Thủy điện An Khê - Ka Nak gây cạn kiệt dòng nước sông Ba vào mùa khô nhưng đến mùa xả lũ lại gây ngập lụt nghiêm trọng.

Sông Ba-dòng sông chết vì thủy điện An Khê-KaNak

04/04/2016, 22:18

Thủy điện An Khê - Ka Nak gây cạn kiệt dòng nước sông Ba vào mùa khô nhưng đến mùa xả lũ lại gây ngập lụt nghiêm trọng.

Ngày 1/4 vừa qua, phát biểu trước Quốc hội, ông Huỳnh Thành, ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, Thủy điện An Khê - Ka Nak là “công trình sai lầm thế kỷ”, hủy hoại môi trường; gây hạn hán và ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người ở hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Ngay sau đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo, giải trình vấn đề này.

Ông Võ Năm ở tổ 2, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai sống và gắn bó với dòng sông Ba đến nay tròn 7 thập kỷ. Dòng sông này đã mang lại nguồn sống, nguồn thu nhập chính cho gia đình ông với nhiều loại thủy sản.

Thế nhưng, từ khi công trình Thủy điện An Khê - Ka Nak được xây dựng ở thượng nguồn, chuyển nước sang tỉnh Bình Định, khiến dòng sông khô cạn; cùng với hoạt động xả thải của một số nhà máy trong khu vực, nên tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Không còn nguồn lợi thủy sản, gia đình ông Võ Năm chuyển sang nuôi bò, nhưng bò cũng không thể uống nước sông Ba vì ô nhiễm quá nặng.

“Mùa khô những năm trước kia, nước sông Ba ở bến thường ở mức cao nhưng hiện giờ đang khô kiệt. Đây là do thủy điện chặn dòng nên nước sông khô. Thêm nữa, nhà máy đường, nhà máy mì, nhà máy MDF lại cùng phối hợp xả thải ra sông khiến nước sông Ba đen quanh năm suốt tháng. Cá chết nổi, nước sông bò uống không được nên mong sao Nhà nước làm sao giúp dùm để dân sống”, ông Năm than thở.

“Công trình sai lầm thế kỷ” - Thủy điện An Khê - Ka Nak đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của hàng triệu người dọc lưu vực sống Ba thuộc 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Trong khi mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất thì mùa mưa, thủy điện xả lũ gây những thiệt hại to lớn.

Ông Lương Bá Khánh, ở thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro và ông Ksor Pớ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Krông Pa cho biết, báo chí và người dân, chính quyền các địa phương đã kiến nghị nhiều lần, nhưng vì lợi ích nên doanh nghiệp chưa chấp hành khiến dòng sông khô cạn và ô nhiễm nhiễm trầm trọng.

“Từ khi có Thủy điện An Khê - Ka Nak, lượng nước về không đều như trước đây. Mùa khô nước rất ít nhưng khi mùa mưa nó thủy điện xả lũ lại gây ngập úng với diện tích khá lớn. Đề nghị tỉnh và Trung ương nghiên cứu vấn đề xả nước làm sao cho đảm bảo, thường xuyên ổn định hơn”, ông Khánh cho biết.

Vừa kết thúc chuyến giám sát sông Ba và báo cáo Chính phủ, ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng cho biết, qua kiểm tra Thủy điện An Khê - Ka Nak cho thấy, toàn bộ dòng sông Ba đang chết dần. Đặc biệt, dân cư ở lưu vực và hạ lưu sông không có nước sinh hoạt và tưới tiêu. Đề nghị trong chừng mực nào đó, có thể dừng hoạt động của Nhà máy thủy điện An Khê – Ka Nak trả lại nước cho dòng sông Ba, tạo ra sức sống cho người dân trong lưu vực sông này.

Đã có rất nhiều ý kiến của người dân, các nhà khoa học, nhà quản lý và chính quyền địa phương các tỉnh Gia Lai và Phú Yên nói về sai lầm trong việc chuyển nước của một dòng sông lớn, nhưng dự án vẫn được triển khai. Trong suốt 11 năm, kể từ khi dự án Thủy điện An Khê- Ka Nak đi vào hoạt động, là chừng đó năm công trình này gây biết bao phiền toái, hệ lụy.

Đến mùa khô năm nay, dường như sự tác động khủng khiếp của nó đã lên đến đỉnh điểm. Nên tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra ở Hà Nội, Đại biểu Huỳnh Thành, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã gọi đó là “công trình sai lầm thế kỷ”.

“Việc xây dựng Thủy điện An Khê – Ka Nak đã chuyển hướng một dòng sông lớn đang nuôi sống hàng triệu dân như vậy trên thế giới không bao giờ có. Trong khi chỉ cần công trình có tác động đến trăm nghìn người dân đã phải chú ý, chưa nói đến hàng triệu dân. Từ đó mà tôi nói đó là sai lầm. Từ sai lầm này đã dẫn đến phải chạy theo giải quyết hậu quả”, Đại biểu Huỳnh Thành nói rõ.

Ghi nhận ý kiến phản ánh của Đại biểu Quốc hội và cử tri, ngay tại kỳ họp này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo về tình hình xây dựng, vận hành Hồ chứa thủy điện An Khê - Kanak thời gian vừa qua. Từ đó, đề xuất giải pháp để bảo đảm nguồn nước phục vụ cuộc sống nhân dân vùng hạ lưu sông Ba (thuộc tỉnh Gia Lai và Phú Yên) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2016.

Theo VOV

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sông Ba-dòng sông chết vì thủy điện An Khê-KaNak