Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực có sự đóng góp và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra 8 điểm còn hạn chế trong nhiệm kỳ 2011-2016 vừa qua.
Sáng 22.3 Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, lắng nghe báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày. Thủ tướng cho biết trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thứ nhất, về lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ thừa nhận năng lực dự báo còn một số hạn chế, một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao, phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thực sự kịp thời.
Sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế chưa thật đồng bộ, có mặt hiệu quả chưa cao, cân đối thu chi nhân sách nhà nước có mặt còn hạn chế.
Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý, sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Việc phát triển thị trường trong nước, khai thác thị trường ngoài nước, nhất là những thị trường đã có hiệp định thương mại tự do, đấu tranh với những rào cản thương mại hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn nhiều hạn chế.
Chậm sửa đổi bổ sung và thiếu những cơ chế, chính sách đủ mạnh để huy động, sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh. Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Thiếu cơ chế chính sách phát huy mạnh tác động lan tỏa của các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế và tạo sự liên kết hiệu quả giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng.
Việc phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và chăm lo đời sống nhân dân còn nhiều mặt hạn chế, chưa khuyến khích, huy động được nguồn lực xã hội cho phát triển. Một số chính sách xã hội thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Thứ hai, việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật trong một số trường hợp còn chậm, lúng túng. Vẫn còn một số dự án luật phải lùi, xin rút. Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hưỡng dẫn thi hành pháp luật trong một số trường hợp còn thiếu đồng bộ, chất lượng thấp, tính khả thi chưa cao,
Thẩm định một số văn bản pháp luật còn thiếu tính tổng thể, chưa chú trọng đúng mức việc đóng góp, tiếp thu ý kiến giám sát, phản biện xã hội trong xây dựng và thực thi pháp luật.
Thứ ba, về xây dựng và kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, báo cáo của Chính phủ cho rằng bộ máy hành chính nhà nước chưa thật tinh gọn, hiệu quả, chức năng, nhiệm vụ một số cơ quan, đơn vị vẫn còn chồng chéo, chưa đủ cụ thể, chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân.
Tổ chức và hoạt động của chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo, chậm đổi mới, phù hợp với đặc thù. Vẫn còn những hạn chế trong phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, trong chỉ đạo phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành liên vùng… đặc biệt là của người đứng đầu. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Việc hiện đại hóa ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn có mặt hạn chế, bất cập...
Thứ tư, việc lãnh đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nạn tố cáo có lúc có nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều hạn chế. Phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi.
Thứ năm, việc lãnh đạo, quản lý bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội trên một số mặt, một số địa bàn còn hạn chế. Việc nắm tình hình và năng lực dự báo chiến lược, bố trí nguồn lực, gắn kết nhiệm vụ, bảo đảm quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp quốc phòng, công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn lao động chưa đáp ứng yêu cầu. Bảo vệ chủ quyền biểu đảo còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Thứ sáu, công tác quản lý công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế có mặt chưa thật chủ động, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn những hạn chế trong công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, dự báo và nghiên cứu chiến lược, đối ngoại song phương và đa phương.
Cơ chế và năng lực phòng ngừa, giải quyết tranh chấp quốc tế, và truyền thông về hội nhập còn bất cập. Sự phối hợp, gắn kết giữa hội nhập kinh tế, quốc tế với quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội, ngoại giao nhân dân có mặt hiệu quả chưa cao.
Thứ bảy, quan hệ phối hợp công tác giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị xã hội và TAND tối cao, Viện KSND tối cao có mặt còn hạn chế.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác với một số cơ quan chưa được thường xuyên, việc phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh và giải quyết các kiến nghị có lúc chưa kịp thời.
Cuối cùng, việc bảo đảm cho công tác giám sát của Quốc hội trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu, việc gửi một số báo cáo tại kỳ họp Quốc hội và cơ quan của Quốc hội còn chậm, vẫn còn hạn chế trong trả lời chất vấn, thực hiện lời hứa và kiến nghị của cử tri.
Trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đang theo dõi phiên truyền hình trực tiếp, Thủ tướng đã bày tỏ sự cảm ơn sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự phối hợp của các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước... đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ 2011-2016.
Trí Lâm