Liên quan đến hoạt động của thủy điện, tới đây Bộ Công thương sẽ phân cấp trách nhiệm rõ ràng cho lãnh đạo các địa phương trong việc chấp hành quy trình xả lũ.

Sẽ phân cấp rõ trách nhiệm trong việc xả lũ thủy điện

tuyetnhung | 17/03/2017, 18:54

Liên quan đến hoạt động của thủy điện, tới đây Bộ Công thương sẽ phân cấp trách nhiệm rõ ràng cho lãnh đạo các địa phương trong việc chấp hành quy trình xả lũ.

Thời gian qua, việc xảy ra một số sự cố trong quá trình xây dựng hoặc mới đưa vào sử dụng các nhà máy thủy điện như: nhà máy Đăk Mek ở tỉnh Kon Tum, Đakrông 3 ở tỉnh Quảng Trị, Sông Bung 2 ở tỉnh Quảng Nam, Ia Krel 2 ở tỉnh Gia Lai, hay vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa lũ như thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh...đã là "hồi chuông" cảnh báo tới những nhà xây dựng chính sách, nhà quản lý trongviệc cân nhắc, xem xét sửa đổimột số quy định về quản lý và kỹ thuật đã trở nên không hiệu quả trong việc quản lý và vận hành các nhà máy thủy điện.

Trướcthựctrạng trên, tại Đà Nẵng ngày 17.3, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị về vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện.

Phát biểu tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằngcông tác quản lý và vận hành các hồ chứa thuỷ điện của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ khâu đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác, quản lý gây bức xúc cho xã hội.

Cụ thể, năng lực quản lý chuyên môn ở một số địa phương còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm; Không ít chủ đầu tư vàdự án không đủ năng lực, chưa chấp hành các quy định của pháp luật, đặc biệt là vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường. Do vậy, đã đến lúc cần phải siết chặt các quy trình quản lý, vận hành nhằm đảm bảo các thủy điện hoạt động an toàn, hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro thiệt hại có thể xảy ra cho người dân.

Nhìn nhận về vấn đề, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng các hồ đập thủy điện của nước ta thực tếđang tiềm ẩn nguy cơ cho vùng hạ du nếu các thủy điện vận hành không an toàn.

"Vấn đề tính mạng con người liên quan đến việc xả lũ của thủy điện cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư, chính quyền địa phương trong việc vận hành liên hồ là một vấn đề nóng và thực tế nó luôn là vòng xoáy chưa có cách xử lý dứt điểm", Bộ trưởng nhận định.

Theo ông Anh, trên cơ sở những ý kiến từ các lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia... Bộ Công thương sẽ tập hợp, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để báo cáo Chính phủ chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành nhằm khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, đáp ứng với yêu cầu thực tế.

Trước mắt, Bộ này sẽ chủ động đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập nhóm công tác liên bộ làm việc cụ thể với các địa phương có thủy điện lớn, số lượng thủy điện nhiều để thống nhất các biện pháp cụ thể cũng như phân cấp trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị ở địa phương. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong việc đôn đốc kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy trình xả lũ của các đập thủy điện tại địa phương mình quản lý.

Bộ cũng chủ động xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban ngành, đơn vị liên quan trong việc kiểm tra hoạt động kiểm tra vận hành thủy điện trong phòng chống lũ lụt, thiên tai tại địa phương. Trong đó, có tính đến cơ chế giá linh hoạt, có tính đến cơ chế bù đắp chi phí để thủy điện đảm bảo tốt vai trò -điều tiết lũ và cung cấp điện hiệu quả.

Hiện nay, ngoài việc vận hành phát điện lên hệ thống điện quốc gia, các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỉ m3 (chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước) đã góp phần quan trọng vào việc cắt, giảm và làm chậm lũ cho hạ du góp phần vào việc làm giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra; Cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất... trong mùa cạn góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực...

Chính vì vậy, hiện tại và tương lai, thủy điện vẫn là một trong 3 nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia, đặc biệt trong bối cánh sản lượng điện từ than, dầu mỏ... đang cạn kiệt. Trên thế giới, thủy điện cũng đang chiếm khoảng 15-20% và chiếm tới 95% tổng sản lượng của năng lượng tái tạo.

Tại Việt Nam, cả nước hiện có 330 công trình thủy điện được đưa vào khai thác, sử dụng với tổng công suất lắp đặt 17.615MW, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên. Tổng sản lượng điện phát của các công trình thủy điện năm 2016 là hơn 63.7 tỷkWh so với năm 2012 (48.4 tỷkWh), phát tăng thêm 15,3 tỷkWh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có khoảng 193 dự án (tương đương 5.662MW) đang thi công xây dựng; 245 dự án (3.006MW) đang nghiên cứu đầu tư.

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì đến năm 2020, tổng công suất các nguồn thủy điện bao gồm cả thủy điện vừa và nhỏ, đạt khoảng 21.600MW; khoảng 24.600MW vào năm 2025 và 27.800MW vào năm 2030. Trong đó, điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng tương ứng là 29,5%, 20,5% và 15,5%.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẽ phân cấp rõ trách nhiệm trong việc xả lũ thủy điện