Mãnh lực đồng tiền của Saudi Pro League (SPL) vừa mới thu hút thêm danh thủ Neymar sau khi đã có hai siêu sao Ronaldo và Benzema.
Neymar sẽ ký 2 năm với Al-Hilal với hợp đồng trị giá 175 triệu USD. Với mức lương này, thu nhập của Neymar chỉ kém Cristiano Ronaldo và Karim Benzema. Ronaldo đang được Al-Nassr trả khoảng 200 triệu USD, còn Benzema nhận được từ Al-Ittihad 200 triệu USD cho hai mùa thi đấu.
Đồng đội của Benzema ở Al-Ittihad là Kante cũng được trả 25 triệu euro/năm, chưa bao gồm tiền bản quyền hình ảnh và các hợp đồng thương mại khác. Thu nhập này cao hơn rất nhiều so với mức 17,5 triệu euro/năm khi Kante thi đấu cho Chelsea.
SPL đang hút sự chú ý không chỉ đối với người hâm mộ bóng đá toàn cầu mà còn với nhiều cầu thủ đỉnh cao khi tuyển mộ loạt ngôi sao như Cristiano Ronaldo, Karim Benzema, N'Golo Kante, Roberto Firmino, Ruben Neves, Sergej Milinkovic-Savic, Marcelo Brozovic, Sadio Mane, Moussa Dembele, Riyad Mahrez, Malcom... bằng những hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tính trong 3 tháng 6, 7 và 8.2023 đã có 19 cầu thủ từ những câu lạc bộ danh tiếng của các giải hàng đầu thế giới, trong đó có Neymar, đã cập bến SPL.
Diễn tiến chóng mặt này cho thấy câu phát biểu “trong vài năm nữa, SPL sẽ trở thành một trong 5 giải vô địch quốc gia hấp dẫn hàng đầu thế giới bóng đá” của Ronaldo - người đầu tiên đến SPL trong thời kỳ đổi mới vào đầu năm 2023 - không còn là nhận định xã giao.
SPL sẽ khác rất xa Chinese Super League (CSL)
SPL thời đổi mới đã khiến cho không ít người lo ngại sẽ sớm sụp đổ như CSL - giải vô địch quốc gia Trung Quốc khi trút những cơn mưa USD để mua hàng loạt siêu sao từ châu Âu.
Từ năm 2011-2017, CSL cũng gây choáng váng cho thế giới bóng đá khi chiêu mộ nhiều tên tuổi lớn, từ các ngôi sao lớn tuổi như Carlos Tevez, Nicolas Anelka, Didier Drogba, Ezequiel Lavezzi... đến những tài năng đang sung sức như Oscar, Graziano Pelle, Hulk, Paulinho, Gervinho, Yannick Carrasco...
Bên cạnh đó, bóng đá Trung Quốc còn cho xây dựng 50.000 học viện đào tạo bóng đá trẻ chuyên nghiệp và thu hút được 50 triệu học viên với mục đích tạo ra những cầu thủ tài năng thế hệ mới phù hợp với thời kỳ đổi mới. Thậm chí vào năm 2016, CSL đã là giải vô địch quốc gia chi nhiều tiền nhất thế giới trong mùa chuyển nhượng với 450 triệu USD, trong đó có hợp đồng đình đám nhất khi Shanghai Port bỏ ra 76 triệu USD để có được chữ ký của Oscar - ngôi sao tiền vệ của Chelsea khi đó mới 25 tuổi.
CSL và bóng đá Trung Quốc dù có được sự hậu thuẫn lớn từ chính phủ nhưng giấc mơ đưa CSL và bóng đá Trung Quốc vươn lên tầm cao thế giới đã tan vỡ. Theo các chuyên gia, nhà quản lý bóng đá uy tín toàn cầu, giấc mơ bóng đá hóa rồng của Trung Quốc không thành hiện thực có tác động của việc khủng hoảng tài chính khi hàng loạt công ty bất động sản - đa phần là những doanh nghiệp đầu tư các đội bóng ở CSL - phá sản, hoặc rơi vào tình trạng khó khăn, cũng như là nền kinh tế Trung Quốc cũng bị khủng hoảng từ đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên đây cũng là tình trạng chung của toàn cầu, do đó nguyên nhân chính cho sự thất bại của CSL là những nhà xây dựng, quản lý CSL cũng như hoạt động bóng đá ở Trung Quốc yếu trong khâu hoạch địch chiến lược, thiếu tầm nhìn và năng lực điều hành kém.
Đó là chưa kể mặt bằng trình độ bóng đá của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Ả Rập Saudi. Nếu như Trung Quốc chỉ có một lần được tham dự vòng chung kết World Cup 2002 với lứa cầu thủ bị xem là “nuôi gà chọi” được gửi qua Brazil đào tạo từ nhỏ, trong đó có Li Tie, nguyên HLV trưởng đội tuyển Trung Quốc vừa bị bắt với cáo buộc “vi phạm luật nghiêm trọng”, thì Ả Rập Saudi có đến 6 lần thi đấu ở vòng chung kết World Cup.
