Theo tạp chí khoa học Journal of the Royal Society Interface, sự sống ngoài hành tinh có thể xuất hiện nhờ các tia vũ trụ.
Ý tưởng khoa học này ám chỉ rằng với các hành tinh lang thang không quay quanh bất kỳ một ngôi sao nào thì các tia vũ trụ thực hiện chức năng ánh sáng Mặt trời. Chính các tia vũ trụ với nguồn năng lượng dồi dào có thể nuôi dưỡng các hệ sinh thái ngầm trong lòng đất ở các thế giới không có ánh sáng Mặt trời hay khí quyển.
Giả thiết này được đưa ra sau khi nghiên cứu một hiện tượng lạ trên Trái đất. Dưới lòng đất sâu tồn tại loài khuẩn Desulforudis audaxviator, sống nhờ ăn những sản phẩm phụ của urani phóng xạ, thori và kali. Vi khuẩn sử dụng các hạt vật chất đó để phân rã nước thành các phần tử có thể kết hợp với các phân tử khác để tạo thành thức ăn.
Nhà sinh vật học Dmitri Atri, tác giả của công trình nghiên cứu trên, cho rằng bức xạ vũ trụ cũng có thể tạo ra năng lượng để phân rã nước và các phân tử khác thành các hình thái hữu ích. Chẳng hạn, trên Trái đất có những hệ sinh thái hoạt động theo cách như vậy và chuyên gia sinh học vũ trụ Chris McKay của NASA không tham gia vào công trình nghiên cứu trên nhưng đánh giá giả thiết của Dmitri Atri là “rất giống với thực tế”.
Mặc dù các tia vũ trụ gây tổn thương nghiêm trọng cho ADN, nhưng loài khuẩn Desulforudis audaxviator cho thấy rằng sinh vật có thể tìm cách bảo vệ mình. Còn khi sống dưới bề mặt của thiên thể thì các vi khuẩn có thể tìm cách tránh xa những tác hại tồi tệ nhất của bức xạ.
Những mô phỏng của nhà sinh học Dmitri Atri cho phép giả định rằng những tia vũ trụ khá phổ biến và thâm nhập khá sâu vào lòng các thiên thể để có thể duy trì được sự sống trên các vệ tinh, các sao chổi, sao Hỏa, sao Diêm vương và Еuropa, vệ tinh của sao Mộc. Đương nhiên các sinh vật giả định đó vẫn phải cần thức ăn, nước và chắc chắn là cả nguồn nhiệt nữa.
Nhà sinh học vũ trụ Chris McKay cho rằng những sinh vật đó có chế độ chuyển hóa rất chậm. Rất ít cơ hội để chúng có thể tiến hóa thành sự sống phức tạp, đa bào. Nếu trong vũ trụ có sự sống tồn tại nhờ bức xạ vũ trụ thì chắc chắn hệ sinh thái đó sẽ giống với loài khuẩn Desulforudis audaxviator.
Vũ Trung Hương