Bà Thê chăm sóc chủ nhà và được họ tặng tài sản hợp pháp là tờ chúc ngôn nhưng lại bị buộc ra khỏi căn hộ đã được gia đình gìn giữ, sinh sống gần 30 năm. Nhiều căn cứ cho rằng 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm cần được xem xét theo trình tự cao hơn.
Ngày 27.12, bà Dương Thị Thê (80 tuổi, hộ khẩu thường trú tại số 18 đường Đồng Khởi, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cùng con gái là chị Dương Cẩm Lê đã ký đơn gửi đến các cơ quan Trung ương để kêu cứu khẩn cấp. Mong muốn của mẹ con bà Thê là được ở ổn định trong căn nhà số 18 đường Đồng Khởi (P.9, TP.Sóc Trăng) mà họ bị cưỡng chế để giao cho nguyên đơn Dương Kim Nga (62 tuổi, đang định cư ở nước ngoài) ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Bạch Vân (60 tuổi, ngụ TP.HCM).
Phải ra đườngsau 26 năm ở trong nhà được tặng
Theo bà Thê, nhà số 18 là của vợ chồng cụ Dương Thành Ngọc - Nguyễn Thị Lan. Lúc bà Nga (con của cụ Ngọc với người vợ trước là cụ Lý Thị Liễu, mất năm 1971) nộp đơn ra tòa vào tháng 6.2013 để đòi nhà là không còn thời hiệu để khởi kiện vềthừa kế nhà số 18. Cụ Ngọc và cụ Lan là vợ chồng hợp pháp sau khi cụ Liễu qua đời.
Như báo điện tử Một Thế Giới đã thông tin, khi cụ Ngọc mất, cụ Lan ở một mình nên bà Thê và con gái Dương Cẩm Lê về nhà này ở, để chăm sóc cụ Lan. Năm 2000, cụ Lan làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đất từ chồng là cụ Ngọc (sau đó được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp giấy). Do tuổi cao, cụ Lan muốn tiếp tục gìn giữ tài sản sau khi qua đời, nên đã làm giấy tặng nhà, đất số 18 Đồng Khởi cho bà Thê.
Căn nhà số 18 đường Đồng Khởi trong ngày bị cưỡng chế - Ảnh: Hàm Yên
“Bà Nga không phải là người có quyền sở hữu tài sản này. Nếu tính từ ngày cụ Liễu chết (2.12.1971) đến lúc cụ Ngọc lập chúc ngôn (22.3.1986), để ủy quyền toàn bộ tài sản cho cụ Lan, thì thời hiệu chia thừa kế của cụ Liễu không còn. Còn tôi là người đã sở hữu, gìn giữ căn nhà này gần 30 năm qua, từ khi được cụ Lan cho tặng thì lại bị đuổi đi”, bà Thê nói trong nước mắt.
Trước khi căn nhà số 18 bị cưỡng chế, UBND tỉnh tổ chức họp và Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng là ông Trần Văn Chuyện kết luận: “Giao Cục Thi hành án Dân sự tỉnh mời bà Nga và đại diện ủy quyền là bà Vân để trao đổi, giải quyết nội dung khiếu nại... Phối hợp chính quyền địa phương xem xét giải quyết yêu cầu của bà Thê”. Dù bà Nga chưa được mời về để làm việc như kết luận của ông Chuyện nhưng nhà số 18 đã bị cưỡng chế.
"Mẹ con tôi tha thiết được các cơ quan Trung ương thanh tra lại việc thi hành án để tìm ra khuất tất. Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM cần được giám đốc thẩm và hủy để xét xử lại. Nếu căn nhà số 18 trị giá 2,9 tỉ đồng thì cho tôi trả số tiền này này để được ở trong căn nhà đã sống ổn định từ 26 năm qua", bà Thê vừa nói vừa khóc.
Nhiều khuất tất cần làm rõ
Luật sư Trần Văn Thạch (Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng) đưa ra các chứng cứ để khẳng định quyền sở hữu nhà số 18 thuộc chủ quyền của bà Thê. Đó là việc cụ Liễu qua đời năm 1971 (trước ngày Pháp lệnh Nhà ở có hiệu lực ngày 1.7.1991), nên theo quy định tại Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 (về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1.7.1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia) thì thời hiệu thừa kế được trừ đi 10 năm 2 tháng không tính vào thời hiệu thừa kế (1.7.1996 - ngày Pháp lệnh Nhà ở hết hiệu lực, đến 1.9.2006 - ngày Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 có hiệu lực).
"Như vậy, thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với phần cụ Liễu đã hơn 10 năm (tức thời hiệu khởi kiện về thừa kế phần cụ Liễu (nếu có) đã hết, nên không thể khởi kiện về thừa kế đối với cụ bà này nữa", luật sư Thạch phân tích. Đối với cụ Ngọc mất ngày 9.7.1992 (sau ngày 1.7.1991) thì thời hiệu thừa kế về nhà ở không áp dụng Nghị quyết 1037, mà áp dụng Pháp lệnh về thừa kế và Bộ Luật Dân sự năm 1995.
