Ngành thuế đang nỗ lực đưa các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm thuế giá trị gia tăng để giúp doanh nghiệp, người dân có thêm vốn đưa vào sản xuất kinh doanh.
Tài chính và đầu tư

Đưa chính sách giảm thuế vào cuộc sống

Tuyết Nhung 20/07/2024 16:22

Ngành thuế đang nỗ lực đưa các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm thuế giá trị gia tăng để giúp doanh nghiệp, người dân có thêm vốn đưa vào sản xuất kinh doanh.

Trước bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô lên đến gần 200.000 tỉ đồng.

giam-thue.jpg
Ngành thuế đang nỗ lực triển khai các chính sách giảm thuế để tiếp sức cho doanh nghiệp - Ảnh: IT

Đầu năm nay, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay theo Nghị quyết 42; giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% từ ngày 1.1.2024 đến 30.6.2024 theo quy định tại Nghị định 94.

Hiện cơ quan thuế các cấp đã tập trung chủ động tuyên truyền, phổ biến giúp người nộp thuế hiểu rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn, trình tự, thủ tục thực hiện.

Ông Nguyễn Minh Sơn - Tổng giám đốc Công ty Sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam cho biết: "Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn chung như hiện tại cũng như khó khăn của các đơn vị sản xuất lắp ráp ô tô nói riêng thì việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 11.2024 giúp chúng tôi có thêm nguồn vốn để quay vòng sản xuất kinh doanh. Đây là sự giúp đỡ rất kịp thời, thiết thực để chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này".

Theo ông Oh Kwang Suk - Tổng giám đốc Daewonautovina, các chính sách về gia hạn nộp thuế và giảm thuế giúp cho doanh nghiệp tập trung vào các hoạt động kinh doanh của mình bằng cách giảm bớt gánh nặng thanh toán, đảm bảo nguồn vốn cần thiết trong kinh doanh. Việc giảm 2% thuế GTGT sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng và giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết việc vừa phải triển khai thực hiện tốt các gói chính sách giảm, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô lớn, kịp thời đưa chính sách vào cuộc sống, tiếp sức cho doanh nghiệp khơi thông nội lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song song với đó vừa phải thực hiện tốt công tác quản lý thu, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước mà Chính phủ, Quốc hội giao đã đặt ngành thuế trước "khó khăn kép".

Trong những tháng cuối năm, ngành thuế cũng đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm bù đắp các khoản giảm thu do thực hiện các chính sách trên. Cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp quản lý thu, khai thác các nguồn thu còn tiềm năng, còn thất thu, đẩy mạnh khai thác tăng thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, bất động sản, hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh theo chuỗi, cho thuê nhà, thuế thu nhập cá nhân của cá nhân có nhiều nguồn thu nhập, kinh doanh số, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng...

Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội giảm gần 200.000 tỉ đồng mỗi năm tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn trong ngắn hạn. Bộ Tài chính cho rằng đã đến lúc phải thôi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và cần thắt chặt điều hành chính sách tài khóa kể từ năm 2025 nhằm tăng nguồn lực công đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước một cách bền vững.

Trong thời gian tới, để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước một cách bền vững, cần tiếp tục kiểm soát tốt các giao dịch phát sinh trong nền kinh tế, thu đầy đủ các khoản thu mà trước đây chưa thu đối với các phương thức mới như thương mại điện tử, mua bán qua mạng... Nếu kiểm soát tốt vấn đề này thì sẽ có dư địa tài chính để tiếp tục triển khai các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp.

Hiện nay, các đơn hàng xuất khẩu đã trở lại mặc dù ngắn hạn hơn nhưng cầu của các nền kinh tế trên thế giới đã phục hồi, các doanh nghiệp sẽ hướng tới sản xuất xanh, có trách nhiệm với môi trường, xã hội, đáp ứng yêu cầu các thị trường xuất khẩu lớn. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phục hồi, từ đó giúp tăng thu ngân sách từ xuất nhập khẩu. Ngoài ra, nền kinh tế phục hồi cũng sẽ thu hút được du lịch, thương mại... đem lại nguồn thu cho ngân sách từ các hoạt động này.

Bài liên quan
Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nên tiếp tục giảm thuế GTGT
Chính phủ dự tính trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024, nếu doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa chính sách giảm thuế vào cuộc sống