Đại hạn lịch sử đang hoành hành ở Tây Nguyên khiến mọi thứ khô cháy. Đến nỗi ở xã H’Bông (huyện Chư Sê, Gia Lai) nhiều người chỉ còn mỗi cách đi nhặt phân bò kiếm tiền để mua thức ăn và nước uống.
Chỉ còn cách đi nhặt phân bò
Ông Đoàn Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã H’Bông cho biết: “Toàn xã có 1.828 hộ/8.216 nhân khẩu,trong đó đồng bào dân tộc (chủ yếu người J’rai) chiếm 65%. Hộ nghèo và cận nghèo chiếm 58%. Chưa năm nào hạn khốc liệt như năm nay, hiện có 1.027 hộ thiếu nước sạch và cũng là từng đó hộ đói ăn”.
Ông Tùng nói thêm, trước đây dân cư của xã chủ yếu tập trung ở xung quanh lòng hồ Ayun Hạ. Sau khi tỉnh có chủ trương làm hồ thủy lợi, người dân di chuyển lên đây sinh sống. Vùng này chủ yếu là đất đávôi, không có sông suối và công trình thủy lợi nên phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời; rất lớn các diện tích cây công nghiệp, hoa màu của người dân bị mất mùa. Đã có 141ha/162 ha tiêu bị nắng hạn thiếu nước. Lúa một vụ gần như mất trắng 70%, 30% còn lại bị giảm năng suất, hộ nhiều nhất được 12 bao, còn lại được1-2 bao.
Hạn dữ dội khiến đời sống người dân ở đây, nhất là người J’rai rơi vào khó khăn. Trong ngôi nhà tôn bé xíu nóng hầm hập, chị Ksor Huynh (SN 1997, thôn Kte 1, xã H’Bông) đang lúy húy ăn cơm rau rừng cùng chồng và 2 đứa con nhỏ. Cả thảo nguyên nắng cháy, cỏ cây đều vàng hươm màu đất đỏ mà chỉ cần 1 tàn lửa cũng đủ bùng lên nhưng 4 con người vẫn phải chui trong căn nhà tôn thấp lè tè. Trời đánh sóng nắng, nhìn vào ngôi nhà tôn càng nổ đom đóm.
Chị Huynh kể: “Nhà không có rẫy, 2 vợ chồng đi làm thuê kiếm sống. Mùa thu hoạch mì hay hồ tiêu, hai vợ chồng đi làm thuê được trả công 120 ngàn/ngày/người. Bữa nay hạn, cây gì cũng chết, không còn nghề nào làm thuê nữa”.Vậy là hằng ngày chồng ở nhà trông con, Huynh đi nhặt phân bò về bán cho người Kinh thu mua. “Một bì bán được 40 ngàn, ngày nào nhiều thì lượm được 2-3 bì”, Huynh kể.
Không riêng gì Huynh, khắp thôn Kte 1 này nhiều người đều phải đi nhặt phân bò để kiếm tiền. Ông Siu Loan, trưởng thôn Kte 1 cho biết: “Toàn thôn có 143 hộ thì có 101 hộ nghèo, 29 hộ cận nghèo. Nắng quá không còn cách gì làm. Người còn rẫy thì tự lo cứu rẫy, người đã mất mùa thì vứt đó chờ trời mưa. Không ai thuê làm gì nên người dân không có kế mưu sinh phải đi nhặt phân thôi”.
Ông Rahlan Ty, Phó chủ tịch UBND xã H’Bông nói thêm: “Người ta đi lượm nhiều lắm, không chỉ làng Kte 1 mà phần lớn các làng ở gần trung tâm xã, người già, trẻ nhỏ thuộc hộ nghèo người ta đều đi”.
Ở thôn D’Lâm, một đoàn phụ nữ đang đi mót hồ tiêu về trong trưa nắng. Sau lưng mỗi người, chiếc gùi chỉ được vài bốc tiêu hạt lẫn dây lá. Cõng theo đứa con mới 3 tháng tuổi đi kiếm ăn trong nắng dữ, chị Siu Vinh (SN 1984) kể: “Nhà mình có 3 đám rẫy trồng lúa, đậu, mì. Hạn làm mất trắng. Từ đầu năm đến nay chẳng có gì nhiều để ăn”.
