Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nghiên cứu phương án mời "thần đèn" Nguyễn Văn Cư di dời tòa nhà kiến trúc Pháp ở số 26 Lê Lợi (TP.Huế) để bảo tồn một kiến trúc đẹp.
Sáng nay 13.3, ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP.Huế (Thừa Thiên - Huế), cho biết UBND TP.Huế vừa nhận được văn bản chỉ đạo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương về việc nghiên cứu phương án mời "thần đèn" Nguyễn Văn Cư di dời tòa nhà Pháp ở số 26 Lê Lợi (TP.Huế) đến địa điểm đối diện.
Theo ông Nhật, sau khi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, chính quyền TP.Huế rà soát nghiên cứu lại toàn bộ hồ sơ quy hoạch, hồ sơ quản lý về các khu đất cũng như các công trình kiến trúc hiện có trên tuyến đường Lê Lợi. Từ đó, thực hiện phương án sắp xếp để phát huy giá trị của các công trình kiến trúc.
Khu nhà đất ở 26 Lê Lợi trước đây là trụ sở của Liên hiệp Các hội Văn học - nghệ thuật tỉnh, hiện đang thuộc quản lý của UBND tỉnh, các công trình kiến trúc thì thuộc quản lý chuyên ngành của Sở Xây dựng. Còn khu đất đối diện (số 1 Phạm Hồng Thái) hiện đang được UBND tỉnh cho Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ Huế thuê đất.
Để có thể sắp xếp, bố trí phù hợp công năng của các cơ sở công sản này, UBND TP.Huế sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành của tỉnh để rà soát, đề xuất phương án cụ thể, trong đó có việc tìm địa điểm mới phù hợp để bố trí cho Bảo tàng thêu XQ, sau đó mới lên phương án di dời tòa nhà 26 Lê Lợi.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trục không gian tuyến đường Lê Lợi sau khi di chuyển các công sở nhà nước về Trung tâm Hành chính tỉnh (vừa được xây dựng hoàn thành tại Khu A, Khu đô thị mới An Vân Dương, TP.Huế), quỹ đất còn lại sẽ được kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch dịch vụ.
Cụ thể, phía sát bờ sông Hương sẽ được dành để ưu tiên hình thành không gian văn hóa nghệ thuật bao gồm các bảo tàng, nhà trưng bày, trung tâm triển lãm, giới thiệu nghề truyền thống... Còn khu vực phía bên trong tuyến đường Lê Lợi, từ khu đất tiếp giáp với khách sạn Morin đến Trung tâm Học liệu Đại học Huế sẽ tổ chức đấu giá kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch, dịch vụ. Riêng trụ sở UBND tỉnh hiện nay (16 Lê Lợi) dự kiến sẽ hình thành thiết chế văn hóa phù hợp, có thể sẽ dành để làm bảo tàng mỹ thuật của tỉnh.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết ngôi nhà Pháp tọa lạc tại số 26 Lê Lợi không thuộc danh mục kiến trúc Pháp cần bảo tồn tại Huế. Tuy nhiên, do đây là ngôi nhà có kiến trúc đẹp nên UBND tỉnh đã có chủ trương nghiên cứu giữ lại bằng cách di dời đến khu đất phía đối diện.
"Kinh phí để di dời ngôi nhà này dự kiến cũng sẽ được kêu gọi xã hội hóa từ những tổ chức, cá nhân tâm huyết, có tấm lòng yêu Huế chứ không dùng ngân sách", ông Nguyễn Văn Phương nói.
Cùng ngày, PV Thanh Niên cũng đã liên hệ với "thần đèn" Nguyễn Văn Cư (một người gốc Huế ở TP.HCM). Ông Cư cho biết, cách đây 2 tuần ông có được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mời khảo sát để di dời ngôi nhà Pháp ở số 26 Lê Lợi, TP.Huế.
Qua khảo sát thực tế, ông Cư khẳng định mặc dù việc di dời một ngôi nhà kiến trúc Pháp có tuổi đời hàng trăm tuổi rất phức tạp, nhưng với ngôi nhà này ông chắc chắn sẽ di dời được.
"Với kiến trúc Pháp, việc di dời gặp rất nhiều phức tạp về mặt kỹ thuật, vì nền móng của các tòa nhà đa phần được xây bằng gạch chứ không phải bê tông khối như công trình khác. Do vậy, để di dời một ngôi nhà Pháp có tuổi đời hơn 100 tuổi như thế này là rất khó. Thêm vào đó, việc di dời ngôi nhà không chỉ đưa băng ngang đường Lê Lợi mà còn phải xoay một góc 900. Tuy nhiên, nếu được tỉnh tin tưởng giao phó, tôi sẽ cố gắng để thực hiện cho bằng được", "thần đèn" Nguyễn Văn Cư nói.