Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trường học phải đảm bảo an toàn khi học trở lại và yêu cầu lập Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại trường học giống như doanh nghiệp sản xuất.

Sau doanh nghiệp, TP.HCM sẽ đánh giá rủi ro lây nhiễm COVID-19 trong trường học

14/04/2020, 12:41

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trường học phải đảm bảo an toàn khi học trở lại và yêu cầu lập Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại trường học giống như doanh nghiệp sản xuất.

Bí thư Thành ủy TP.HCM chủ trì cuộc họp trực tuyến - Ảnh: HMC

Thông tin này được Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra chiều tối 13.4.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, tình hình dịch thế giới vẫn lan rộng, xu hướng còn phức tạp. Từ thành công trong công tác phòng chống dịch tại một số nước, có thể thấy rằng nếu làm đúng quy luật, phát hiện kịp thời, hạn chế lây lan sẽ có kết quả trong công tác phòng chống dịch. “Chúng ta phải hết sức cảnh giác. Tuy hiện nay chúng ta có số lượng người mắc nhỏ nhưng phải ngăn ngừa các nguy cơ lây nhiễm”, ông Nhân nói.

Ông Nhân cho rằng Việt Nam đã thực hiện chặn nguồn nguy cơ từ bên ngoài; kiểm soát, phát hiện cách ly kịp thời các ca bệnh từ bên trong; thực hiện phòng ngừa tích cực như: thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà bông…

Còn đối với TP.HCM, có 54 người bị nhiễm COVID-19. Tại các bệnh viện, lúc cao điểm nhất có 42 người được điều trị. Đến nay còn 14 người đang được điều trị. So với 1.200 giường bệnh của TP.HCM đã sẵn sàng cho việc điều trị COVID-19 mới dùng 1,2% số giường. Như vậy, thành phố có nguồn giường bệnh dự phòng rất tốt.

Tuy nhiên, ông Nhân lưu ý nguy cơ lớn nhất hiện nay chính là doanh nghiệp đi làm, làm sao phải đảm bảo an toàn. Vừa qua, trong thời gian rất ngắn, sau khi UBND TP.HCM có quyết định về Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm coronavirus tại doanh nghiệp, các quận huyện đã triển khai các doanh nghiệp tự đánh giá. Ông Nhân yêu cầu các quận huyện cần có cái nhìn tổng thể để xem các doanh nghiệp đang triển khai như thế nào, để khi thẩm định lại chỉ số giúp doanh nghiệp chuyển sang trạng thái mới vẫn sản xuất trong trạng thái nguy cơ lây nhiễm ít.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM và các quận, huyện cần nỗ lực để đến ngày 25.4 tất cả doanh nghiệp đều đã tự đánh giá và có rà soát một lần. Việc này để giúp doanh nghiệp hoạt động với tinh thần sản xuất phải đảm bảo an toàn.

Đáng chú ý, đề cập đến việc đi học lại của học sinh, ông Nhân nói rằng thời gian tới Chính phủ sẽ có quyết định, nhưng có thể suy nghĩ việc xây dựng phương án để học sinh, sinh viên đi học trở lại cho an toàn.

Do vậy, ông yêu cầu Sở Giáo dục – Đào tạo chịu trách nhiệm xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn các trường học các cấp học từ mầm non đến phổ thông. Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học của TP.HCM cùng tham gia xây dựng các tiêu chí để trường đại học khi học trở lại với quy mô lớn được đảm bảo an toàn.

“Việc xây dựng các tiêu chí này từ nay đến ngày 30.4 là xong để các trường có thể vận dụng. Khi điều kiện cho phép, học sinh, sinh viên có thể đi học trở lại với tâm thế đã đáp ứng tiêu chí đi học an toàn”, ông Nhân đề nghị.

Đặc biệt, tại cuộc họp này, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng cảm ơn sự chia sẻ của mỗi người dân, doanh nghiệp, tổ chức, sở ngành, quận huyện, nhất là sự quyết liệt của UBND TP.HCM trong công tác chống dịch bệnh. Ông Nhân cho rằng thành phố đã sớm và vẫn luôn triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch nên tỷ lệ người nhiễm tại nước ta nói chung, TP.HCM nói riêng thấp hơn nhiều lần so với các nước trên thế giới.

Bệnh nhân 22 dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh đã về nước

Báo cáo tại buổi giao ban, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, đến nay TP.HCM có 54 ca nhiễm COVID-19 đã được công bố, trong đó có 40 ca đã công bố khỏi bệnh.

Đối với ca bệnh 91 (phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, hiện tại bệnh nhân không còn sốt nhưng vẫn thở máy, ECMO. Các ca bệnh khác còn lại đang ổn định.

Về việc lấy mẫu công nhân lưu trú làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại đến ngày 12.4, thành phố đã lấy mẫu 1.295 công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, đã có kết quả 411 trường hợp.

Thông tin thêm về trường hợp ca bệnh 22 sau khi được điều trị tại ở Đà Nẵng đã có kết quả âm tính nhưng khi vào TP.HCM xét nghiệm lại có kết quả dương tính, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, đây là bệnh nhân người Anh nhập cảnh vào Việt Nam trên chuyến bay VN54 cùng với bệnh nhân 17.

Người này đã đi vào Đà Nẵng 8.3 đã được phát hiện dương tính virus SARS-CoV-2 và điều trị tại Đà Nẵng. Ngày 27.3, bệnh nhân xuất viện sau 3 lần xét nghiệm âm tính. Sau xuất viện, bệnh nhân tiếp tục được cách ly tại Đà Nẵng và ở khách sạn.

Ngày 10.4 bệnh nhân bay vào TP.HCM trên chuyến bay VN125 số ghế 23C, nghỉ tại một khách sạn trên đường Hồng Hà, quận Tân Bình. Trường hợp này được lấy mẫu 10.4 và chiều tối hôm qua (12.4) có kết quả xét nghiệm dương tính virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân sau 1 ngày lưu trú tại khách sạn đã xuất cảnh đi về Anh.

Ngày 12.4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã phối hợp lực lực y tế Tân Bình cách ly 14 người có tiếp xúc với bệnh nhân 22 và 3 nhân viên phục vụ của khách sạn được lấy mẫu và cách ly tại khách sạn; 34 khách cùng lưu trú tại khách sạn được lấy mẫu xét nghiệm. TP.HCM cũng phối hợp ngành hàng không rà soát các hành khách đi trên chuyến bay VN125 từ Đà Nẵng vào TP.HCM để cách ly những trường hợp liên quan.

“Bệnh nhân có thể tái phát hoặc tái nhiễm sau thời gian cách ly ở khách sạn tại Đà Nẵng. Từ trường hợp này, phải giám sát chặt chẽ những người từ địa phương khác đến TP.HCM, trong đó có những người từ nước ngoài”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh lưu ý.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM còn cho biết, thời gian tới ngành y tế sẽ kiểm tra các nhà thuốc yêu cầu cũng phối hợp, những trường hợp mua thuốc cảm, sốt ghi nhận lại, điều tra dịch tễ để phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ. Việc này nhằm tránh trường hợp như bệnh nhân 262 (ở Hạ Lôi, Hà Nội) đã sốt từ 31.3 nhưng vẫn đi làm bình thường đến khi Hạ Lôi bị cách ly mới ở nhà (ngày 7.4) lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau doanh nghiệp, TP.HCM sẽ đánh giá rủi ro lây nhiễm COVID-19 trong trường học