Bảng tin sáng 2.4 của Bộ Y tế cho biết Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Tại Campuchia, sáng 1.4, chính quyền Phnom Penh quyết định áp dụng lệnh giới nghiêm trong khung từ 20h đến 5h sáng hôm sau.

Sáng 2.4: Việt Nam không có ca mắc COVID-19, Campuchia giới nghiêm 2 tuần khu vực Phnom Penh

SK&ĐS-TTXVN | 02/04/2021, 05:54

Bảng tin sáng 2.4 của Bộ Y tế cho biết Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Tại Campuchia, sáng 1.4, chính quyền Phnom Penh quyết định áp dụng lệnh giới nghiêm trong khung từ 20h đến 5h sáng hôm sau.

Sáng 2.4 của Bộ Y tế cho biết đã có hơn 51.200 người Việt Nam đã tiêm chủng vắc xin COVID-19. Lô vắc xin COVID-19 hơn 811.000 liều sẽ sớm được phân bổ đến các địa phương sau khi có kết quả kiểm định để đưa vào sử dụng tiêm phòng cho người dân

Có thêm 1.473 người được tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong ngày 1.4.2021

Tính đến 16 giờ ngày 1.4.2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại 19 tỉnh/TP cho 51.216 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.

Liên quan đến vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, ngày 1.4.2021, Việt Nam đã tiếp nhận 811.200 liều vắc xin COVID-19 đầu tiên do COVAX hỗ trợ. Số vắc xin này sẽ sớm được phân bổ đến các địa phương sau khi có kết quả kiểm định lô vắc xin để đưa vào sử dụng tiêm phòng cho người dân.

Tiếp theo, dự kiến 3,364,800 liều vắc xin COVID-19 do COVAX hỗ trợ sẽ được cung ứng vào tháng 5, sau đó vắc xin sẽ tiếp tục được phân bổ và cung ứng cho Việt Nam vào cuối năm 2021.

Tính đến 18h ngày 1.4 đến 6h ngày 2.4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Cho đến này, Việt Nam có tổng cộng 1603 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27.1 đến nay: 910 ca

Campuchia: Phnom Penh giới nghiêm trong 2 tuần

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 1.4, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 16.343 ca mắc COVID-19 và 211 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.858.420 ca, trong đó 59.017 người tử vong.

Đứng đầu ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 1.4 là Philippines. Bộ Y tế nước này ngày 1.4 thông báo đã ghi nhận 8.920 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 756.199 người. Trong số này, đã có 13.303 người không qua khỏi.

Đứng thứ hai về số ca mắc COVID-19 trong ngày 1.4 là Indonesia với 6.142 ca. Indonesia đứng đầu ASEAN về số ca tử vong trong ngày với 196 ca.

Bộ Y tế Malaysia cho biết tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 346.678 ca, sau khi nước này có thêm 1.178 ca nhiễm mới trong ngày 1.4.

Tại Campuchia, giới chức y tế ngày 1.4 xác nhận đã có thêm 37 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 35 ca nhiễm liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20.2” ở Sihanoukville, Kandal và Phnom Penh.

Còn tại Thái Lan, nước này đã xác nhận 26 ca mắc mới. Các bệnh nhân chủ yếu sống ở thủ đô Bangkok. Như vậy đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 28.889 ca mắc COVID-19. Trong số này có 94 người tử vong.

Tính đến sáng 1.4, Campuchia ghi nhận tổng cộng 2.477 ca mắc COVID-19, trong đó 1.240 người hồi phục và 14 người tử vong.

Trước đó, ngày 31.3, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã ký ban hành một nghị định mới về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong đó có một số hạn chế đối với người dân và hoạt động kinh doanh, bao gồm lệnh giới nghiêm tại một số khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch.

Theo nghị định mới, Đô trưởng Phnom Penh và tỉnh trưởng tất cả các tỉnh trên cả nước được trao quyền ban hành biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan tại địa phương, song song với việc hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến kinh tế và xã hội Campuchia.

Lãnh đạo các tỉnh, thành được quyền hạn chế hoặc cấm người dân ở một số khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao không được rời khỏi nhà và nơi cư trú, trừ một số trường hợp đặc biệt như đi mua đồ ăn, nhu yếu phẩm, đi khám bệnh hoặc xét nghiệm COVID-19, có công việc, công tác xã hội hợp lệ, hoặc có lý do khẩn cấp liên quan đến gia đình và người thân.

Tuy nhiên, việc hạn chế này không được kéo dài quá 2 tuần. Bên cạnh đó, các hình thức hội họp và đám tang cũng bị cấm tại một số khu vực có rủi ro lây nhiễm cao theo nghị định mới.

Nghị định mới cũng cho phép giới chức các tỉnh, thành yêu cầu tạm thời đóng cửa hoạt động kinh doanh, trừ dịch vụ thiết yếu như cừa hàng bán đồ ăn mang về, bệnh viện, trung tâm y tế, hiệu thuốc, logistics và bán hàng qua mạng. Các tỉnh, thành có thể cấm đi lại từ 20h đến 5h sáng hôm sau, trừ một số trường hợp khẩn cấp như đã nêu ở trên.

Điều 11 của nghị định mới nêu rõ những ai vi phạm sẽ bị xử phạt về tội làm sai quy định phòng chống dịch và làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng chết người. Mức phạt có thể lên tới 5.000 USD (tương đương 120 triệu đồng Việt Nam) và 5 năm tù giam.

Theo trang mạng freshnewsasia, sáng 1.4, chính quyền Phnom Penh quyết định áp dụng lệnh giới nghiêm trong khung giờ từ 20h đến 5h sáng hôm sau, tạm thời ngừng hoạt động kinh doanh và tụ tập đông người trong thành phố, trong có cấm cả các hoạt động giao thông, trừ các dịch vụ thiết yếu và giao đồ thực phẩm.

Quyết định có hiệu lực trong hai tuần từ 1.4-14.4.2021.

Trong diễn biến liên quan, đêm 31.3, lô vaccine Sinopharm thứ hai gồm 700.000 liều đã đến Sân bay quốc tế Phnom Penh. Đây là quà tặng của Chính phủ Trung Quốc dành cho Bộ Quốc phòng (300.000 liều) và Bộ Y tế Campuchia (400.000 liều). Như vậy đến nay, Campuchia đã nhận được 3 loại vaccine gồm Sinopharm (1,3 triệu liều), AstraZeneca (320.000 liều) và Sinovac (1,5 triệu liều).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 2.4: Việt Nam không có ca mắc COVID-19, Campuchia giới nghiêm 2 tuần khu vực Phnom Penh