Ngày 21.11, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức hội nghị chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng năm 2022, kết nối trực tuyến đến 120 điểm cầu trong toàn tỉnh với 3.000 người tham dự.
Theo báo cáo từ Sở TT-TT tỉnh Sóc Trăng, từ cuối năm 2021 đến nay Sóc Trăng đã đào tạo 464 viên chức để phục vụ công tác chuyển đổi số của tỉnh. Cụ thể, có 44 công chức, viên chức tham gia các chương trình bồi dưỡng do Cục Tin học hóa hướng dẫn; có 20 công chức, viên chức tham gia khóa đào tạo kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin. Ngoài ra, còn 400 công chức tham gia chương trình bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số cho lãnh đạo cấp xã.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "UBND tỉnh đã ban hành Đề án về Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến 2030; đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số theo ngành, lĩnh vực, địa phương".
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho rằng, Sở TT-TT với vai trò là cơ quan tham mưu trong công cuộc chuyển đổi số cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Điều này giúp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành tài liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã liên kết từ cấp tỉnh đến cấp xã. 100% dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản điện tử từ tỉnh đến cơ sở được liên thông qua môi trường số. Hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đối với cấp tỉnh, cấp huyện đạt từ 80 - 90%. Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Tình hình an toàn thông tin mạng cơ bản được kiểm soát.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó cục trưởng Cục chuyển đổi số Quốc gia, đánh giá cao công tác chuyển đổi số của tỉnh Sóc Trăng từ năm 2021 đến nay.
Theo ông Tiến, Sóc Trăng có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, năng lượng tái tạo và du lịch… Đẩy mạnh chuyển đổi số mở ra cơ hội ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Điều này sẽ tạo ra luồng sinh khí mới, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững là lợi thế phát triển và khá toàn diện. Sóc Trăng cần phải đặt ra những tầm nhìn lớn cho tỉnh trong mục tiêu chuyển đổi số. Đồng thời huy động tất cả người dân, cán bộ và các tổ chức doanh nghiệp cùng tham gia.
"Chuyển đổi số là một việc khó, nhưng là xu hướng tất yếu khách quan, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Mục tiêu gần nhất là sớm hoàn thành các chỉ tiêu về chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025. Bên cạnh đó, kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, các ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo; thường xuyên tổng kết, đánh giá và đề ra các giải pháp, đề ra lộ trình phù hợp, hiệu quả; thực hiện hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2030", ông Trần Văn Lâu nhấn mạnh.