Căn nhà của vợ chồng Vinh cũng nhỏ, dựng bằng tôn nóng hầm hập giữa cái làng khô khốc này. Truyền thống của người J’rai là chồng theo vợ. Sau khi lấy nhau, mẹ Vinh cho hai vợ chồng dựng cái chòi ở bên cạnh ở. Đẻ đến nay được 4 đứa con, đứa đầu học lớp 6 đã cùng mẹ đi mót tiêu kiếm sống, còn đứa út 3 tháng tuổi cũng được mẹ địu đi lên nương xuống rẫy.
Vinh kể: “Hôm trước đi nhặt phân bò bán cho nhà cạnh bên đó, cả làng này ai cũng đi nhưng nhiều quá cũng hết dần. Vậy là mình với mấy người trong làng đi mót tiêu, mới đi hôm nay thôi. Những rẫy tiêu khô cháy người ta cho vào mót. 1kg tiêu bán được 50 đến 70 ngàn, có để mua nước uống, mua gạo, mua bột ngọt…”.
Ở quanh cái làng này, phần lớn là người nghèo, nhà Vinh cũng nằm trong số đó. Tôi hỏi: “Nhà hết gạo chưa?”. “Vừa rồi nhà nước có phát, mỗi người được 15kg”. “Đến bữa ăn cơm với gì?”. “Rau mì, rau dền”. “Nước uống sao?”. “Mua, một bình 10 ngàn đó”.
Dưới cái cây lớn nhất làng, bóng râm đã tan nát vì lá khô khốc, những người khốn khổ ngồi quây quần tán dóc, nhìn lũ con nít nghịch dại trong nắng chứ không dám vào nhà vì quá nóng.
Cứu đói 3 lần, cứu nước dồn dập
Gia Lai hiện là tỉnh hạn hán dữ dội nhất Tây Nguyên. Huyện Chư Sê và Krông Pa là một trong những huyện hạn hán nhất Gia Lai. H’Bông đang là tâm điểm nắng hạn của Chư Sê.
Ông Đoàn Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã H’Bông cho biết: “Trong năm 2015, trên địa bàn chỉ có 4 cơn mưa, bằng 18% lượng mưa những năm trước. Từ đầu năm 2016 đến nay chưa có cơn mưa nào. Mùa màng bị mất hết. Nước ngầm ở đây bị tụt mạnh, có những giếng khoan sâu 150m mà nay không có nước. Nếu có cũng không ai dám uống vì địa hình toàn đá vôi”.
Theo ông Tùng, để lo nước sinh hoạt, xã đã cấp cho người dân 3.438 can nhựa loại 20 lít để trữ nước. Các ngành chức năng cũng đã huy động 11 bồn loại 2.000 lít. Xã đã xin cấp trên được 1 bồn 19.000 lít; trưng dụng 4 bồn loại 4.000 lít của các dự án giếng nước cũ; 12 bồn loại 1.000 lít cấp từ năm trước để rải ra các thôn thực hiện cấp nước cho người dân.
Hằng ngày, các xe chở nước sạch sẽ được điều động từ thị trấn Chư Sê chở về đổ vào các bồn này. “Hiện tại, nguồn nước uống của dân cơ bản đảm bảo”, ông Tùng nói.
Vị này cũng cho hay, tình trạng thiếu lương thực của người dân đang là nỗi lo của địa phương. Do mất mùa và không có nước sản xuất, hiện tại chưa có kế hoạch triển khai gieo giống sản xuất cho vụ mới. Cả vùng đang ngồi chờ mưa xuống.
“Từ đầu năm đến nay đã thực hiện 3 đợt cứu đói cho người dân trên địa bàn xã. Một đợt vào giáp Tết, một đợt giáp hạt và đợt hạn hán này. Ngày 11.4, xã đã nhận 7 tấn gạo cấp từ Phòng LĐ-TB-XH huyện để phát cho người dân đợt 1, tính trung bình ra mỗi khẩu nhận được 15kg”, Chủ tịch xã H’Bông cho biết.
Ông Tùng cũng nhận định rằng, với tình trạng trời nắng gắt kéo dài như thế này mà không có mưa thì thiệt hại về sản xuất cũng như thiếu nước sinh hoạt và gạo ăn của người dân sẽ còn tăng lên nữa. Về biện pháp lâu dài, ông cho rằng cần phải sớm xây dựng hệ thống cấp nước sạch đưa về xã để người dân có nước uống. Còn bây giờ, mọi thứ vẫn phải chờ trời.
Lê Đình Dũng