"Cách tính lấy mốc từ 9.7.1992 (ngày cụ Ngọc mất) đến 9.7.2012 là 10 năm. Bà Nga khởi kiện ngày 21.6.2013 là vượt quá thời hiệu hưởng thừa kế là 10 năm 11 tháng 22 ngày. Vì vậy, thời hiệu khởi kiện về thừa kế phần cụ Ngọc cũng đã hết", vị luật sư phân tích thêm.
Để làm rõ thêm việc mẹ con bà Thê bức xúc sau vụ xử, luật sư Thạch cho rằng nếu đặt vụ việc trong trường hợp bất lợi nhất cho bà Thê là vợ chồng cụ Ngọc - cụ Thê có tài sản thì mỗi người được chia 50%. Khi cụ Liễu qua đời, nếu tạm chấp nhận cho bà Nga hưởng tài sản thừa kế thì phần của cụ Liễu chia cho chồng (cụ Ngọc) và con (bà Nga) mỗi người 25%.
Như vậy, phần tài sản của cụ Ngọc 50% cộng với phần được hưởng của cụ Liễu (đã mất, 25%) là 75%. Cụ Ngọc sau đó là chồng hợp pháp của cụ Lan và có chúc ngôn khẳng định tài sản chung của hai người, thì khi cả 2 qua đời sẽ chia 75% này ra mỗi người 37,5%. Phần 37,5% này cụ Lan tặng bà Thê. Khi cụ Ngọc mất thì cụ Lan thừa kế thêm 50% trong số 37,5% của người chồng. Như vậy, cụ Lan có tổng tài sản là 37,5% + (37,5% chia 2), bằng 56,25%.
"Mặc nhiên bà Thê có 56,25% là tài sản do cụ Lan tặng. Cộng với công sức gìn giữ, sửa chữa căn nhà số 18 nên hẹp hòi nhất bà Thê cũng được 56,25% giá trị tài sản chứ không thể 10%. Riêng vụ này, bà Nga muốn kiện đòi tài sản thì điều đầu tiên là phải xem tài sản đó chuyển dịch hợp pháp hay không. Nếu tài sản đã có giấy tờ hợp pháp của cụ Lan thì bà Nga không thể kiện. Mặc khác, các bản án đến nay chưa có nội dung nào tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ Lan", luật sư Thạch phân tích.
Theo nội dung 2 bản án sơ và phúc thẩm của TAND tỉnh Sóc Trăng và TAND Cấp cao tại TP.HCM (cùng xử năm 2015), căn nhà số 18 Đồng Khởi (gọi tắt là nhà số 18, 106,47m2) nằm trong chợ Sóc Trăng, có nguồn gốc từ cha, mẹ bà Nga là cụ Dương Thành Ngọc, cụ Lý Thị Liễu. Sau khi cụ Liễu qua đời năm 1971, cụ Ngọc sống như vợ chồng với cụ Nguyễn Thị Lan.
Yêu cầu trong đơn của mẹ con bà Thê- Ảnh: Hàm Yên
Tháng 3.1986, cụ Ngọc lập tờ chúc ngôn ủy quyền cho vợ là cụ Lan căn nhà nêu trên. Năm 1992, cụ Ngọc qua đời, cháu cụ Lan là Nguyễn Thị Nho đưa cụ về Bạc Liêu, gửi giấy tờ nhà, đất cho bà Dương Thị Nhi (cháu ông Ngọc) cất giữ.
Ngày 13.3.2001, cụ Lan lập “Biên bản về việc ghi nhận hợp đồng cho tặng chúc ngôn nhà và đất cho cháu”, có nội dung cho bà Thê quản lý, sử dụng căn nhà số 18 và đất, để thờ cúng ông bà. Năm 2002, cụ Lan được UBND tỉnh Sóc Trăngcấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất ở hợp pháp.
Tháng 6.2018, bà Nga về Sóc Trăng, yêu cầu bà Thê giao lại nhà, nhưng không được. Sau đó, bà Nga ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Bạch Vân kiện bà Thê để đòi lại tài sản.
2 cấp tòa cho rằng, căn nhà số 18 tạo lập trong thời kỳ quan hệ hôn nhân của cha, mẹ bà Nga. Do đó, việc cụ Ngọc lập tờ chúc ngôn ủy quyền cho cụ Lan căn nhà số 18 không phù hợp, vì tài sản này do cụ Ngọc với cụ Liễu tạo lập.
Tòa cũng cho rằng, thời điểm cụ Lan lập “biên bản về việc ghi nhận hợp đồng cho tặng chúc ngôn nhà và đất cho cháu”, thì người này chưa được công nhận là chủ sở hữu nhà, đất tại số 18 Đồng Khởi. Từ đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm, chấp nhận việc khởi kiện đòi lại nhà của bà Nga. Bà Thê chỉ được nguyên đơn trả 10% là giá trị tài sản được định giá 2,9 tỉ đồng.
Ngày 12.12, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Sóc Trăng cưỡng chế căn nhà số 18 giao cho bà Vân. Gần 2 tuần nay, mẹ con bà Thê phải ở tạm nhà người quen gần Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng.
Hàm Yên