Chỉ trong 1-2 năm nữa, Trung Quốc sẽ chính thức trở thành nền điện ảnh lớn nhất thế giới - danh hiệu Mỹ đã nắm giữ từ nhiều thập niên qua.

Tham vọng bá chủ của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc

Chí Thiện | 14/08/2019, 07:14

Chỉ trong 1-2 năm nữa, Trung Quốc sẽ chính thức trở thành nền điện ảnh lớn nhất thế giới - danh hiệu Mỹ đã nắm giữ từ nhiều thập niên qua.

Trung Quốc hiện có hơn 60.000 rạp chiếu phim - nhiều nhất thế giới và hầu hết được xây dựng trong 10 năm trở lại đây. Số lượng người đăng ký các dịch vụ phát trực tuyến (streaming) cũng nhiều hơn các quốc gia khác cộng lại. Và Netflix thậm chí chưa có mặt tại đây. Trung Quốc có khoảng 800 triệu người dùng Internet và 2% trong số đó truy cập bằng điện thoại di động - đồng nghĩa với một thị trường màu mỡ cho dịch vụ thanh toán di động. Hơn 90% vé xem phim được bán trực tuyến.

Các công ty lớn của Hollywood từ lâu đã thèm thuồng tiềm năng kinh tế của Trung Quốc với dân số 1,4 tỉ người. Miếng bánh này quá hấp dẫn để bị phớt lờ. Mặc dù vậy, những biến động gần đây về chính trị đã khiến cuộc chơi trở nên khó khăn và khó đoán hơn rất nhiều.

Cho đến nay, lĩnh vực giải trí đã tìm cách thoát khỏi cuộc xung đột thế nhưng đã có báo cáo về lệnh cấm không chính thức đối với phim ảnh Hollywood tại Trung Quốc, đặc biệt là trong không gian phát trực tuyến. Các cuộc thảo luận về chủ đề tự do hóa lĩnh vực giải trí đã dừng lại.

The Wandering Earth là phim Trung Quốc có doanh thu cao nhất mọi thời

Song song đó, tình trạng kiểm duyệt nội dung của chính phủ Trung Quốc đã gay gắt hơn khi đất nước này chuẩn bị kỷ niệm 70 năm quốc khánh. Sự can thiệp của Bộ Văn hóa đã khiến các bộ phim Trung Quốc đột ngột bị kéo ra khỏi các liên hoan phim quốc tế, và kìm hãm sự sáng tạo tại quê nhà bởi các nhà sản xuất không biết “lằn ranh” nằm ở đâu.

Bất kể những điều kể trên, Trung Quốc vẫn là một thị trường rất năng động và ngày càng tinh vi, mang lại những phần thưởng khổng lồ. Không một nhà đầu tư nghiêm túc nào có thể bỏ qua quốc gia này và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh chóng của nó - ước tính hiện có 400 triệu người. Ngay cả khi phải mạo hiểm, thì chỉ cần một lựa chọn đúng đắn cũng có thể biến thành hàng trăm triệu USD, hàng trăm việc làm và khiến các cổ đông hạnh phúc.

Bằng chứng rõ ràng nhất là trong lĩnh vực điện ảnh.

Nezha - câu chuyện về nhân vật thần thoại Na Tra - đang làm mưa làm gió tại phòng vé Trung Quốc

Tuy số lượng phim tự sản xuất có giảm nhưng trong 6 tháng qua, Trung Quốc đã chiếm được vị trí thứ 7 trong danh sách “10 phim có doanh thu cao nhất thế giới 2019” với The Wandering Earth (691 triệu USD tại phòng vé địa phương trong tổng số 699 triệu USD). Cuối tháng trước, Nezha chỉ mất 9 ngày để trở thành phim hoạt hình thành công nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc với doanh thu 510 triệu USD (và vẫn tiếp tục tăng). Các bom tấn Hollywood cũng đạt thành tích tốt như Avengers Avengers: Endgame (616 triệu USD) và The Lion King (117 triệu USD).

Theo một nghiên cứu gần đây của PricewaterhouseCoopers, Trung Quốc cuối cùng sẽ đạt được mục tiêu vượt qua Mỹ để chiếm lấy danh hiệu thị trường phim số 1 thế giới vào năm 2020.

Avengers: Endgame là phim Hollywood thành công nhất tại thị trường Trung Quốc trong năm 2019 (tính đến hiện tại)

Mối quan hệ giữa các ông lớn tại Mỹ và Trung Quốc thay đổi khá nhiều trong 2 năm qua. Đã qua rồi cái thời các tập đoàn của Trung Quốc mua lại những studio Hollywood với giá cắt cổ và hời hợt chọn những dự án bom tấn nhưng sau đó thất bại nặng nề như The Great Wall. Trung Quốc ngày nay đã biết cách điều khiển cuộc chơi theo hướng có lợi cho mình và hành xử theo cách riêng. Mục đích là tạo ra các bộ phim thu được lợi nhuận tối đa từ thị trường nội địa nhưng vẫn có thể gây được tiếng vang trên trường quốc tế.

