Ngày 23.5 sẽ khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, tuy nhiên, đến nay, nhiều tài liệu kỳ họp vẫn chưa được gửi đến đại biểu quốc hội.

Sắp khai mạc kỳ họp Quốc hội, nhiều tài liệu vẫn chưa gửi đến đại biểu

Lam Thanh | 19/05/2022, 16:05

Ngày 23.5 sẽ khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, tuy nhiên, đến nay, nhiều tài liệu kỳ họp vẫn chưa được gửi đến đại biểu quốc hội.

Ngày 19.5, Văn phòng Quốc hội tổ chức cuộc họp kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15.

Theo đó, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 khai mạc vào ngày 23.5 và dự kiến bế mạc vào ngày 16.6.2022 theo hình thức họp tập trung; dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 19 ngày.

qh2.jpg
Văn phòng Quốc hội tổ chức cuộc họp kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác; giám sát chuyên đề; chất vấn và trả lời chất vấn.

Đồng thời xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và nhiều báo cáo quan trọng khác; tiến hành giám sát chuyên đề; chất vấn và trả lời chất vấn.

Ngoài ra xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án: đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP.HCM, đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều tài liệu kỳ họp vẫn chưa được gửi đến đại biểu quốc hội, mới chỉ có 1 dự án luật và 2 dự thảo Nghị quyết trình xem xét thông qua; 6/6 dự án Luật cho ý kiến và một số tài liệu, báo cáo khác được gửi đến đại biểu Quốc hội qua E-office.

Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản đôn đốc Chính phủ, các cơ quan có liên quan gửi tài liệu còn thiếu về Văn phòng Quốc hội chậm nhất ngày 20.5.2022 để gửi đến các đại biểu quốc hội.

qh.jpg
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm tra khẩn trương trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu quốc hội thảo luận tại tổ để cung cấp thêm thông tin cho đại biểu trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể; trong việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết, bảo đảm chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay đây là kỳ họp đầu tiên tập trung xuyên suốt từ 23.5 đến 17.6.2022, đề nghị rà soát kỹ các đầu công việc, công tác chuẩn bị, không để xảy ra sai sót đáng tiếc.

Đồng thời đặc biệt coi trọng quy trình, thủ tục, chất lượng trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng như: thảo luận ở hội trường nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng và xem xét quyết định kéo dài thực hiện Nghị quyết này; chủ trường đầu tư đường vành đai 4 vùng Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM và 3 tuyến đường cao tốc… tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; thông qua 5 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác.

qh3.jpg
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết đã được Quốc hội xem xét, thảo luận tại tổ, hội trường và ngày 4.11, lãnh đạo Quốc hội làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban để tiếp thu, chỉnh lý. Do vậy, cần đôn đốc, khẩn trương về tiến độ tiếp thu, và tiến hành các quy trình tiếp theo để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2.

Ngoài ra, hoàn thiện các văn bản phục vụ điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội trên cơ sở khoa học, kịp thời, chủ động, và dự thảo bước đầu Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn; làm tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, chuyển đơn thư kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền, hạn chế các vụ khiếu nại, tố cáo đông người; có phương án phòng chống dịch COVID-19.

Ông Trần Thanh Mẫn yêu cầu công tác phòng chống dịch COVID-19; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất-kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn kỳ họp cần được đặc biệt quan tâm, chú trọng; kiên quyết rút kinh nghiệm và không lặp lại những thiếu sót, hạn chế của các kỳ gần đây.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội dự khai mạc Hội nghị lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình
Sáng 24.11, tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắp khai mạc kỳ họp Quốc hội, nhiều tài liệu vẫn chưa gửi đến đại biểu