Sáng 22.3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa 13 của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội cũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm trước những yếu kém của đất nước.
Thành tựu nổi bật là thông qua Hiến pháp 2013
Báo cáo nêu rõ trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội, các đại biểu quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013, ban hành các đạo luật theo tinh thần của Hiến pháp với nhiều nội dung đổi mới.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định thành tựu nổi bật của khóa 13 là Quốc hội đã ban hành Hiến pháp 2013. Hơn 2 năm từ khi Hiến pháp ra đời, đã có gần 70 đạo luật được Quốc hội thông qua thuộc hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Báo cáo cho rằng đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa 13 là Quốc hội đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét quyết định nhiều vấn đề trọng đại của đất nước về kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kịp thời ban hành các quyết sách đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức…
Báo cáo cho hay trong nhiệm kỳ qua, kinh tế - xã hội phát triển ổn định, đời sống nhân dân tăng lên, an ninh trật tự được bảo đảm, quốc phòng được giữ vững, hoạt động đối ngoại đạt được nhiều thành tựu.
Hoạt động giám sát, hoạt động chất vấn, hoạt động đối ngoại... của Quốc hội; hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, hoạt động của các đại biểu quốc hội cũng có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trước những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các ngành, các cấp và đồng bào, cử tri cả nước, kịp thời ban hành các quyết sách đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.
Nhận trách nhiệm trước những yếu kém
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội nhận rõ phần trách nhiệm trước những tồn tại, yếu kém của đất nước.
Về công tác giám sát, báo cáo của Chủ tịch Quốc hội cũng nêu lên không ít hạn chế, bất cập. Việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri chưa đạt yêu cầu. Giám sát việc thi hành pháp luật về phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được thực hiện tốt và kết quả thấp.
Ngoài ra, một số quy định của pháp luật về giám sát như việc cử tri bãi nhiệm đại biểu quốc hội, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chưa có điều kiện thực tế để thực hiện.
Bên cạnh đó là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng nhanh, tái cơ cấu kinh tế chậm, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những vấn đề bức xúc.
Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng lãng phí chưa đạt yêu cầu. Kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm, tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo tiếp tục đứng trước những thách thức mới...
Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân của những hạn chế này, theo Chủ tịch, một phần do tác động của cuộc suy thoái kinh tế thế giới và những hạn chế, yếu kém vốn có của nền kinh tế.
Phần khác, do một số chỉ tiêu đặt ra chưa sát với thực tiễn. Quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng chưa được quy định đầy đủ, thống nhất, việc giám sát, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện chưa nghiêm, đại biểu quốc hội chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, thiếu thời gian nghiên cứu và chưa có điều kiện sử dụng chuyên gia tư vấn, phản biện...
Trí Lâm