Lời giới thiệu: Cách nay 17 năm (năm 2008), TS Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện là Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam, đã có bài phân tích, dự báo về những thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước khi nhân loại bước vào thế kỷ mới, thế kỷ 21. Bằng kiến thức, hiểu biết, tư duy của nhà khoa học nhiều năm làm quản lý nhà nước, TS Lạng đã
Góc bình luận

Thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước - Bài 1: Bối cảnh kinh tế thế giới và các vấn đề toàn cầu trong thập niên đầu thế kỷ 21

Nguyễn Văn Lạng 12/01/2025 08:34

Lời giới thiệu: Cách nay 17 năm (năm 2008), TS Nguyễn Văn Lạng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện là Chủ tịch Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam, đã có bài phân tích, dự báo về những thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước khi nhân loại bước vào thế kỷ mới, thế kỷ 21. Bằng kiến thức, hiểu biết, tư duy của nhà khoa học nhiều năm làm quản lý nhà nước, TS Lạng đã đưa ra những nhận định mới mẻ, mạnh bạo, và tới nay sau hơn hai thập niên đã thể hiện nhiều sự chính xác và đúng đắn, đặc biệt về lĩnh vực khoa học - công nghệ. Những số liệu, sự kiện, thời gian được nêu trong bài là từ thập niên đầu thế kỷ nhưng tới nay vẫn rất thời sự. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam, Tạp chí Một Thế Giới xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Từ nửa sau thế kỷ 20 cho tới nay, toàn nhân loại đã chứng kiến những biến động cực kỳ to lớn trên quy mô toàn cầu, những cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt về quân sự, những dịch chuyển chính trị và xã hội, những cạnh tranh không biên giới về kinh tế. Trên thực tế, xã hội loài người đang nằm trong sự biến chuyển lớn lao về chất sang một nền văn minh mới, một thời đại mới – đó là Thời đại trí tuệ, mà nguyên nhân và động lực chính là cuộc cách mạng khoa học - công nghệ (KH-CN) hiện đại. Các nhà tương lai học phương Tây, tiêu biểu nhất là Alvin Tofler, còn gọi đây là Làn sóng thứ ba.

Bước quá độ sang thiên niên kỷ mới đã đánh dấu sự kết thúc của thời đại lấy chạy đua vũ trang toàn cầu là chính, và mở màn một thời đại mới - thời đại chiến tranh kinh tế, lấy chạy đua và cạnh tranh kinh tế, xen lẫn hợp tác và phát triển làm mục tiêu sống còn của mỗi dân tộc.

Cuộc chiến tranh lạnh chiếm lĩnh trọn vẹn toàn bộ tư duy chính trị và kinh tế của nhân loại hơn 40 năm qua, giờ đây đang được thay thế bởi một cuộc chiến tranh mới, mà theo lời của Essembe - Cố vấn của cựu Tổng thống Pháp Georges Pompidou: "Nếu chiến tranh thế giới lần thứ 2 lại xảy ra một lần nữa, thì Đức sẽ mua lại những vựa lúa mì của Ucraine và Mỹ sẽ mua lại Trân Châu Cảng của Nhật Bản". Có một cuộc chiến tranh thế giới mới đang xảy ra, đó là cuộc chiến tranh kinh tế, với khẩu hiệu và phương châm “Hội nhập, hợp tác và cạnh tranh”.

Sự kết thúc của chiến tranh lạnh tuy không mở ra kỷ nguyên mới hòa bình và thịnh vượng như nhân loại tiến bộ mong đợi, do những xung đột sắc tộc, mâu thuẫn tôn giáo và các cuộc chiến tranh cục bộ ở nhiều khu vực vẫn diễn ra triền miên, nhưng đã tạo ra những điều kiện khiến cho xu thế hòa dịu, hòa hoãn trở nên chiếm ưu thế trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới; tạo những tiền đề cho đa cực hóa các mối quan hệ - một điều kiện quan trọng dẫn đến hình thành xu thế đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập khu vực và quốc tế trong quan hệ quốc tế hiện nay.

Trong thế kỷ 21, nền kinh tế thế giới sẽ phát triển đồng thời theo xu hướng toàn cầu hóa và đa dạng hóa. Điều này kéo theo những thay đổi trong so sánh lực lượng, tạo nên sự phát triển chung trong thế kỷ 21, là thế kỷ của đa cực hóa, của các mối quan hệ đa phương và hợp tác, trong đó tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tồn tại, cùng cạnh tranh và hợp tác.

Dựa trên các ngành công nghệ cao, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ hàng không - vũ trụ, công nghệ năng lượng mới…, nhân loại sẽ tạo ra những đột phá lớn, các làn sóng đổi mới vĩ đại. Trong giai đoạn hiện nay, KH-CN hiện đại đã được khẳng định là động lực phát triển và tăng trưởng kinh tế cực kỳ quan trọng của các nước có công nghiệp phát triển. Đồng thời, cuộc cách mạng KH-CN hiện đại cũng góp phần đáng kể chấm dứt mâu thuẫn Đông - Tây của thế giới lưỡng cực và khởi tạo nên các cục diện mới trên khắp mọi bình diện chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa, thông tin... toàn cầu.

