Những cánh hoa đào mỏng nhẹ, e ấp trong chiếc nụ xanh chỉ đợi xuân về bung nở, khoe sắc. Ở miền Bắc, ngày Tết mà thiếu hoa đào thì thiếu hẳn hương sắc mùa xuân. Theo truyền thống, những cành hoa đào này không chỉ có tác dụng xua đuổi tà ma mà còn có thể mang đến nguồn sinh khí mới, giúp mọi người trong nhà luôn khỏe mạnh và bình an trong năm mới.

Sự tích cành đào ngày Tết

Một Thế Giới | 22/01/2016, 21:02

Những cánh hoa đào mỏng nhẹ, e ấp trong chiếc nụ xanh chỉ đợi xuân về bung nở, khoe sắc. Ở miền Bắc, ngày Tết mà thiếu hoa đào thì thiếu hẳn hương sắc mùa xuân. Theo truyền thống, những cành hoa đào này không chỉ có tác dụng xua đuổi tà ma mà còn có thể mang đến nguồn sinh khí mới, giúp mọi người trong nhà luôn khỏe mạnh và bình an trong năm mới.

Ngày xưa, ở phía đông núi Sóc Sơn, có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá xum xuê, bóng râm che phủ cả một vùng rộng lớn. Ở nơi đó, có 2 vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ. 
Với sức mạnh phi thường của mình, các vị thần giúp dân diệt trừ ma quái, có cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Ma quỷ khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần đến nỗi sợ luôn cả cây đào, chỉ cần trông thấy cành hoa đào thôi cũng đủ khiến chúng bỏ chạy xa bay. Tuy nhiên, đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, 2 vị thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ yêu tinh được dịp hoành hành, tác oai tác quái làm hại dân làng. Khi hai vị thần vắng mặt ở trần gian, để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã nghĩ ra một cách là đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ. 
Nếu ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà để xua đuổi ma quỷ. Chỉ cần nhìn thấy hình vẽ trên giấy hồng ma quỷ đã thi nhau bỏ chạy. Rồi năm này qua năm khác, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ. Tuy nhiên về sau, người ta quên mất ý nghĩa thần bí của tục lệ này vì không còn tin vào ma quỷ, thần linh như tổ tiên ngày xưa. Theo thời gian, ngày nay những cành đào tươi thắm vẫn xuất hiện trong mỗi ngôi nhà vào dịp Tết đến xuân về nhưng ý nghĩa của nó đã khác xa với tục lệ ngày xưa. 
Vẻ đẹp của nó đã mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới An khang - Thịnh vượng. Ngoài ra, cây đào được xem là tinh hoa của ngũ hành, biểu tượng cho sự đổi mới và sức sinh sôi phát triển mạnh mẽ. Để chọn một cành đào đẹp, nhiều người thích hoa loại có hoa cánh kép, màu thắm hồng, cành đều, gốc thẳng. Thân đào có thể xù xì nhưng khoẻ, chắc. Cành vừa phải, nhiều hoa. Hoa đào có nhiều giống: đào bích, đào phai, đào trắng (bạch đào, rất hiếm), đào chuông. Chơi hoa đào có nhiều kiểu như đào thế, đào cảnh trồng chậu, đào cắt cành cắm lọ… 
Khi chọn cành đào cần chú ý phải có đủ bộ tứ quý: hoa, nụ, lộc và quả, bởi đó là biểu tượng cho sự đề huề, ấm no của gia đình. Còn khi mua đào cây, ngoài bộ tứ quý như đào cành, nên chọn các cây có dăm nhỏ và ngắn, các nhánh chính tạo nên dáng cây xuất phát từ một điểm trên thân, như vậy cây sẽ đẹp, cân đối. Những nụ đào còn e ấp dưới cái lạnh của mùa đông chỉ đợi nắng xuân về là bung hoa đua nở. 
Hoa đào không chỉ khiến mùa xuân thêm rực rỡ mà trong thơ ca, hoa đào còn được ví như vẻ đẹp tuổi thanh xuân của người thiếu nữ, vừa e ấp, vừa dịu dàng. Cánh hoa xòe, nở tung khoe nhụy vàng, rung rinh trước gió. Mỗi năm hoa đào nở rộ lại có cảm giác Tết về thêm tươi thắm và ấm no.
Mộc Miên / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự tích cành đào ngày Tết