“Chúng tôi không còn tôn thờ hay sao chép phương Tây nữa bởi chúng tôi đã thấy rằng các chiến lược sản xuất hoặc phát triển nội dung của phương Tây không bảo đảm cho thành công. Trung Quốc bây giờ cần phải tự mình đứng lên”, John Qu - chủ tịch của Citic Guoan New Bridge Studios - nói. “Quan điểm ‘Tôi đã thành công tại Hollywood cho nên tôi cũng sẽ thành công tại Trung Quốc’ là sai lầm. Chỉ vì bạn từng là hoàng đế không có nghĩa bạn sẽ mãi mãi là hoàng đế”.

The Great Wall (2016) với sự tham gia diễn xuất của Matt Damon đã khiến các nhà sản xuất Trung Quốc lỗ hàng trăm triệu USD

Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc đã hoạt động hết công suất để bắt kịp - và trong một số trường hợp thậm chí còn vượt qua - tiêu chuẩn quốc tế trong những năm gần đây. Điển hình như quần thể phim trường Phương Đông Thanh Đảo (Qingdao Oriental Movie Metropolis, QOMM) có diện tích lớn nhất thế giới với hơn 1.6 triệu m2 - tương đương 200 sân bóng đá. Đây là tài sản thuộc tập đoàn Đại Liên Vạn Đạt (Dalian Wanda).

“Trong lịch sử điện ảnh, chưa từng có công ty nào xây dựng một studio có quy mô như vậy chỉ từ 4 đến 5 năm”, Tommie Curran - cựu giám đốc sản xuất của QOMM - nói.

Nhiều người từng nghĩ rằng QOMM sẽ thất bại do tham vọng “hão huyền” của nhà đầu tư, thế nhưng họ đã không ngờ tới thành công quá lớn của những bộ phim như The Wandering Earth.

“Ngay cả trong năm 2017, mọi người vẫn rất coi thường các sản phẩm của Trung Quốc”, Curran - một nhà sản xuất phim từng có mặt trên phim trường Pacific Rim: Uprising, một trong những dự án đầu tiên được quay tại QOMM - nói. “Suy nghĩ của họ là ‘Tại sao sản xuất The Wandering Earth? Ngô Kinh là ai? Tại sao không đầu tư cho phim của Disney hay mấy bom tấn khác?”.

Diên Hy Cung Lược là phim dài tập chiếu trực tuyến thu hút nhiều lượt xem nhất trong năm 2018 tại Trung Quốc

Thời thế đã thay đổi. Trước khi chính thức khánh thành, QOMM đã ghi hình 10 bộ phim Trung Quốc gồm The Island, Crazy AlienThe Wandering Earth với tổng doanh thu 1,2 tỉ USD tại phòng vé nội địa. QOMM hiện đang chạy khoảng 70% công suất. Các bộ phim trong quá trình ghi hình có loạt 3 phim Fengshen - một dự án mà nhà sản xuất Barrie Osborne của loạt phim The Lord of the Rings cho rằng vượt qua những gì Peter Jackson đã làm.

Có điều, tuy Trung Quốc đã vượt trội về nhiều yếu tố nhưng về nhân lực thì Hollywood vẫn nhỉnh hơn. Bằng chứng là đội ngũ sản xuất của loạt phim Fengshen có rất nhiều vị trí quan trọng do người Mỹ nắm giữ. Ví dụ như khâu kịch bản và hiệu ứng hình ảnh. “Chúng tôi biết cách sản xuất của Mỹ và muốn làm theo cách đó, nhưng chúng tôi không có nhân lực cần thiết để làm như vậy”, Wuershan - một thành viên trong đoàn phim - cho biết.

Nhà sản xuất kỳ cựu Eryong (The Great Wall) đồng ý: “Trung Quốc vẫn chậm 20 đến 30 năm so với Hollywood trong việc quản lý nhịp độ và phân phối hiệu ứng cho các phim kinh phí lớn”. Mới đây, ông đã chọn một người Mỹ để đồng đạo diễn phim The Legend Hunters của mình vì cho rằng một ứng viên Trung Quốc sẽ không thích hợp.

Sở hữu dàn cast toàn diễn viên châu Á, Crazy Richa Asians thắng lớn tại Mỹ nhưng ế ẩm tại Trung Quốc

Có một lĩnh vực mà Trung Quốc hiện dẫn đầu với công nghệ tiên tiến và các sản phẩm sáng tạo bất chấp sự kiểm duyệt khắt khe từ chính phủ: Không gian kỹ thuật số.

