Giả định rằng Chính phủ quyết tâm trả lại cho Khu bảo tồn thiên nhiên những gì vốn là của nó theo ranh giới được xác lập đầu tiên thì những dự án lấn chiếm Sơn Trà sẽ được xử lý như thế nào ? Đó là vấn đề nan giải không chỉ đối với chính quyền TP. Đà Nẵng mà cả đối với Chính phủ.

Sơn Trà ký sự - Kỳ cuối: Một gợi ý cho vấn đề nan giải

Hoàng Hải Vân | 22/05/2017, 14:12

Giả định rằng Chính phủ quyết tâm trả lại cho Khu bảo tồn thiên nhiên những gì vốn là của nó theo ranh giới được xác lập đầu tiên thì những dự án lấn chiếm Sơn Trà sẽ được xử lý như thế nào ? Đó là vấn đề nan giải không chỉ đối với chính quyền TP. Đà Nẵng mà cả đối với Chính phủ.

Xin nhắc lại, hầu hết các dự án lớn xâm chiếm bán đảo Sơn Trà được chính quyền Đà Nẵng cấp phép và giao đất trong thời điểm trước khi có Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30-10-2014 – là quyết định xác định trong quy hoạch diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà còn 2.591,1 ha, thậm chí phần lớn các dự án còn được cấp phép và giao đất trước cả quyết định quy hoạch sai luật của UBND thành phố Đà Nẵng là Quyết định số 6758/QĐ-UBND ký ngày 20.9.2008 quy hoạch Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà chỉ còn 2.591,1 ha.

Chúng tôi không nói chủ đầu tư các dự án nói trên xây dựng trái phépvì họ được chính quyền thành phố Đà Nẵng giao đất và cấp phép đầy đủ (trừ những hạng mục thi công trước khi có giấy phép, như trường hợp 40 biệt thự gây xôn xao trên báo chí). Họ không tự tiện lấn chiếm Sơn Trà, chính quyền “cấp phép” cho họ làm điều đó. Chúng tôi không hiểu họ có biết chính quyền đã “cấp phép” sai luật hay không, nhưng dù biết hay không thì họ vẫn tin tưởng vào uy lực của chính quyền nên đã bỏ ra hàng ngàn, hàng chục ngàn tỉđồng để triển khai các dự án mà không hề đề phòng sự rủi ro về pháp lý.

Gần hai mươi năm, cho đến thời gian gần đây báo chí không lên tiếng, cán bộ-đảng viên-công chức thành phố không dám lên tiếng (nếu có lên tiếng chắc đã bị trù dập), các bộ, ngành và Chính phủ nhiệm kỳ trước không nói gì, chứng tỏ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thời đó có uy lực đến cỡ nào. Chúng tôi cho rằng lãnh đạo Chính phủ bị che mắt nên không biết, nhưng các bộ, ngành liên quan thì không thể không thấy, không thể không biết.

Cả một bộ máy thực thi luật pháp từ địa phương đến Trung ương suốt gần hai mươi năm đã không thấy và không cho rằng chính quyền Đà Nẵng cấp phép sai luật cho các dự án lấn chiếm bán đảo Sơn Trà thì trách gì doanh nghiệp không hiểu.

Những gì diễn ra ở Đà Nẵng xung quanh bán đảo Sơn Trà cho thấy tình trạng cát cứ của địa phương không còn là nguy cơ nữa mà đã thành hiện hữu. Đây là vấn đề quá lớn của quốc gia, không nằm trong phạm vi một bài báo. Chỉ xin lưu ý một điều, bất cứ quyết định nào ở tầm quốc gia mà hợp pháp hóa các hành vi trái luật của chính quyền địa phương đều là sự hợp pháp hóa tình trạng cát cứ, tạo tiền đề cho việc cát cứ tiếp tục lan rộng.

Trở lại vấn đề đặt ra ở đầu bài: nếu Chính phủ quyết tâm trả lại cho Khu bảo tồn thiên nhiên những gì vốn là của nó theo ranh giới được xác lập đầu tiên, cũng là quyết tâm duy trì sự thống nhất của luật pháp quốc gia, thì những dự án lấn chiếm Sơn Trà đã và đang triển khai sẽ được xử lý như thế nào? Theo chúng tôi, cần có sự hợp tác của các doanh nghiệp với Chính phủ và câu chuyện sau đây là một gợi ý.

