để sử dụng nội dung của họ một cách có trách nhiệm và mang lại giá trị cho cả người dùng lẫn đối tác xuất bản”. Các nhà xuất bản có thể chọn không cho phép ChatGPT quét nội dung của họ. ChatGPT cũng sẽ không vượt qua các tường phí truy cập nội dung.
Công ty thông báo đã hợp tác sâu rộng với ngành công nghiệp tin tức và thu thập phản hồi từ các đối tác về chức năng tìm kiếm. Điều này cho phép các trang web và nhà xuất bản có thể chủ động tham gia vào hệ thống tìm kiếm của ChatGPT để nội dung được truy vấn và hiển thị khi người dùng tìm thông tin liên quan.
OpenAI cho biết tính năng tìm kiếm sẽ khả dụng trên tất cả nền tảng của ChatGPT, gồm iOS, Android và trên máy tính.
Vào tháng 7, OpenAI đã ra mắt SearchGPT, nguyên mẫu công cụ tìm kiếm dựa trên AI với khả năng truy cập thông tin từ internet theo thời gian thực, với số lượng người dùng thử giới hạn là 10.000.
Tìm kiếm không có quảng cáo
Adam Fry đã thử nghiệm tính năng tìm kiếm trên ChatGPT trong buổi giới thiệu trước khi ra mắt. Ông đã tìm kiếm về giá cổ phiếu Apple và các tin tức liên quan.
Ngay lập tức, ChatGPT trả về một biểu đồ cổ phiếu tương tác cùng các bài viết mới nhất từ nhiều nguồn khác nhau. Người dùng còn có thể duyệt qua danh sách các website liên quan được hiển thị bên cạnh màn hình để đọc thông tin sâu hơn.
Adam Fry minh họa cách ChatGPT có thể tìm kiếm nhà hàng Ý tại thành phố San Francisco (Mỹ). Đi kèm là bản đồ hiển thị vị trí của các nhà hàng nổi bật, lọc theo tiêu chí như “không gian giản dị và gần gũi với người dân địa phương”.
Theo trang The Verge, nhờ vào công nghệ tìm kiếm kết hợp với Bing, người dùng ChatGPT có thể nhận được câu trả lời ngay lập tức và liên kết trực tiếp đến các nguồn tin đáng tin cậy.
Niko Felix, người phát ngôn OpenAI, cho biết công ty vẫn sẽ tiếp tục cập nhật dữ liệu đào tạo cho các mô hình AI nhằm đảm bảo người dùng luôn có thông tin mới nhất.
Nói về lý do người dùng nên chọn ChatGPT thay vì Google, Adam Fry cho biết ChatGPT hiện không có quảng cáo. “Không có kế hoạch nào cho việc quảng cáo trong ChatGPT”, ông khẳng định.
Song theo The Verge, chi phí vận hành tìm kiếm thông qua AI cao hơn nhiều so với tìm kiếm truyền thống và vẫn chưa rõ OpenAI sẽ hỗ trợ người dùng miễn phí như thế nào. Niko Felix nói người dùng miễn phí sẽ bị “một số giới hạn về tần suất họ có thể sử dụng các mô hình tìm kiếm mới nhất”.
Cuộc chiến công cụ tìm kiếm AI đang nóng lên. Meta Platforms đang phát triển giải pháp tìm kiếm AI riêng, trong khi Google vừa mở rộng tính năng AI Overview đến hơn 100 quốc gia.
Dù được Microsoft đầu tư gần 14 tỉ USD, OpenAI vẫn đang trực tiếp cạnh tranh với các công cụ AI và tìm kiếm của Microsoft như Bing và Copilot.
Vấn đề lớn với các chatbot AI, không riêng ChatGPT, là khả năng tạo ra thông tin không chính xác, hay còn gọi là "ảo giác”. Để giải quyết vấn đề này, Adam Fry tin rằng khả năng truy cập thông tin mới sẽ cải thiện tính chính xác tổng thể của ChatGPT.
“Một số ảo giác là do không tiếp cận được thông tin mới nhất. Thế nên, giờ đây khi có quyền truy cập vào thông tin mới nhất, ChatGPT sẽ đưa ra quyết định tốt hơn, biết đâu là câu trả lời đúng, sát thực tế”, Adam Fry tiết lộ. Ông thừa nhận rằng những lỗi sai nhỏ vẫn có thể xảy ra nhưng OpenAI sẽ cố gắng minh bạch khi có lỗi.