Bên cạnh cục diện địa chính trị đa cực toàn cầu, đã xuất hiện lần lượt các cục diện mới trên quy mô quốc tế. Đó là: Cục diện địa - kinh tế, xuất hiện vào thập niên 1950-1960 (tính tới năm 2008, có 78.000 công ty xuyên quốc gia với 780.000 chi nhánh nước ngoài đang hoạt động trên thế giới, với doanh số từ 6.000 tỉ USD năm 1990 lên tới 25.000 tỉ USD và tổng tài sản 52.000 tỉ USD năm 2006; Cục diện địa - tài chính toàn cầu với 3 đồng tiền thanh toán quốc tế chính là USD, euro, yen và vài chục đồng tiền thanh toán quốc tế của một số nước khác, sau khi hệ thống tiền tệ Bretton-Wood sụp đổ năm 1985; Cục diện địa - thông tin, xuất hiện vào những năm 1990, với biểu trưng là mạng internet đang ngày một nâng cấp và mở rộng mạnh mẽ; Cục diện địa - văn hóa toàn cầu, khởi đầu bởi sự kiện ngày 11.9.2001 tại Mỹ làm chấn động toàn thế giới, với 3 khối văn hóa dị biệt lớn là Anglo Saxon (các nước ăn bằng dao, dĩa), Hồi giáo (các nước ăn bốc bằng tay) và Hán hóa (các nước ăn bằng đũa tre, gỗ) trên quy mô toàn cầu.

Trong thập niên đầu của thiên niên kỷ mới, sự tương tác và xâm nhập lẫn nhau của các cục diện đó trong mọi phương diện đời sống của xã hội loài người đang diễn ra một cách đồng thời, thường xuyên, liên tục và xâm nhập lẫn nhau trên quy mô toàn cầu và khu vực, đã làm thăng trầm và đảo lộn các đường lối, chiến lược đối ngoại của nhiều quốc gia trên khắp mọi châu lục.

Trên quy mô toàn cầu và khu vực, khi sự thay đổi và phát triển trong quá trình toàn cầu hóa diễn ra với tốc độ cao, thì tình trạng ít biến động và sự ổn định tương đối tại mọi nơi và mọi nước trên thế giới sẽ có khả năng và nguy cơ chuyển hóa thành tình thế liên tục bị xáo trộn, với tính cách là hậu quả của sự tăng trưởng, cũng như là sự đối phó với quá trình tăng trưởng.

Vấn đề đặt ra là, với tính cách đặc trưng của thời đại, thì quá trình tăng trưởng và phát triển với tốc độ đang ngày càng nhanh hiện nay, khi nào sẽ đạt tới mức giới hạn của nó và khi nào sẽ vượt quá khả năng giám sát, điều tiết và quản lý của các nhà lãnh đạo các quốc gia, tổ chức và định chế quốc tế. Chắc chắn rằng đây sẽ là điều đặc biệt khó khăn đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào đang phải đối mặt với những vấn đề quốc tế, hay những vấn đề có tính toàn cầu, vì điều này đòi hỏi phải có những nỗ lực phối hợp, hợp tác của nhiều nước thuộc các nền văn hóa khác hẳn nhau.

Sự tiến bộ phi thường của lịch sử, dựa trên những đột phá chưa từng có từ trước tới nay của khoa học và công nghệ, cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới và nhiều thách thức to lớn về tổ chức quản lý kinh tế - xã hội đối với các nhà lãnh đạo mọi quốc gia, tổ chức, định chế quốc tế lớn trên thế giới. Đó là các vấn đề như: bùng nổ dân số, khí hậu nóng lên trên quy mô toàn cầu, khả năng sử dụng cạn kiệt các nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt các nguồn nước, nạn phá rừng, sự phá hủy đa dạng sinh học, hủy diệt các loài và sinh cảnh; nạn đói, tình trạng phân hóa giàu nghèo, thảm họa thiên nhiên, các luồng di dân, tỵ nạn, các đại dịch AIDS và gần đây nhất là dịch cúm H5N1 và H1N1, cùng nạn đói nghèo, ma túy, buôn người qua biên giới, cũng như các vấn đề tranh chấp biên giới trên biển và đất liền để khai thác tài nguyên cho phát triển, v.v..

Khái quát lại, trên thực tế, các nhà lãnh đạo của bất kỳ quốc gia nào cũng đều đang phải đối mặt và phải tìm kiếm giải giải pháp cho 5 vấn đề lớn có tính toàn cầu hiện nay. Đó là các vấn đề: An ninh tài chính; An ninh lương thực; An ninh năng lượng; An ninh môi trường; An ninh chính trị, xã hội. (còn tiếp)

TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin KH-CN Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ

Bài liên quan
Thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước - Bài 4: Mau chóng trở thành cường quốc về nhân lực công nghệ thông tin
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam là vấn đề nan giải, khi chúng ta vẫn chưa theo kịp trình độ của những nước tiên tiến, kể cả trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển kỹ sư là cử nhân đại học, cao đẳng, hoặc học viên trường nghề về CNTT đã phải đào tạo lại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước - Bài 4: Mau chóng trở thành cường quốc về nhân lực công nghệ thông tin
5 giờ trước Góc bình luận
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam là vấn đề nan giải, khi chúng ta vẫn chưa theo kịp trình độ của những nước tiên tiến, kể cả trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp sau khi tuyển kỹ sư là cử nhân đại học, cao đẳng, hoặc học viên trường nghề về CNTT đã phải đào tạo lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước - Bài 1: Bối cảnh kinh tế thế giới và các vấn đề toàn cầu trong thập niên đầu thế kỷ 21