Vào năm 2021, người muốn đi từ Amsterdam (Hà Lan) đến Paris (Pháp) có thể sẽ chỉ mất 90 phút ngồi trên tàu siêu tốc Hyperloop “lao đi như tên bắn” ở tốc độ 1.200 km/giờ.

Tàu siêu tốc Hyperloop ‘lao như tên bắn’ sẽ hoạt động từ năm 2021

11/04/2020, 15:36

Vào năm 2021, người muốn đi từ Amsterdam (Hà Lan) đến Paris (Pháp) có thể sẽ chỉ mất 90 phút ngồi trên tàu siêu tốc Hyperloop “lao đi như tên bắn” ở tốc độ 1.200 km/giờ.

Mô hình tàu siêu tốc Hyperloop - Ảnh: Hardt Hyperloop

Đó là kết luận trong nghiên cứu của công ty công nghệ khởi nghiệp Hardt Hyperloop (ở Hà Lan). Theo đó, sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian so với hành trình hiện nay khiến hành khách mất 1 giờ ngồi máy bay hoặc 3 tiếng rưỡi ngồi xe lửa.

Hardt Hyperloop còn cho biết đang soạn các kế hoạch để kết nối Amsterdam với các thành phố khác của châu Âu, như Paris (Pháp), Brussels (Bỉ), Dusseldorf hay Frankfurt (Đức) với thời gian di chuyển được kéo xuống từ “hàng giờ đến từng phút’’.

Ý tưởng công nghệ Hyperloop là bên trong đường ống áp suất thấp, một khoang dài 30 mét chở người hoặc hàng hóa có thể phóng đi ở tốc độ cao nhờ đệm không khí xuất phát từ các máy nén giúp giảm ma sát và lực cản đến mức tối đa. Tàu siêu tốc này cũng được đẩy đi nhờ cảm ứng điện từ.

Hyperloop được cho nhanh hơn xe lửa, an toàn hơn xe hơi và không phá hoại môi trường cho bằng máy bay. Nó giúp con người di chuyển với tốc độ cực nhanh hơn 1.200 km/giờ, không bao giờ gặp tai nạn, giảm đáng kể chi phí năng lượng và hoạt động 24/24 bất chấp điều kiện thời tiết.

Công nghệ này có thể đẩy khoang tàu đi nhanh hơn nhiều phương pháp hiện dùng, chẳng hạn như tàu Maglev vốn dùng công nghệ bay lên để nâng khoang tàu trên đường ray, loại bỏ lực cản bề mặt.

Hardt Hyperloop tuyên bố công nghệ Hyperloop chính là phương thức vận chuyển tốc độ cao của tương lai, “nói thẳng là các biên giới sẽ hoàn toàn nhòe hẳn trong mắt hành khách”.

Bên trong khoang hành khách Hyperloop - Ảnh: Hardt Hyperloop

Nhưng theo báo Guardian, còn phải chờ xem dịch COVID-19 sẽ tác động thế nào đến kế hoạch di chuyển xuyên quốc gia này vào lúc các biên giới đều đóng cửa, và các chuyên gia đều báo trước sẽ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế.

Từ sau khi tỷ phú Elon Musk (chủ các công ty Tesla và Space Exploration Technologies Corp-SpaceX) giới thiệu năm 2013, công nghệ Hyperloop thu hút sự chú ý, nhiều doanh nghiệp bước vào cuộc đua xây dựng hệ thống giao thông tốc độ cao.

Công ty Hardt Hyperloop được lập sau khi thắng một giải quốc tế về công nghệ Hyperloop do tỷ phú Musk tổ chức năm 2017. Công ty đang liên kết với các công ty khác, như Tata Steel, cho dự án của họ. Một cơ sở thử nghiệm tàu siêu tốc đã được xây ở tỉnh Groningen (Hà Lan) với đường ray dài 3km. Một hầm thử nghiệm tốc độ thấp dài 30 mét cũng được xây ở Delft (Hà Lan).

Hardt Hyperloop cũng đang nghiên cứu khoang chở hành khách có thể đổi tuyến đường bằng cách đổi làn thay vì giảm tốc độ.

Mẫu trạm tàu siêu tốc Hyperloop - Ảnh: Hardt Hyperloop

Dư luận đã đặt dấu hỏi về tính thực tiễn của công nghệ Hyperpool và cho rằng tốt nhất nên có những chỉnh sửa cho các phương tiện vận chuyển hiện hành (xe hơi, xe lửa, máy bay, tàu thuyền) thay vì đổ tiền vào loại phương tiện di chuyển này.

Úc là quốc gia mới nhất bác dùng công nghệ Hyperloop, vẫn sử dụng loại tàu cao tốc đáng tin cậy và đã qua quá trình thử nghiệm.

Nhưng ông Jeroen Olthof, một quan chức tỉnh Bắc Hà Lan, nói ông có ấn tượng tốt về khả năng tạo ra sự kết nối 5 thành phố châu Âu để người dân có thể di chuyển trong vòng 1 giờ đồng hồ để đi làm: “Đó là lý do chúng tôi tư vấn với chính quyền và các bên khác để tiếp tục cuộc nghiên cứu này”.

Các tính toán kinh tế gợi ý thời gian tiết kiệm được sẽ tạo thêm 121% cho mức tăng trưởng GDP của tỉnh, tức khoảng 275 tỉ euro. Dự án tàu siêu tốc Hyperloop không chỉ sử dụng được nguồn nhân công lớn của Amsterdam mà còn kéo giảm số chuyến bay tuyến ngắn cất cánh từ sân bay Schiphol, từ khoảng 20.000 đến 24.000 lượt cất-hạ cánh kể từ năm 2040.

Mỹ Trinh (theo Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu siêu tốc Hyperloop ‘lao như tên bắn’ sẽ hoạt động từ năm 2021