Dần phụ thuộc nhiều hơn vào điện thoại di động cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống - từ gọi thợ sửa chữa ống nước đến mua giấy vệ sinh hoặc trả tiền thuê nhà, người tiêu dùng Trung Quốc nhanh chóng thích nghi với các hình thức giải trí trực tuyến mới. Các công ty nội địa đã sản xuất những ứng dụng hàng đầu như Tik Tok, trò chơi hấp dẫn Parents and Auto Chess cùng vài mạng xã hội với lượt truy cập cao ngất ngưỡng.

Trên thực tế, một số chuyên gia cho rằng sự sáng tạo của Trung Quốc không còn tồn tại trong các hãng phim truyền thống phụ thuộc vào doanh thu phòng vé, như Huayi Brothers đang chùn bước, mà trong các công ty chuyên về dịch vụ trực tuyến. Các công ty này ngày càng phát triển và thu hút hàng trăm triệu người dùng mỗi ngày thông qua nội dung phong phú như truyện tranh, phim dài tập, clip ngắn hay trò chơi điện tử.

Ba dịch vụ phát trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc là Tencent Video, Youku và iQiyi với tổng số lượng thuê bao chiếm khoảng 60% tất cả các thuê bao trên thế giới. Đây là kết quả từ chính sách bảo hộ của chính phủ - điển hình như việc Netflix, Amazon và Youtube bị cấm tại Trung Quốc - và kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm - khoảng thâm thụt mà công ty mẹ có thể chi trả. Năm ngoái, Diên Hy Cung Lược của iQiyi là phim dài tập được tìm kiếm nhiều nhất trên thanh Google dù Google bị cấm tại Trung Quốc.

Không khó để nhận ra chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc trong phim Operation Red Sea (2018)

Chính phủ Trung Quốc coi ngành công nghiệp giải trí là một công cụ để thúc đẩy hình ảnh của đất nước, khuyến khích chủ nghĩa dân tộc và thúc đẩy “các giá trị chính thống” mà chính phủ cho là phù hợp. Những câu chuyện được kể phải thấm đẫm tinh thần Trung Quốc và không được khắc họa theo hướng tiêu cực.

Vào tháng 3, chính phủ Trung Quốc đã lệnh cho các nhà làm phim phải đưa ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà ngang bằng với Mỹ vào năm 2035 với 100 phim ra mắt mỗi năm và kiếm được 15 triệu USD mỗi phim. “Giá trị ngành công nghiệp điện ảnh phản ánh sức mạnh của nền kinh tế quốc gia”, Wang Xiaohui - một quan chức điện ảnh hàng đầu tại Trung Quốc - nói vào thời điểm đó.

Gánh nặng vừa thành công về mặt thương mại vừa phù hợp với chính sách của chính phủ đã khiến các nhà làm phim Trung Quốc khó xử. “Phim ở đây vừa gà trống vừa gà mái”, một cựu giám đốc của China Film nói với Variety. “Bạn được yêu cầu phải biết cách gáy, nhưng cũng biết cách đẻ trứng - nghĩa là vừa tổ chức tiệc vừa kiếm tiền. Nó cực kỳ khó”.

Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã đặt ngành công nghiệp điện ảnh dưới sự kiểm soát trực tiếp của cơ quan tuyên truyền. “Ngành công nghiệp này hiện đang được giám sát bởi những người theo đảng, những người không có hiểu biết chuyên môn và những người chưa bao giờ phải đối mặt với bất kỳ áp lực kinh tế nào trong công việc của họ”, cựu giám đốc China Film nói.

Ngay trong năm nay, các nhà kiểm duyệt đã thu hồi 4 bộ phim từ các liên hoan phim quốc tế và cố gắng thu thêm một phim nữa từ LHP Cannes. Mùa phim hè do đó đột ngột trở nên trống vắng khi 4 phim bị hủy lịch chiếu vào giờ chót. Trớ trêu thay, điều này đã mang lại lợi ích cho Hollywood bằng cách tạo thêm vị trí cho các bộ phim Mỹ có cơ hội ra rạp.

Toy Story 4 là một thất vọng lớntrong năm nay tại thị trường Trung Quốc

Kể từ những năm 1990, Bắc Kinh đã giới hạn số lượng phim nhập khẩu được phép chiếu tại Trung Quốc trên cơ sở chia sẻ doanh thu. Hạn ngạch được thiết lập gần đây nhất là vào năm 2012 với 34 phim. Các cuộc đàm phán nhằm tăng con số này đã diễn ra nhưng bị đóng băng vào mùa xuân năm ngoái.

Mặc dù vậy, ngay cả khi hạn ngạch bị bãi bỏ, một số người tin rằng điểm tới hạn đã gần. Vô số tựa phim của Mỹ được phát hành tại Trung Quốc trong năm nay đã thành công kém so với mong đợi, bao gồm Toy Story 4Dumbo.

Mai Thảo (theo Variety)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham vọng bá chủ của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc