Khi hiện tượng El Nino ngày càng nghiêm trọng thì nhiều quốc gia đã nghĩ tới việc tạo ra mưa nhằm đối phó với những đợt nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, việc làm mưa nhân tạo rất tốn kém và hiệu quả không cao.
Mưa nhân tạo được nhà hóa học Vincent Schaefer phát minh ra vào năm 1946 khi thực hiện một thí nghiệm cho hãng General Electric.
Để tạo ra được mưa nhân tạo, trước hết người ta dùng máy bay để phun hóa chất CaCl2, CaC2, CaO, kích thích khối không khí đi lên và tạo thành mây. Những hợp chất này có khả năng hấp thụ hơi nước từ khối không khí nên kích thích quá trình ngưng tụ.
Tiếp theo là giai đoạn tích lũy. Trong giai đoạn này, số lượng hạt nhân ngưng kết và mật độ hạt mát tăng lên trong những đám mây. Trong giai đoạn cuối, người ta dùng máy bay (tên lửa, đạn phá, khí cầu) phun vào các khối mây các loại hóa chất chậm đông gồm i ốt bạc (AgI) và băng khô (CO2 đóng băng), gây nên tình trạng mất cân bằng ở mức cao nhất, tạo ra nhiều hạt nước.
Tuy nhiên, việc phát minh ra mưa nhân tạo có phải là giải pháp tối ưu để ứng phó với những đợt nắng nóng kéo dài hay không? Để làm rõ điều này, Báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN.
-Thưa ông, mưa nhân tạo thường được sử dụng trong những trường hợp nào?
-TS Nguyễn Văn Lạng: Trên lý thuyết có thể tạo được mưa nhân tạo nhưng để làm được điều này, các nhà khoa học phải khảo sát lượng không khí trong bầu trời, độ ẩm có đáp ứng yêu cầu hay không. Đồng thời, các yếu tố khác như gió, bức xạ mặt trời… cũng cần được khảo sát hợp lý. Nếu không đáng giá kỹ thì không ai có thể đảm bảo được điều đó có khả thi hay không.
Trên thế giới đã có những nước làm và làm một vài lần nhưng họ chỉ làm trong trường hợp đặc biệt như mưa để chữa cháy tại đám cháy quá lớn mà con người dưới đất không xử lý được, hoặc giữ cho trời khô ráo trong những cuộc duyệt binh, diễu hành, ví dụ trên quảng trường Đỏ (Nga).
-Vậy ở Việt Nam, chúng ta có thể tạo ra được mưa nhân tạo hay không và trong việc cứu hạn, mưa nhân tạo có hiệu quả không, thưa ông?
- Ở Việt Nam cũng có thể làm thí nghiệm nhưng giá thành để làm được một trận mưa nhân tạo là rất cao. Nguyên tắc để làm được mưa nhân tạo chính là việc con người bắn lên bầu trời những quả đạn hoặc những quả pháo có chứa các hạt nhân liên kết để tạo ra đám mây, từ đó sẽ gây mưa giống như tự nhiên.
Tuy nhiên, để tạo ra được đám mây gây mưa đó sẽ mất khá nhiều thời gian và cũng rất tốn kém mà tính hiệu quả cũng không cao. Và điều này là không tưởng, thực tế cho thấy không ai dùng mưa nhân tạo để cứu hạn.
-Theo ông, để chống hạn tại các vùng hạn hán kéo dài, chúng ta nên có những biện pháp cụ thể như thế nào?
- Để chống hạn, cứu hạn, nhất thiết phải có những biện pháp căn cơ, lâu dài, cơ cấu cây trồng phải phù hợp. Phải chọn những giống cây trồng cần ít sử dụng nước, sử dụng nguồn nước tưới tiêu khoa học, đảm bảo phương pháp tưới hợp lý như tiết kiệm nước, tưới đúng thời vụ, thời điểm hoặc là những giải pháp khác. Còn về nguyên tắc, mưa nhân tạo chỉ dùng cho việc chữa cháy tại vùng nhất định nhưng hiệu quả không hề cao.
-Có nhiều công nghệ gây mưa nhân tạo, nhưng ông có lo ngại rằng công nghệ đó sẽ ảnh hưởng xấu tới bầu khí quyển vì có sử dụng một lượng lớn hóa chất hay không, thưa ông?
- Bất kỳ phát minh nào cũng có hai mặt. Nếu đưa lên bầu trời một loại hóa chất thì đó là điều không tốt chút nào bởi không phải tất cả những hạt nhân phóng lên bầu trời đều có thể tạo ra được mưa mà có thể bay lên không khí, gặp điều kiện thời tiết bất lợi thì hoàn toàn có thể gây ra ô nhiễm. Thậm chí khi mưa xuống một vùng nào đó thì cũng ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân, môi trường, đất đai, không khí đều có thể bị ô nhiễm.
-Xin cảm ơn ông.
Thu Anh (thực hiện)