Qua rồi cái thời đun nấu bằng củi nên bếp lò bằng đất nung quen thuộc giờ cũng thấy vắng bóng trên thị trường. Có lẽ vì thế mà cái xưởng làm bếp lò bằng đất nung duy nhất của ông Trương Văn Khiêm (phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) giờ lại trở thành cái nghề độc, nghề hiếm.
Một thời đã xa
Ông Nguyễn Văn Thắm (59 tuổi, ngụ phường Mỹ Thới) cho biết, vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi mà bếp củi vẫn được dùng chủ yếu trong các hộ gia đình thì nghề làm bếp lò thịnh hành. Lúc bấy giờ ở các phường Mỹ Hòa, Mỹ Thạnh, Mỹ Thới có hàng chục cơ sở sản xuất bếp lò bằng đất nung.
“Đến nay, do đô thị hóa, đất sản xuất bị thu hẹp dần, cộng với việc hầu hết hộ gia đình thành phố chuyển sang sử dụng bếp gas, bếp từ… nên bếp lò đất rất ít người dùng. Cũng may các vùng nông thôn vẫn quen đun nấu bằng lò đốt củi, trấu... nên người thợ làm lò đất vẫn sống được với nghề”, ông Thắm nói.
Cũng theo ông Thắm, nghề làm bếp lò bằng đất suốt ngày chân lấm tay bùn, cực lắm. “Đã thế muốn lên được thợ chính, người học việc phải mất đến 10 năm và phải thiệt yêu nghề thì mới làm nổi”, ông Thắm tâm sự.
Hỏi chuyện ông Thắm mới biết nghề làm lò đất lắm công phu. Khi đã có đất thành phẩm để làm lò, người thợ chính bắt đầu với các công đoạn tạo dáng cho lò, nắn gù, tạo ra ba giá kê trên thành miệng lò rồi đến công đoạn gọt tỉa… cuối cùng là nung lò.
Việc tạo dáng cho lò đất là công đoạn khó nhất. Người thợ phải rải đều lớp chống dính vào khuôn rồi cho đất sét vào, vừa đi giật lùi xung quanh khuôn vừa phải liên tục dùng tay ấn và vuốt để đất được nén chặt vào khuôn lò.
Khi đã tạo hình xong, người thợ mang khuôn ra sân lật úp lò xuống và từ từ rút khuôn ra. Lò sau khi phơi nắng khoảng 2 - 3 ngày cho khô, thợ lại đem ra chỉnh sửa tiếp để hoàn chỉnh.
Làm vì đam mê
Theo quan sát của phóng viên Một Thế Giới, mọi công đoạn để làm ra một lò đất đều phải bằng tay, ngay cả việc múc đất sét cho vào máy trộn với tro, họ đều dùng tay.
Khi hỏi vì sao không dùng xẻng xúc đất, một người thợ cho hay dùng tay vừa nhanh vừa chính xác mà lượng đất múc được mỗi lần cũng nhiều hơn dùng xẻng… Và cứ thế, những bàn tay khỏe khoắn cứ thoăn thoắt xắn từng mảng đất sét to đưa vào máy trộn - công đoạn đầu tiên của quy trình làm lò đất.
Ông Hồ Duy Hiền (46 tuổi, nhân công tại lò ông Khiêm) nói rằng muốn làm được cái lò tốt phải pha trộn hai thứ: đất sét ruộng và đất sét pha cát.
“Đất sét pha cát và đất sét ruộng được phân theo tỷ lệ rồi đưa vào máy xay, nhồi trộn. Mỗi người thợ làm một công đoạn. Người dập khuôn lấy kích cỡ lớn nhỏ, người kéo ống, người ráp mâm, người nắn đầu, người đập đít…
Khi chiếc lò nắn xong để vài ngày cho ráo, đem phơi nắng cho khô rồi mới cho vào lò nung bằng trấu, chừng 4 ngày sau là ra sản phẩm. Mùa nắng thì đỡ cực hơn, nhưng mùa mưa phải căng mái để tránh mưa. Trước kia không có máy phải đạp trộn đất bằng chân”, ông Hiền nói.
Theo ông Nguyễn Văn Cường (56 tuổi, nhân công tại lò của ông Khiêm), lò đất được nung trong 2 ngày 1 đêm với tỷ lệ lửa đủ độ theo kinh nghiệm bí truyền để có thể chịu được nhiệt độ cao. Sau khi nung xong, người ta bọc quanh thân lò một lớp vỏ bằng nhôm để vừa đẹp, vừa chống bị nứt vỡ trong quá trình vận chuyển, sử dụng.
“Cơ sở của ông Khiêm sản xuất 6 loại lò (được đánh dấu từ 0 đến 5). Bạn hàng ở Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp tới ngày xưởng ra sản phẩm là họ thuê ghe đến đếm chở đi các tỉnh và qua Campuchia bán”, ông Cường cho biết.
Cũng theo ông Cường, các nhân công được mướn làm theo sản phẩm. Một người thợ làm giỏi trong một buổi có thể xong 100 cái, được trả công khoảng 2.000 đồng/cái.
“Tính ra làm lò nấu củi rất kỳ công mà lại lời không được bao nhiêu, vì đam mê mà làm. Hơn nữa các nhân công ở đây không có ruộng nên phải bám nghề, biết làm gì khác”, ông Cường bộc bạch.
Giữ nghề truyền thống
Ông Trương Văn Khiêm (chủ xưởng làm bếp lò bằng đất nung) cho biết trước kia gia đình ông đều sống bằng nghề này và coi như nghề truyền thống.
“Hiện ít người mua lò nấu củi nên sản phẩm làm ra bán rất chậm. Phần do thiếu vốn nên thu hẹp lại quy mô sản xuất, giờ xưởng chỉ mướn 3 nhân công làm các công đoạn. Sau khi cộng hết các khoản chi phí thì coi như bỏ công làm lời. Nhưng vì muốn giữ nghề truyền thống nên tôi tiếp tục làm”, ông Khiêm nói.