Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào phân khúc chất lượng cao trong sự dịch chuyển toàn cầu. Cơ hội nhận được sự chuyển giao công nghệ đang mở ra trước mắt.
Tài chính và đầu tư

Sự dịch chuyển dòng vốn FDI và cơ hội của Việt Nam

Lam Thanh 21/07/2024 16:28

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào phân khúc chất lượng cao trong sự dịch chuyển toàn cầu. Cơ hội nhận được sự chuyển giao công nghệ đang mở ra trước mắt.

Cơ hội từ sự chuyển dịch luồng đầu tư

Trong khi tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn thế giới tiếp tục suy giảm thì 6 tháng đầu năm, thu hút vốn FDI vào Việt Nam tăng khá.

Theo Bộ KH-ĐT, kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng minh sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm, thu hút vốn tăng khá, tổng vốn đăng ký đạt gần 15,2 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn đăng ký mới tăng 46,9%.

Số vốn FDI giải ngân đạt 10,84 tỉ USD, tăng 8,2%, tăng cao nhất trong 5 năm gần đây, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết tại thị trường Việt Nam, đồng thời phản ánh năng lực hấp thụ và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng đây chính là thời cơ để Việt Nam thu hút, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, thay đổi toàn bộ cấu trúc nền sản xuất tại Việt Nam.

Ông Thịnh cho rằng việc thu hút FDI chất lượng cao là có cơ sở khi Việt Nam tham giá rất nhiều các hiệp định thương mại tự do, có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng tốt, hạ tầng ngày càng được hoàn thiện…

vinh-.png
Sự dịch chuyển dòng vốn FDI đang diễn ra trên toàn cầu

Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nêu quan điểm nếu nhìn vào những chuyển dịch địa chính trị, đầu tư, chuỗi cung ứng... thì thế giới đang chuyển dịch rất sâu sắc, từ kinh tế đến phi kinh tế, truyền thống đến phi truyền thống, có đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh...

Ông Vinh phân tích, đầu tiên là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn làm dịch chuyển về đầu tư. Trong đó, đáng chú ý là sự dịch chuyển trên hướng đến những khu vực thuận lợi cho Việt Nam.

“Cùng với sự chuyển dịch của các luồng đầu tư, có cả câu chuyện về dịch chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất và thương mại. Do những yếu tố này đan xen với nhau nên phải tranh thủ tận dụng đồng thời cả sự chuyển dịch đầu tư và chuyển dịch thương mại”, ông Vinh nêu.

Đại sứ Vinh cũng cho rằng các nước phát triển, nhất là Mỹ và phương Tây, đang có xu hướng hướng nội nhiều hơn. Họ có những chính sách công nghiệp mới thúc đẩy dòng vốn đầu tư quay lại trong nước. Ngoài ra, nguồn tài chính cũng hạn hẹp đi do khó khăn kinh tế.

Theo đó, những tiêu chuẩn mới, hạn chế hơn sẽ được áp dụng, đi kèm với đó là xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, dựa trên xu hướng đổi mới sáng tạo. Việc thích ứng với sự chuyển đổi này cũng là điều rất đáng quan tâm.

“Chúng ta đang ở một vị thế thuận lợi, có thể tranh thủ được những luồng đầu tư từ các bên dù giữa họ đang có sự cạnh tranh chiến lược với nhau, trong đó điển hình là Mỹ và Trung Quốc”, ông Vinh nói.

Đề phòng sự chuyển dịch ngược trong các luồng đầu tư

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, để tận dụng được những luồng đầu tư này, cần lựa chọn đối tác thuận lợi nhất cho mình và hướng tới các mục tiêu nâng cao bản thân. Ngoài ra, cần phải đề phòng sự chuyển dịch ngược trong các luồng đầu tư.

“Chuyển dịch thông thường có cả chất lượng cao và thấp. Có những luồng đầu tư thông thường đến những phân khúc thấp hơn trong đó có hướng tới Việt Nam”, ông Vinh khuyến cáo.

Ông Vinh cũng nhìn nhận rằng khi cạnh tranh nước lớn gia tăng, Việt Nam có thể tranh thủ được cả hai bên, nhưng có nguy cơ có quá nhiều sản phẩm chuyển dịch sang Việt Nam, dẫn đến tình trạng sản xuất quá mức, làm thao túng thị trường các quốc gia khác. Trong thời gian gần đây, Indonesia đã phải đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc vì lo ngại những mặt hàng này tràn vào thị trường.

vinh-1.jpg
Đại sứ Phạm Quang Vinh

Tuy vậy, ông Vinh cho rằng khung chính sách và việc giải quyết vấn đề thực tế của Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn. Chính sách vĩ mô, cam kết của Chính phủ thuận lợi nhưng để giải quyết trên thực tế cũng không phải dễ. Do đó, ông Vinh cho rằng thời cơ tận dụng những cơ hội này không kéo dài.

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng cần giải quyết câu chuyện cố hữu là vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Theo bà Minh, con số xuất khẩu trong các năm rất cao, là điều đáng mừng. Tuy vật, tỷ trọng của khu vực FDI vẫn chiếm khoảng 72%, còn khu vực trong nước khá khiêm tốn. “Nếu kéo dài tình trạng này, sự mất cân đối cũng như kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài sẽ ngày càng dài, rời rạc hơn. Như vậy sẽ dẫn tới rất nhiều các hệ lụy liên quan tới chính sách vĩ mô, liên quan tới người lao động cũng như một loạt các vấn đề khác”, bà Minh nói.

Do đó, TS Minh cho rằng cần giải pháp để doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI sẽ có sự hỗ trợ với nhau, song hành theo mối quan hệ win-win. Điều này sẽ tốt hơn cho tất cả và sẽ đảm bảo được mục tiêu phát triển lâu dài của tất cả các bên liên quan.

Bài liên quan
TP.HCM: Nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự dịch chuyển dòng vốn FDI và cơ hội của Việt Nam