Hiện nay, vật liệu cát xây dựng giá cao, khan hiếm nên tại khu vực ĐBSCL đã xảy ra nhiều trường hợp vi phạm hợp đồng, cung cấp hàng hóa không đạt chất lượng. Giải pháp căn cơ là cần kích hoạt các mỏ cát để phục vụ nhu cầu của xây dựng.
Nhiều vụ tranh chấp về mua bán cát xảy ra giữa các doanh nghiệp mua bán cát. Nhiều vụ phải nhờ đến các cơ quan pháp luật can thiệp. Điển hình cho các trường hợp tranh chấp này là trường hợp của Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, chủ một doanh nghiệp tại phường 6,(TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) do quá bức xúc nên đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo bà Nguyễn Thị Kiều Thơ và ông Nguyễn Văn Đáp (thuộc Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Phú An Khang) có địa chỉ tại phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ vì đã nhận trước 500 triệu đồng mà hơn 1 tháng vẫn chưa có nguồn cát giao theo thỏa thuận. Phía bán vật liệu cát cho rằng chưa có nguồn hàng, đùn đẩy trách nhiệm, không hoàn trả lại số tiền đã nhận từ đối tác.
Tại Tiền Giang, Bến Tre còn xảy ra không ít trường hợp đơn vị cung ứng vật liệu cát không đúng tiến độ, không đảm bảo số lượng, kém về chất lượng gây ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Một số dự án cần vật liệu cát nhưng chưa tìm được nguồn cung gây bức xúc đối với đơn vị thi công.
Để giải quyết vấn đề khan hiếm vật liệu cát, các địa phương trong vùng ĐBSCL đang có kế hoạch “khởi động” lại các mỏ cát, thăm dò, tìm nguồn cát tại các sông, rạch để khai thác. Tại tỉnh Bến Tre, để phục vụ nhu cầu cát lấp, cát xây cho dự án xây cầu Rạch Miễu 2, UBND tỉnh có chủ trương tái khai thác 03 mỏ cát trên sông; triển khai nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai dài gần 23km, dự kiến có rên 11,8 triệu m3 cát và cát pha để phục vụ công trình nói trên.