UBTVQH không cho phép việc sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

Sử dụng xe biếu, tặng phải đúng tiêu chuẩn, định mức

Trí Lâm | 29/05/2017, 20:16

UBTVQH không cho phép việc sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

Xử lý cả người nhận xe DN biếu, tặng

Tại phiên thảo luận về Dự luật Quản lý tài sản công ngày 29.5 tại Quốc hội, trước tình trạng một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức, dẫn đến việc phải trả lại các tài sản này cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng, UBTVQH đã cấm việc sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

Nói về điều này, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề nghị không chỉ xử lý hành vi sử dụng mà cần phải xử lý cả hành vi nhận bởi vì hành vi nhận mới là hành vi tiền đề của sử dụng. Ví dụ, chủ tịch một tỉnh quyết định nhận tài sản nhưng sau đó về giao cho một Ủy viên Thường vụ khối Đảng cấp tỉnh sử dụng. Trong trường hợp đấy là xử lý người sử dụng mà không xử lý người nhận, cho nên tôi đề nghị xử lý cả người nhận.

Ông Hiểu cũng cho biết, từ "biếu" nên bỏ mà chỉ dùng chung là "cho, tặng" vì từ "cho, tặng" mới phù hợp với Bộ luật Dân sự. Từ "biếu" mang ý nghĩa đạo đức và ứng xử nhiều hơn nên tôi nghĩ trong luật không nên dùng từ "biếu".

Nói về điều này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng không chỉ tài sản công của cá nhân, các đơn vị khác tặng và có thể có cả tiền, vì rất nhiều đơn vị khi người ta biếu, tặng thì gợi ý luôn: “Bây giờ định tặng ô tô nhưng ô tô bên này có rồi thì nhờ chú chuyển qua cho tiền luôn, đó là sự thật”.

Ông Trí cũng cho rằng cần bổ sung thêm thời điểm, vì có những trường hợp người tặng, cho đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, đúng định mức, đúng chế độ nhưng vào thời điểm nhạy cảm, ví dụ đang xét thầu hoặc họ đang đi xin dự án nào đó.

“Của biếu là của lo mà của cho là của nợlà câu các cụ đã tổng kết rồi và rất đúng”, ông Trí nhấn mạnh.

Không đồng tình với quy định này, ĐB Nguyễn Tạo, Lâm Đồng cho rằng, trong điều kiện đất nước ta còn những khó khăn, việc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biếu, tặng xe ô tô và các loại tài sản khác cho các cơ quan, tổ chức trong nước là một việc làm cần được ghi nhận. Nhất là các loại xe chuyên dụng phục vụ công cộng, như xe cứu thương, xe chuyên dụng phòng, chống bão lụt... và tài sản đó đã được xác lập quyền sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quyền chủ sở hữu đã được pháp luật công nhận.

Theo ông Tạo, vấn đề đặt ra ở đây là động cơ, mục đích tặng, cho có trong sáng hay không? Việc cho xe hoặc tài sản cho địa phương là một thách thức để có được sự ưu ái trong quan hệ có lợi cho mình, cho dự án này, dự án khác hay không?

“Cần có cách thức xác lập, chuyển giao quyền sở hữu và xác định rõ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận là ai. Đồng thời việc quản lý, sắp xếp, phân bổ lại để sử dụng như thế nào cho đúng và hợp lý mới là nội dung cốt lõi của vấn đề này”, ông Tạo nói.

Chiếc xe sang Lexus được doanh nghiệp tặng cho tỉnh Cà Mau

Nói về điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong việc quản lý tài sản công tại cơ quan tổ chức, đơn vị là phải tuân thủ theo tiêu chuẩn và định mức. Thời gian vừa qua, một số trường hợp gây bức xúc trong dư luận với việc nhận ô tô đắt tiền để sử dụng cho lãnh đạo cơ quan và đơn vị.

“Vì vậy chúng tôi thấy rằng, thống nhất với việc UBTVQH đã giải trình và đề nghị bổ sung vào Điều 11, Dự thảo luật về cấm sử dụng xe ô tô, các loại tài sản khác, do các tổ chức, cá nhân đổi, tặng không đúng mục đích, không đúng tiêu chuẩn và định mức chế độ và sử dụng cho cá nhân”, ông Dũng nêu quan điểm.

Cử tri bức xúc vì bán tài sản công ở vị trí đắc địa

Một số ý kiến đề nghị cần quy định rõ về công khai, niêm yết các nội dung liên quan đến tài sản, như: công khai ở đâu, địa điểm nào phải quy định rõ. Tiếp thu ý kiến, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý điểm b, c khoản 3 Điều 9 về công khai tài sản công.

Theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh, Khoản 3 Điều 9 quy định các hình thức công khai tài sản công gồm đăng tải trên cổng thông tin điện tử, niêm yết công khai, công bố tại các cuộc họp các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quy định như trên chưa cho thấy rõ việc giám sát thường xuyên của người dân đối với tài sản công.

Vì vậy, ông Cảnh đề nghị cụ thể thêm một hình thức công khai, đó là công khai trên chính tài sản công đó như đất lâm trường, trụ sở cơ quan, nhà công vụ, xe công... đang là những tài sản công mà trong thời gian vừa qua xã hội đã phản ánh nhiều về việc quản lý, sử dụng tài sản cònthiếu chặt chẽ.

“Để đảm bảo tính bảo mật, tính khả thi, luật sẽ giao cho Chính phủ quy định cụ thể thông tin nào cần thiết công khai đối với từng loại tài sản công và chỉ thực hiện đối với các loại tài sản công phát sinh mới; tài sản công đã được giao cho đối tượng sử dụng mới; tài sản công khi được sửa chữa lớn và tài sản công đang bị phản ánh tiêu cực trong quản lý và sử dụng”, ông Cảnh nhấn mạnh.

Vị này cũng cho biết thời gian qua nhiều địa phương đã bán tài sản công là trụ sở các cơ quan, trường học ở những vị trí rất đắc địa, và không ít cử tri bức xúc về vấn đề này.

“Tôi nghĩ khi triển khai thực hiện luật nên quán triệt nguyên tắc không vì nguồn lực đầu tư trước mắt đang khó khăn mà chúng ta chấp nhận tất cả. Có những thứ không làm lại và không lấy lại được. Quản lý, sử dụng tài sản công cần tầm nhìn trách nhiệm đúng luật, tiết kiệm và hiệu quả”, ông Cảnh nói.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng cần phải làm rõ chế độ quản lý sử dụng khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, tài sản công tại cơ quan nhà nước chủ yếu là tài sản phục vụ công tác quản lý nhà nước, cần phải đảm bảo việc quản lý sử dụng, tiết kiệm đúng mục đíchtiêu chuẩn, định mức và tuyệt đối không được sử dụng để cho thuê kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết nhằmđảm bảo tính nghiêm minh và tách bạch chức năng quản lý, nhất là trụ sở làm việc, phương tiện đi lại và trang thiết bị.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sử dụng xe biếu, tặng phải đúng tiêu chuẩn, định mức