Cách đây không lâu, báo chí thế giới và Việt Nam đưa tin, vào tháng Ba năm nay, thực hiện di nguyện của người chồng quá cố, vợ của triệu phú Mỹ Douglas Tompkins đã hiến cho Chính phủ Chile một diện tích đất rừng khổng lồ lên tới 407.625 ha (lớn gần 100 lần diện tích bán đảo Sơn Trà), để xây dựng vườn quốc gia.

Số đất này, bao gồm một dãy rừng nguyên sinh trải dài từ vùng Hornopirén tới kênh đào Beagle, dọc theo bên giới Argentina, do vợ chồng ông Douglas Tompkins đã bỏ tiền ra mua trong nhiều năm, không phải để làm các dự án “du lịch sinh thái” mà để giữ cho được rừng nguyên sinh nơi đây và biến vùng đất rộng lớn này thành vùng bảo tồn sinh học, họ thậm chí còn mua cả những trang trại chăn nuôi rồi phá bỏ tất cả những trang trại ấy để trả lại cho thiên nhiên những gì vốn là của nó. Tổng thống Chile Michelle Bachelet cho biết, sẽ có ba vườn quốc gia gồm Pumalin, Melimoyu và Patagonia hình thành từ vùng đất rộng lớn vừa được gia đình tỷ phú Douglas Tompkins hiến tặng.

Trước đó, vào tháng 12.2015, bà Kristine Tompkins cũng đã gặp Tổng thống Argentina Mauricio Macri để hiến 150.000 ha đất ở khu vực biên giới Argentina - Brazil nhằm thành lập khu bảo tồn quốc gia Ibera. Sinh thời, ông Douglas Tompkins từng giải thích là ông không có lựa chọn nào khác là phải chung tay bảo vệ sự sống trên hành tinh, ông nói: “Như suy nghĩ của nhiều người, chúng tôi thấy rằng đa dạng sinh học và hệ sinh thái xung quanh đang bị hủy hoại. Vì thế chúng tôi phải bắt tay vào để bảo vệ môi trường. Nếu không, chúng ta có thể phải tạm biệt hành tinh xinh đẹp này”.

Với việc hiến đất của tư nhân cho Nhà nước được coi là lớn nhất trong lịch sử này, là thông điệp mà gia đình Douglas Tompkins bày tỏ với thế giới với “mong muốn nhiều quốc gia và cá nhân có nhiều hành động bảo vệ trái đất”.

Dẫn câu chuyện trên chúng tôi không có ảo tưởng rằng nhiều triệu phú tỷ phú của Việt Nam sẽ mua đất (nhận chuyển nhượng) để khôi phục lại rừng rồi hiến lại cho Nhà nước để làm khu bảo tồn, nhưng vẫn hy vọng các triệu phú tỷ phú của chúng ta sẽ biết cách chia sẻ, góp sức với Nhà nước trong sứ mệnh bảo vệ thiên nhiên, cũng là sứ mệnh giữ gìn sự sống trên đất nước, cũng là sứ mệnh giữ nước.

Trong số các nhà đầu tư có dự án tại bán đảo Sơn Trà, nếu như có một nhà đầu tư đi tiên phong bằng cách tự nguyện dừng dự án và trả lại cho Khu bảo tồn những diện tích đã được chính quyền địa phương “cấp phép”, dỡ bỏ những gì có thể dỡ bỏ để phục hồi lại rừng và chuyển công năng những gì không thể dỡ bỏ sang phục vụ cho công việc nghiên cứu và thực hiện các chức năng khác của bảo tồn, nhà đầu tư đó chắc chắn sẽ được công luận vinh danh. Sự vinh danh của công luận còn có tác dụng lớn gấp ngàn vạn lần việc bỏ tiền ra để quảng bá thương hiệu.

Chưa hết, chúng tôi còn tin tưởng rằng, Nhà nước sẽ trả lại những lợi ích tương xứng bằng cách tạo thuận lợi cho nhà đầu tư này được triển khai dự án tại các vị trí khác với các chính sách ưu đãi trong phạm vi luật định. Và sâu xa hơn, “tích thiện phùng thiện”, việc làm này sẽ để lại phúc đức đời đời cho con cháu.

Trên đây là một gợi ý nhỏ để góp phần khai thông cho một quyết sách lớn của Chính phủ với nhiều giải pháp có thể đụng chạm đến những tương quan lợi ích mà chúng tôi không dám lạm bàn.

Hoàng Hải Vân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sơn Trà ký sự - Kỳ cuối: Một gợi ý cho vấn đề nan giải