Khi có biến cố xảy đến, bạn thường làm gì? Cầu mong một thế lực siêu nhiên độ trì cho vượt qua? Trách móc bản thân mình và người khác? Hay bất lực buông xuôi cho mọi thứ tới đâu thì tới?

Sống chung với biến cố

Chí Hùng | 16/08/2020, 12:20

Khi có biến cố xảy đến, bạn thường làm gì? Cầu mong một thế lực siêu nhiên độ trì cho vượt qua? Trách móc bản thân mình và người khác? Hay bất lực buông xuôi cho mọi thứ tới đâu thì tới?

Đó là những xuhướng người ta thường lựa chọn nhất khi có biến cố hay bất trắc ập xuống cuộc đời. Tuy nhiên, cả ba xu hướng ấy dường như chẳng giúp ích được gì cho chúng ta. Trái lại, nó còn làm cho mọi thứ trở nên bế tắc hơn. Nếu bạn rơi vào nghịch cảnh, thì những lời cầu nguyện hão huyền chỉ cho bạn một ít động lực về tinh thần chớ chẳng thế lực siêu nhiên nào có thể nhấc bạn ra khỏi nghịch cảnh để đặt vào một vị thế khác được.

Sự than trách bản thân hay đổ lỗi cho người khác càng không thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn. Trái lại, nó còn khiến cho mọi thứ tệ hại hơn. Nó làm ta cảm thấy chán chường với chính mình, khiến cho những người quanh ta phát sinh xung đột với nhau. Do vậy, ta càng ít cơ hội tìm ra phương án tối ưu để vượt qua biến cố. Sau cùng, những người bất lực buông xuôi cho “con Tạo xoay vần” thì đương nhiên là đã chọn phương án thua cuộc.

Sẽ chẳng có cơ hội nào cho những người này. Ngay cả những khi chỉ xuất hiện những biến cố nhỏ, thìngười chọn cách buông xuôi cũng vẫn phải đối mặt với những kết cục tệ hại. Từ đó cho thấy, việc chọn thái độ ứng xử, hành xử như thế nào khi rơi vào nghịch cảnh chính là tiền đề quan trọng quyết định chúng ta vượt qua nghịch cảnh dễ hay khó, nhanh hay chậm.

Hẳn bao năm qua, người Việt và không ít dân tộc trên thế giới vẫn còn say mê nhân vật Robinson Crusoe của tiểu thuyết gia người Anh Daniel Defoe. Nhà văn đã để cho nhân vật của mình rơi vào một nghịch cảnh hy hữu, là một mình sống sót và dạt vào 1 hòn đảo hoang không có dấu hiệu tồn tại của sự sống con người. Với vài vật dụng hết sức thô sơ vớt lên được từ xác chiếc tàu bị đắm, Robinson đã vật lộn với tất cả mọi thứ để sống trên hòn đảo hoang ấy suốt 28 năm 2 tháng 19 ngày trước khi tự giải thoát cho mình một cách đầy ngoạn mục.

Trong suốt ngần ấy thời gian, độc giả không hề thấy xuất hiện tâm trạng tiêu cực của Robinson. Tuy không ít lần hoang mang lo lắng, nhưng anh luôn biết tính toán chi ly mọi phương án để sinh tồn. Anh hành động chính xác, quyết đoán. Anh khai thác tối đa vốn tri thức, kỹ năng sống, tinh thần lạc quan để vượt qua sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, của thời tiết trên hoang đảo và cả nỗi cô độc trường tồn.

Dĩ nhiên, đó chỉ là một nhân vậttiểu thuyết. Song, với bản năng sinh tồn phi thường cùng với những hành động thuyết phục để vượt qua nghịch cảnh kéo dài hơn 28 năm trên đảo hoang, Robinson đã truyền cảm hứng và năng lượng sống tích cực cho hàng triệu độc giả trên toàn thế giới suốt gần 300 năm qua.

Chúng ta những tưởng khi nhân loại tiến gần hơn với đời sống văn minh, hiện đại thì sẽ ít xảy ra những hiểm họa, bởi nền khoa học kỹ thuật tiên tiến sẽ giúp dự báo và khắc phục các hiểm họa ấy. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, cái suy nghĩ đó dường như không còn thuyết phục nữa. Bởi lẽ gần đây luôn xuất hiện nhan nhản những thảm họa do thiên tai và cả “nhân tai” giáng xuống loài người, khiến chúng ta nhiều lúc cảm thấy chới với, lo âu và hoảng sợ.

