Sau vụ việc doanh nghiệp xăng dầu lãi hàng nghìn tỉ đồng khiến dư luận bất bình, Bộ Công thương - Tài chính đã có những "phản pháo" qua lại về trách nhiệm của nhau.
Trước phát ngôn của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho rằng Bộ Công thương chính là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì quyết định thuế nhập khẩu mới để tính giá cơ sở điều hành xăng dầu, chiều 23.3, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đáp trả về thông tin này.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính do Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) Võ Văn Quyền ký, Bộ Công thương khẳng định Bộ Tài chính mới là cơ quan chịu chủ trì quyết định mức thuế nhập khẩu mới để tính giá cơ sở điều hành xăng dầu.
Bộ Công thương khẳng định: "Phát biểu của ông Phạm Đình Thi là chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của 2 Bộ và quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu và điều hành giá xăng dầu".
Bộ Công Thương cũng đã trích Điều 36 và Điều 40 (điểm b, Khoản 2) của Nghị định 83 về điều hành kinh doanh xăng dầu trong nước rằng: "...Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ổn định với từng chủng loại xăng dầu" và: "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở với các mặt hàng xăng dầu".
Về trách nhiệm của mình, Bộ Công thương chỉ rõ điểm đ, Khoản 1, Điều 40 của Nghị định 43, Bộ này là đơn vị chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán các mặt hàng xăng dầu. Bộ này khẳng định trong văn bản rằng: “Bộ Công thương đã tuân thủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ và quy định của Nghị định số 83/NĐ-CP”.
Lỗ hỏng chính sách thuế đang khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “đút túi” khoảng 3.500 tỉ đồng. Trong lúc hai Bộ chủ quản, điều hành giá và thuế mặt hàng này đang tranh cãi nhau về trách nhiệm quản lý, thì các chuyên gia cho rằng, thiệt thòi sau cùng vẫn là người tiêu dùng.
Tuyết Nhung