Đáng chú ý hơn, Ả Rập Saudi lần đầu có mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh là tại World Cup 1994, có nghĩa là từ 1994 đến 2022, họ chỉ vắng mặt 2 lần. Quan trọng hơn nữa là tại World Cup 2022, Ả Rập Saudi đã tạo tiếng vang rất đẹp là thắng Argentina 2-1, đội tuyển sau đó đã vô địch thế giới.
Thực tế này cho thấy chất lượng các cầu thủ Ả Rập Saudi cao hơn rất nhiều so với cầu thủ Trung Quốc, do đó chất lượng chuyên môn của các câu lạc bộ ở SPL cao hơn so với các đội ở CSL, từ đó khả năng hòa nhập của các cầu thủ nội địa Ả Rập Saudi với các ngôi sao khi đến SPL cũng dễ dàng hơn.
Sự khác biệt rất lớn từ điểm khởi đầu của SPL so với CSL còn là trước khi Ronaldo đến, SPL từ một giải vô địch quốc gia không bán bản quyền truyền hình nay đã được phát trên 137 kênh khắp thế giới. Ngoài ra lượng khán giả đến xem SPL cũng tăng gấp đôi so với mùa trước. Riêng Al-Nassr, CLB Ronaldo đang thi đấu, lượng khán giả đã tăng 143%.
SPL lớn mạnh cùng Trung Đông
SPL chỉ thật sự được đổi mới và làm mới quyết liệt sau World Cup 2022, một World Cup thành công về mọi mặt và nước chủ nhà Qatar được hưởng lợi về mặt hình ảnh, thương hiệu quốc gia, thậm chí cả vị thế chính trị, ngoại giao.
Do đó việc nâng tầm SPL bằng hình thức chiêu mộ hàng loạt ngôi sao khiến cả thế giới tập trung theo dõi suốt nửa năm qua, đó cũng là chiến lược quốc gia của chính phủ Ả Rập Saudi. Họ muốn qua chiến dịch này tạo lợi thế cho Ả Rập Saudi trong cuộc đua tranh quyền đăng cai World Cup 2030.
Đó cũng là nguyên nhân đủ để Peter Hutton - thành viên HĐQT giải Saudi Pro League tự tin phát biểu vào ngày 3.8 rằng: "Ký với Ronaldo và Benzema chỉ là khởi đầu. Ngân sách sẽ được giải ngân trong nhiều năm. Tôi đã làm việc trong ngành thể thao 40 năm và tôi chưa bao giờ thấy một dự án nào lớn với quyết tâm thực hiện để nâng tầm bóng đá Ả Rập Saudi".
Ả Rập Saudi có cơ sở hạ tầng và được chính phủ hậu thuẫn. Trong tầm nhìn dài hạn, SPL sẽ thu hút các hợp đồng truyền hình, phương tiện truyền thông, tài trợ và nhiều du khách. SPL không chỉ là điểm đến của các cầu thủ lớn tuổi mà giờ đây còn là nơi hấp dẫn, thu hút những cầu thủ trẻ.
Trước đây mọi người chỉ thật sự chú ý đến sự giàu có của Trung Đông với nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào. Và thế giới nói chung, đặc biệt là thế giới bóng đá nói riêng chỉ thực sự đổ dồn sự chú ý đến Trung Đông sau thành công vang dội của nước chủ nhà World Cup 2022 là Qatar và Ả Rập Saudi với kế hoạch to lớn: tạo dựng SPL là một trong những giải vô địch bóng đá quốc gia hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên mọi người dường như quên rằng, các quốc gia Trung Đông có tiềm lực kinh tế cùng chuyên môn bóng đá đã âm thầm đầu tư ra nước ngoài và sở hữu nhiều đội bóng lớn tại châu Âu như PSG, Man City, Newcastle.... Họ cũng tài trợ rất nhiều CLB lớn như Barcelona (Qatar Airlines); Real Madrid, Paris St Germain, Arsenal, AC Milan (Fly Emirates) và Manchester City (Etihad)…
Có nghĩa là Ả Rập Saudi, UAE, Qatar… các quốc gia Trung Đông không phải là những nhà giàu ngu ngơ đến với bóng đá. Nói dễ hiểu thế này, Quỹ đầu tư Ả Rập Saudi mua Newcastle để đưa đội này trở thành đội mạnh hàng đầu ở Premier League, thì họ đủ sức tạo nên một đội hay nhiều đội ngang tầm với Newcastle ở SPL.
Qua hình thức SPL thời kỳ đổi mới, Ả Rập Saudi cho thấy họ muốn chuyển dần nguồn đầu tư ở châu Âu về đất nước, một nước cờ hợp tình hợp lý mà họ đã tính toán, thực hiện từ lâu và chỉ thực sự bùng nổ từ năm 2023!