Điển hình nhất cho những hiểm họa xuất hiện trong năm 2020, đó chính là đại dịch COVID-19. Hàng trăm ngàn người đã bị tước đi mạng sống, hàng chục triệu người đã được ghi nhận nhiễm bệnh, phải nhập viện điều trị. Khắp nơi trên thế giới phải ban bố lệnh giãn cách xã hội cũng như hàng loạt lệnh giới nghiêm khác. Từ thành phố đến xóm làng tiêu điều trong đại dịch. Nhiều nơi trở nên ảm đạm, tang tóc phủ trùm.

Có thể nói, COVID-19 đã giáng xuống toàn nhân loại một đòn chí tử. Nó khiến cho tất cả chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại giới hạn về năng lực của toàn cầu trước dịch bệnh, thiên tai. Nó làm cho những kẻ ngạo mạn nhất cũng phải bắt đầu cân nhắc và thay đổi tư duy.

Dĩ nhiên, chúng ta luôn trên tinh thần cảnh giác cao độ chớ không phải hoang mang hoặc buông xuôi chờ chết trước con vi-rút quái ác lần này. Nói cách khác, đại dịch COVID-19 giống như một biến cố lớn xảy đến với toàn nhân loại, trong đó có mỗi cá nhân chúng ta. Điều cốt yếu là ta phải thừa nhận nó và tìm cách sống chung, sau đó khắc chế nó.

Tại Việt Nam, đợt giãn cách xã hội đầu tiên được thực hiện sau Tết Nguyên đán khiến phần lớn người dân cảm thấy bất an. Chúng ta sống trong cảm giác đông cứng về thời gian. Khi ấy, những tin tức được cập nhật mỗi ngày về số ca nhiễm bệnh, số ca tử vong trên toàn thế giới đã thành mối bận tâm hàng đầu của người dân. Thậm chí, có những trường hợp hoài nghi về những người xung quanh không biết họ có mang mầm bệnh quái ác nào không. Kể cả, chỉ một người vì lý do nào đó quên mang khẩu trang xuất hiện nơi công cộng, lập tức nhận được những ánh nhìn khó chịu của đám đông.

Thế rồi, đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên được kiểm soát. Chúng ta dần trở lại với trạng thái bình thường như trước khi có dịch. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, các khu du lịch, dịch vụ mở cửa trở lại với kỳ vọng khởi sắc. Tưởng chừng như những gì cần phải gánh chịu thì chúng ta đã trải qua, giờ là lúc làm lại từ đầu. Tuy nhiên, trong cơn hứng khởi vận hành lại mọi thứ của guồng máy xã hội, chúng ta lại bị giáng xuống một đòn đau mới khi thông tin về ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng được phát hiện tại TP.Đà Nẵng. Tất cả lại phải bước vào cuộc chiến khó dự báo về mức độ gay go và hồi kết.

Có điều, nếu chúng ta chịu khó quan sát, thì có lẽ sẽ phát hiện trong dân chúng, thái độ của họ với dịch bệnh đợt này có vẻ bình thản hơn so với đợt trước. Người dân cũng thực hiện theo khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế về giãn cách xã hội, về khai báo y tế bắt buộc, về việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn… Nhưng người dân dường như không hoang mang lo lắng nhiều như trong đợt 1. Mặc dù đợt 2 này, Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca tử vong, nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn bình tĩnh. Có được tâm thế ấy, một phần là do người dân đã dần biết thích nghi với biến cố. Nói cách khác, chính những biến cố đã trải qua khiến họ vững vàng hơn.

Cuộc sống mỗi con người chúng ta hiếm khi bình lặng mãi, mà luôn tiềm ẩn xuất hiện những bất trắc bởi các nguyên do chủ quan lẫn khách quan. Chúng ta phải biết đón nhận mọi thứ một cách bình thản, vượt qua khó khăn thử thách bằng chính nghị lực lẫn kinh nghiệm sống của mình. Không gì tuyệt vời hơn khi mỗi buổi sáng thức dậy, ta đón nhận một thông tin tốt lành và bắt đầu ngày mới ngập tràn nguồn năng lượng.

Thế nhưng, nếu phải bắt đầu một ngày mới bằng những thông tin về số ca nhiễm bệnh tăng vọt, số ca tử vong do dịch bệnh vượt quá mức tưởng tượng, thì chúng ta cũng không nên đối diện với nó bằng một thái độ bi quan. Thậm chí, chúng ta cũng không loại trừ trường hợp đại dịch sẽ kéo dài hơn nữa, thiệt hại sẽ còn lớn hơn nữa. Chúng ta nên biết rằng, biến cố cũng là một phần tất yếu tồn tại trong xã hội. Và chỉ có những ai hiểu rõ quy luật đó thì mới sống chung được với biến cố và vượt qua nó một cách tốt nhất.

Trương Chí Hùng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sống chung với biến cố