Nhờ biết nắm bắt xu hướng của công nghệ số, nhiều phụ nữ ở Cà Mau đã tự tay chế biến nhiều món ăn rồi đăng bán trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok…, nhiều người có nguồn thu nhập ổn định từ việc bán hàng này.
Kinh tế số

Tăng thu nhập từ bán hàng qua mạng

Trần Khải 14/09/2024 11:34

Nhờ biết nắm bắt xu hướng của công nghệ số, nhiều phụ nữ ở Cà Mau đã tự tay chế biến nhiều món ăn rồi đăng bán trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok…, nhiều người có nguồn thu nhập ổn định từ việc bán hàng này.

Thời buổi công nghệ số phát triển, tận dụng lợi thế này, nhiều phụ nữ ở Cà Mau đã sử dụng môi trường mạng để “kinh doanh”. Không tốn kém chi phí thuê mặt bằng, thuê phục vụ… nhưng lượng khách hàng vẫn đều đặn “chốt đơn” hằng ngày đã giúp cho nhiều người có việc làm tại gia, thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày.

tt1.jpg
Sản phẩm bánh trung thu rau câu của chị Nguyễn Thúy Như

Là người có đôi bàn tay khéo léo, với niềm đam mê các món ăn dân gian, chị Nguyễn Thúy Như ngụ TP.Cà Mau luôn tìm tòi, học hỏi để tạo ra các món ăn như rau câu, sinh tố, yaour, kem chuối…, rồi đăng bán lên các trang mạng xã hội. “Khác với cách làm truyền thống theo một khuôn khổ nhất định, tôi luôn tìm tòi cách tân sản phẩm của mình để phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công đó là chất lượng sản phẩm. Mình lãi ít một chút, nhưng cái được của mình là khách ủng hộ thường xuyên. Bán hàng cần chữ tín, lâu dài chứ tôi không làm kiểu chụp giật, như vậy sẽ mất khách”, chị Như nói.

Theo chị Như, khách hàng của chị hiện có ở nhiều tỉnh, thành phố như TP.HCM, An Giang, Đồng Tháp… “Nhiều khách hàng mua sản phẩm của mình rồi tiếp tục đặt hàng, lâu dần trở nên thân quen. Thậm chí, nhiều người đặt hàng để bán lại kiếm lời. Tất nhiên, những khách hàng mua bán lại thì mình để giá sỉ để chị em còn có lời”, chị Như nói.

tt..jpg
Khách hàng rất ưa chuộng các sản phẩm rau câu của chị Như

Chị Kiều Trang, một khách hàng của chị Như đánh giá: “Các sản phẩm của chị Như được tạo hình rất bắt mắt, chất lượng khỏi chê, rất thơm ngon. Nhiều sản phẩm như rau câu trung thu, rau câu nghìn lớp, rau câu hình bướm, rau câu phô mai… được tôi mua về để bán lại được khách hàng rất ưa thích. Nhiều người còn đặt hàng để đem về đãi khách”.

Nhờ “tiếng lành đồn xa”, sau thời gian kiên trì với công việc đến nay, chị Như đã có một lượng khách hàng ổn định, thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Ngoài ra, chị Như còn tạo việc làm cho nhiều lao động cùng có thêm thu nhập. “Do bận rộn công việc gia đình nên tôi không có thời gian đi giao hàng. Do đó, mỗi khi có khách đặt hàng, tôi lên đơn rồi hẹn khách giao vào khung giờ nhất định. Sau đó, tôi liên kết với các bạn hành nghề xe ôm công nghệ để giao hàng. Mỗi đơn hàng tôi trả công cho họ từ 10.000 - 15.000 đồng. Trung bình mỗi ngày shiper cũng có thu nhập khoảng 200.000 đồng”.

tt...jpg
Nhiều phụ nữ ở Cà Mau có thêm thu nhập nhờ bán hàng qua mạng

“Tôi thường nhận đơn của chị Như vào 2 khung giờ là 11 giờ trưa và 5 giờ chiều. Trung bình mỗi ngày tôi nhận trên 10 đơn hàng. Đối với công việc shiper, từng đó đơn hàng là có được khoản thu nhập nhất định rồi. Có người tin tưởng thuê mình giao hàng trong thời buổi khó khăn như hiện nay là tôi rất mừng”, một shiper cho biết.

Không riêng gì chị Như, hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau có rất nhiều phụ nữ sử dụng nền tảng mạng xã hội để bán hàng và có khoản thu nhập ổn định. Nhiều người trở nên khá, giàu nhờ có lượng khách ổn định từ việc bán hàng này.

Bà Nguyễn Hồng Thắm, người chuyên kinh doanh các mặt hàng tôm, cá khô các loại ở TP.Cà Mau cho biết, giờ công nghệ phát triển mình chỉ cần ngồi nhà cũng có thể mua được những sản phẩm ưng ý mà giá cả còn rẻ hơn ở chợ. “Trước đây muốn mua bán món gì đều phải ra chợ, nhưng giờ công nghệ phát triển nên hầu như món gì cũng có bán trên “chợ mạng”. Thậm chí, con cá, mớ rau… cũng có bán, mình chỉ cần đặt hàng, cung cấp số điện thoại là có người giao tới tận nơi, rất tiện lợi”, bà Thắm nói.

Theo bà Thắm, hiện bà có kênh bán hàng trên nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Zalo, Facebook và sàn giao dịch điện tử. Nhờ có đội ngũ nhân viên nhiệt tình tư vấn, chăm sóc khách hàng nên lượng hàng bán ra rất nhiều và luôn được khách hàng ưa chuộng, tin dùng sản phẩm.

Bài liên quan
Cà Mau: Mô hình tôm-rừng đạt chuẩn ASC nhóm
Sáng 21.11, tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị "Tổng kết thực hiện nuôi tôm - rừng", đồng thời làm lễ công bố chứng nhận đạt chuẩn ASC nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng thu nhập từ bán hàng qua mạng