Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Singapore và Nhật Bản (từ ngày 1 - 7.12) đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả thực chất, toàn diện trên các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân, tạo ra xung lực mới cho đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.
Sự kiện

Tạo xung lực mới cho đà phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Singapore và Nhật Bản

TTXVN 08/12/2024 18:56

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới Singapore và Nhật Bản (từ ngày 1 - 7.12) đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả thực chất, toàn diện trên các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân, tạo ra xung lực mới cho đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - Singapore, Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.

Thúc đẩy hợp tác thực chất giữa Quốc hội hai nước Việt Nam - Singapore

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Singapore Seah Kian Peng - Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2024) và hơn 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (2013 - 2024), quan hệ Việt Nam - Singapore không ngừng phát triển, đạt nhiều dấu mốc quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tin cậy chính trị được củng cố và hợp tác kinh tế - thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Singapore duy trì vị trí nhà đầu tư lớn thứ hai ở Việt Nam với hơn 3.800 dự án, tổng vốn đầu tư lũy kế hơn 81 tỉ USD; mạng lưới 18 khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại 13 tỉnh, thành Việt Nam là biểu tượng hợp tác kinh tế thành công giữa hai nước.

Với nền tảng vững chắc đó, tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và lãnh đạo cấp cao của Singapore đều khẳng định quyết tâm thúc đẩy hơn nữa trụ cột hợp tác quan trọng này, thông qua tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm xử lý những vấn đề mới trong phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy đầu tư trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi nước, tạo đột phá trong các lĩnh vực tăng trưởng mới như logistics xanh, xây dựng trung tâm dữ liệu, sản xuất chip bán dẫn, năng lượng sạch, tín chỉ carbon, an ninh lương thực, tài chính xanh…

Để thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Seah Kian Peng nhất trí cần tiếp tục triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác giữa quốc hội hai nước, góp phần đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore ngày càng phát triển và sớm nâng lên một tầm cao mới; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của mỗi nước về hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật…

Nêu rõ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Singapore rất đúng thời điểm ngay trước khi Việt Nam chuẩn bị cho những cải cách mạnh mẽ thời gian tới, phó giáo sư Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng đây là kênh thiết thực để hai bên trao đổi kinh nghiệm xây dựng hệ thống luật pháp và chính sách theo hướng khoa học hơn, ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu. Theo phó giáo sư Vũ Minh Khương, cuộc cải cách tinh gọn bộ máy của Việt Nam trong thời gian tới phải bắt đầu từ vấn đề luật pháp. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham khảo được nhiều kinh nghiệm luật pháp để làm nền tảng xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú, giúp xây dựng, thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực, kể cả cán bộ cấp cao đến các thế hệ trẻ, để họ trở thành những thế hệ tinh hoa đi đầu trong sự đổi thay của thời đại.

Đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm, phó giáo sư Eugene Tan, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Quản lý Singapore khẳng định chuyến thăm thể hiện mối quan hệ gần gũi giữa Việt Nam và Singapore đồng thời giúp cơ quan lập pháp hai nước tăng cường hiểu biết về hệ thống pháp luật của mỗi bên, từ đó tìm ra những cơ hội hợp tác mới.

Thông điệp quan trọng được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiều lần khẳng định trong các cuộc gặp gỡ lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Singapore đó là: Việt Nam sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Trong công tác lập pháp, Quốc hội đã có nhiều đổi mới nhằm hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cho biết, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Singapore đều rất phấn khởi và mong muốn Việt Nam sớm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Quốc hội với tư cách là cơ quan lập pháp sẽ giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn này.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn không chỉ góp phần đưa hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp trở thành kênh quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore mà còn khẳng định quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao trong việc đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Khẳng định sự coi trọng của Việt Nam với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Nhật Bản

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu trao đổi văn kiện hợp tác - Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Hơn nửa thế kỷ qua, quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất trên mọi lĩnh vực. Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam một lần nữa khẳng định sự coi trọng của Việt Nam với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới với Nhật Bản.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, Thủ tướng Ishiba Shigeru; hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Sekiguchi Masakazu, Chủ tịch Hạ viện Nukaga Fukushiro.

Trong không khí cởi mở, thân tình, hai bên bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục đạt những kết quả nổi bật, thực chất trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, kết nối địa phương giữa hai nước.

Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường trao đổi, tiếp xúc giữa các nghị sĩ, nhất là nghị sĩ trẻ và nữ nghị sĩ của hai nước; phát huy hơn nữa vai trò cầu nối quan trọng của Liên minh Nghị sĩ hữu nghị trong việc thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác doanh nghiệp và hợp tác giữa các địa phương; tiếp tục thúc đẩy trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các ủy ban chuyên môn; phối hợp hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác, đầu tư tại mỗi nước.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Thượng viện Sekiguchi Masakazu đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản. Đây là tiền đề rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp lên tầm cao mới trong những năm tới.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu nêu rõ, tất cả các cuộc gặp gỡ, các nội dung đều hết sức thiết thực và hiệu quả; nhiều cuộc gặp kéo dài thời gian. Tất cả các lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản đều coi trọng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, đây là lần đầu tiên Thượng viện Nhật Bản ký thỏa thuận hợp tác với cơ quan lập pháp nước ngoài. Nội dung thỏa thuận đã xác định sự hợp tác, trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan chuyên môn của Quốc hội hai nước. Đại sứ nhấn mạnh việc hợp tác, trao đổi thường xuyên giữa hai nước và đặc biệt trong lĩnh vực lập pháp sẽ giúp Việt Nam thực hiện một trong ba đột phá chiến lược, đó là xây dựng thể chế, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là trong thời kỳ Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Sự đồng hành của quốc tế, đặc biệt là sự hỗ trợ, hợp tác của Nhật Bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho rằng việc ký thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Nhật Bản sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Nukaga Fukushiro chụp ảnh chung - Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nhật Bản hiện là nước cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ hai, nhà đầu tư lớn thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Nhật Bản tiếp tục triển khai hiệu quả vốn ODA thế hệ mới có tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam, đồng thời khẳng định Quốc hội Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam.

Hạ nghị sỹ Nhật Bản Soramoto Seiki đánh giá, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Trong tương lai gần, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển nhanh và mạnh. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn rất đúng thời điểm, kịp thời đón đầu làn sóng này và đóng góp to lớn cho việc thực hiện nhiều mục tiêu chung của hai nước.

Có thể khẳng định, kết quả chuyến thăm chính thức Singapore và Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trên kênh nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Singapore, Nghị viện Nhật Bản đi vào thực chất và bền vững, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore, cụ thể hóa nội hàm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam với Singapore, Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực.

Bài liên quan
Cần Thơ: Lãnh đạo Quốc hội thăm và tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Ngày 12.1, tại TP.Cần Thơ, ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo xung lực mới cho đà phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Singapore và Nhật Bản