Ngày Tết với trẻ con là cảm giác hồi hộp để được mặc quần áo mới, được lì xì tiền, được ăn ngon... Thế nhưng đó chỉ là trong suy nghĩ của trẻ con thời xưa, còn bây giờ trẻ con dường như “lớn quá nhanh” để rồi tuổi thơ chúng vụt trôi theo sự “già cỗi” của tâm hồn.
Cách đây khoảng mười năm về trước, cái thời con nít còn dám “cởi truồng tắm mưa” thì cái không khí Tết mới lộ rõ mồn một. Ngày xưa tuy nghèo nhưng không khí tết tràn ngập khắp nơi, từ nhà cửa, bếp núc đến cành cây ngọn cỏ. Ngày thường, nhìn khung cảnh xuề xòa, đến Tết lại được thu dọn gọn gàng, sạch đẹp nên không khí xuân tràn ngập hẳn trong ngôi nhà mình.
|
Hoa thọ vàng ngày Tết trong kí ức trẻ thơ xưa... |
Còn thời nay, con nít sống trong thời “có điều kiện” nên những điều ấy chắc hẳn quanh năm suốt tháng đều đã trải qua.
Tết là cái cảm giác se lạnh của những giọt sương đêm còn đọng trên cành mai trước nhà khiến trẻ con thời xưa nôn nao ngồi trước hiện nhà và bấm ngón tay chờ đợi ngày ngắn lại để Tết gần hơn. Nhìn thấy mai vàng khoe dáng, hương hoa thọ quyện hương nhang làm ruột gan lũ nhóc càng thêm nôn nao.
Thời nay, cũng hoa thọ vàng, cũng nhang thơm, nhưng con nít - đặc biệt là sống thành thị có phần quen thuộc với những điều ở thường ngày.
Tết của trẻ con thời xưa là quần áo mới đã được mẹ mua sẳn, giặt sẳn cất trong tủ chờ sáng Mùng một mới “khai trương”, dĩ nhiên trước đó chúng chỉ được nhìn ngắm và thèm thuồng. Thỉnh thoảng, nhìn nó nằm trong tủ một cách buồn tẻ, chúng lại len lén lúc không ai mang ra mặc thử. Cái cảm giác ấy có lẽ sung sướng lắm khi đứng trước gương làm duyên, làm dáng. Một chút lại vội vàng thay ra xếp ngay ngắn trở lại và chờ ngày nó hoàn toàn thuộc về mình.
Trẻ con thời nay, quanh năm suốt tháng được mặc đồ đẹp, thích gì cũng có nên cảm giác nôn nao được mặc áo mới chắc hẳn là xa lạ với chúng.
|
Mặc áo mới ngày Tết là điều khiến trẻ con thời xưa luôn háo hức chờ đợi... |
Tết của trẻ con thời xưa là sau bao ngày sống trong cảnh khổ cực, chúng sẽ được ngon ăn, sẽ được dịp thưởng thức những món ăn cầu kì, kiểu cách mà một năm dài không dám mơ tới.
Trẻ con thời nay, ngày nào cũng được ăn những món ăn “dinh dưỡng”, lúc lại được vào nhà hàng, khi lại được tiệc tùng nọ kia... rồi ngày Tết đến, chúng đâm ra ngán ngẫm. Thế nên, nếu nói chúng hạnh phúc, sung sướng hơn trẻ con thời xưa là điều chắc chắn nhưng để có một cái Tết đúng nghĩa, có lẽ chúng sẽ "thiệt thòi" hơn trẻ con thời xưa rất nhiều.
|
Trẻ con thời nay "đủ ăn, đủ mặc" nên ngày Tết cũng như ngày thường... |
Tết của trẻ con thời xưa là được ngồi quây quần xem bố mẹ làm bánh chưng, bánh mứt... Chúng sẽ được dịp ôn lại cách thức làm món bánh truyền thống này và cảm thấy ấm áp, rạo rực bên bếp lửa hồng đun nồi bánh chưng.
Thời nay, nhiều gia đình không còn giữ truyền thống làm bánh chưng, bánh mứt ngày Tết mà hầu như mua ở ngoài chợ nên cái cảnh ngồi quân quần để "gói bánh" dường như xa lạ với chúng.
|
Trẻ con thời xưa được ngồi xem người lớn gói bánh chưng ngày Tết... |
Tết của trẻ con thời nay là tiền lì xì với những đồng bạc lẻ nhưng lại thấy vui rộn ràng. Thời ấy, lì xì Tết để lấy lộc đầu năm chứ không phải để thu hoạch tiền hay “kinh doanh” theo kiểu “có qua có lại” như bây giờ.
Thời nay, trẻ con dường như quen với việc được người lớn lì xì với số tiền “khủng”, thế nên nếu ai đó lì xì ít hơn, chúng sẽ tỏ ra không vui...
|
Trẻ con thời xưa lì xì Tết để lấy hên... |
|
Trẻ con thời nay lì xì Tết là "nỗi lo của người lớn". |
Trẻ con thời xưa, mỗi lần đi chơi Tết chúng sẽ được bố mẹ dắt đi... Trẻ con thời nay ít nhiều tự đi chơi Tết.
Trẻ con thời xưa (khoảng 13 - 14 tuổi) đi chơi Tết một cách hồn nhiên, trong sáng. Trẻ con thời nay đi chơi thường có cặp có đôi và thường đến những nơi không dành cho thiếu nhi.
|
Trẻ con thời xưa chơi Tết hồn nhiên. |
|
Trẻ con thời nay "phấn son" xúng xính... |
Vẫn là bánh chưng, bánh tét, vẫn mai, đào, vẫn câu đối, câu liễng... nhưng không khí Tết ở mỗi thời sẽ mang đến cho trẻ con mỗi sự háo hức riêng. Nếu trẻ con thời xưa háo hức vì được mặc quần áo mới thì trẻ con thời nay sẽ háo hức được đi công viên, vườn hoa, được lì xì nhiều...
Oanh Thủy - Ảnh: TL