Quý 1/2016, tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh năm 2010 tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước; có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,9% của năm 2011, chỉ cao hơn cùng kỳ các năm 2012, 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2015.
Theo thông báo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) trong buổi họp báo ngày 25.3, GDP quý 1/2016 ước tính tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng cùng kỳ của các năm 2012, 2013 và 2014.
Tuy nhiên, con số trên lại đem đến nhiều lo ngại khi mức tăng này lại thấp hơn mức tăng của năm 2015. Từ đó, Tổng cục Thống kê nhận định rằng những con số trên cho thấy nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Cụ thể, quý 1/2016, tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh 2010 tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước; có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,9% của năm 2011; chỉ cao hơn cùng kỳ các năm 2012, 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2015.
Xét về góc độ sử dụng GDP quý 1/2016, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,87% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 5,39 điểm phần trăm; tích lũy tài sản tăng 8,3%, đóng góp 1,56 điểm phần trăm; chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ làm giảm 1,49 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm chỉ đạt 98,77% so cùng kỳ năm trước, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Trong đó, tuy ngành lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng tương ứng 6,24% và 2,12% nhưng cũng không đủ lực để kéo toàn bộ ngành khỏi mức âm bởi tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm mạnh (-2,69%)
Khu vực công nghiệp và xây dựng, giá trị tăng thêm tăng 6,72% so cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn cùng kỳ 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2015, nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 8,74% cùng kỳ năm 2015.
Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, nhiều ngành có sản lượng suy giảm đáng kể như: Thuốc lá điếu (-5,3%), vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo (-6,3%), điện thoại di động (-17,6%)…
Ngành xây dựng 3 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 9,94% cao nhất kể từ năm 2010 trở lại; trong đó khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng cao nhất với tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt trên 23%.
Đồng thời, khu vực dịch vụ, giá trị tăng thêm tăng 6,13% so cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ quý 1/2012 tới nay.
Cùng với những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu cũng khá trầm lắng với xu hướng xuất siêu trở lại, trị giá nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh (-4,8%) so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế tuy vẫn tăng, nhưng đã có dấu hiệu chững lại. Các cân đối của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được duy trì ở mức thấp nhưng lạm phát cũng có dấu hiệu trở lại. Do đó, mục tiêu GDP tăng 6,67%, lạm phát dưới 5%, nhập siêu dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu đang rất khó khăn.
Ông Lâm cho biết kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2016 theo dự báo vẫn đầy khó khăn với diễn biến kinh tế phức tạp, tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm sút, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế và giá dầu biến động khó lường gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
“Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi và những dấu hiệu khởi sắc về kinh tế của năm 2015 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế Việt Nam cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng bất lợi” – ông Lâm nói.
Ngoài ra, ông Lâm cũng cho hay tình hình thời tiết phức tạp như giá rét ở miền Bắc, hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và sạt lở trên diện rộng, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tác động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt ngành nông nghiệp, công nghiệp và xuất, nhập khẩu những tháng đầu năm 2016.
Trí Lâm