Chiến thắng của đương kim Tổng thống Hassan Rouhani không chỉ là chiến thắng chính trị quan trọng, mà là thành quả của cả một quá trình cải cách tại Iran, nhằm thúc đẩy đất nước Iran phát triển, đúng với tiềm năng và lợi thế của mình.
Truyền thông nhà nước Iran đã công bố kết quả cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 12, kể từ khi cuộc Cách mạng Hồi giáo diễn ra tại Iran năm 1979, với chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống theo đường lối ôn hòa Hassan Rouhani.
Cuộc bầu cử tổng thống lần này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với đất nước Iran, mà theo giới phân tích kết quả không chỉ là chiến thắng của ứng cử viên, mà đó là sự lựa chọn của người dân Iran tiếp tục cởi mở hay quay trở lại với đường lối bảo thủ.
Và kết quả cho thấy người dân Iran đã chọn đổi mới đất nước, mở cửa với thế giới. Điều đáng nói là ông Rouhani được tiếp tục bầu chọn trong bối cảnh Mỹ vẫn chưa có những thay đổi thực sự trong đối xử với Iran, sau khi nước này từ bỏ chương trình kỹ thuật hạt nhân.
Đương kim Tổng thống Iran Hassan Rouhani
Truyền thống đã lỗi thời?
Có lẽ phải khẳng định rằng, Iran là đất nước mà nền tảng tư tưởng của đạo Hồi có ảnh hưởng đến đời sống chính trị mạnh mẽ nhất trên thế giới, cho dù Pakistan từng được gọi là Hồi quốc và Indonesia là nước có nhiều tín đồ Hồi giáo nhất thế giới hiện nay.
Sau khi lãnh đạo cách mạng thắng lợi, Đại giáo chủ Ayatollah Roholla Khomeini đã trở thành Lãnh tụ tối cao đầu tiên của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Từ đó, thể chế chính trị tại Iran luôn đảm bảo quyền lực tối cao của lãnh tụ tinh thần trong những vấn đề tối quan trọng của đất nước. Mọi cơ quan quyền lực nhà nước đều bị chi phối bởi định chế siêu quyền lực này.
Khi Đại giáo chủ Khomeini qua đời, Đại giáo chủ Ali Khamenei được bầu tiếp tục nằm giữ quyền lực tối thượng tại Iran.
Trong khi tình hình chính trị trên thế giới có rất nhiều đổi thay, thì thể chế chính trị tại Iran vẫn đảm bảo tuyệt đối mô hình quyền lực được thiết lập sau cuộc Cách mạng Hồi giáo.
Theo giới phân tích, sự bó chặt và có phần khiên cưỡng ấy đã làm cho thể chế chính trị tại Iran có những bất hợp lý và lệch pha với sự phát triển của xã hội. Từ mâu thuẫn đó đã làm phát xuất nhiều xu hướng cải cách trong giới lãnh đạo cấp cao tại quốc gia này.
Làn gió cải cách đã được bắt đầu từ cố Tổng thống Rafsanjani, rồi thể hiện sự cởi mở dưới thời cựu Tổng thống Khatami. Nhưng vì Hiến pháp không được sửa đổi nên những ý tưởng cải cách luôn gặp nhiều khó khăn khi triển khai và áp dụng.
Khi cải cách vượt khỏi quỹ đạo thì lãnh tụ tối cao sẽ can thiệp. Việc ủng hộ, từ đó mang lại chiến thắng và đảm bảo quyền lực vững chắc cho Tổng thống cứng rắn Mahmoud Admadinejad đã thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn của lãnh tụ tối cao Khamenei tới chính trường Iran.
Tuy nhiên, xu hướng đổi mới trong giới trẻ Iran, vốn ít bị tác động và ảnh hưởng bởi cuộc Cách mạng năm 1979, luôn thể hiện sự khát khao và được tiếp sức bởi chính phủ đương nhiệm của Tổng thống ôn hòa Rouhani, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế bởi truyền thống và Hiến pháp.
Song từ cuối năm 2015, tình hình chính trị tại Iran đã có nhiều biến động, mà nguyên nhân chính là việc ông Hassan Khomeini, cháu nội cố Đại giáo chủ Ayatollah Roholla Khomeini, ứng cử vào Hội đồng chuyên gia, cơ quan sẽ thực hiện bầu lãnh đạo tối cao của Iran.
Hassan Khomeini có đóng góp rất lớn vào chiến thắng của Tổng thống Hassan Rouhani
Điều đáng nói hậu duệ của Đại giáo chủ Khomeini lại có ý định phá vỡ truyền thống của gia đình cũng như của đất nước Iran.
Đó là ông Hassan Khomeini đã kêu gọi chuyển quyền lực của lãnh tụ tối cao từ một cá nhân sang một hội đồng, rồi dần dần sẽ chuyển định chế ấy sang thực hiện chức năng như về khích lệ tinh thần và đảm bảo lưu giữ truyền thống của cách mạng.
Quyền lực trong quản lý và điều hành đất nước sẽ do bộ máy nhà nước Iran độc lập đảm nhiệm, đúng với chức năng và nhiệm vụ của nó.
Cho dù ông Hassan Khomeini cuối cùng đã không tham gia vào Hội đồng chuyên gia, song tư tưởng đổi mới của ông đã làm cho giới chính trị bảo thủ tại Iran rất bất bình, từ đó gây nên những biến động lớn trong đời sống chính trị và đời sống xã hội tại quốc gia Hồi giáo này.
Những hệ lụy của sự lệch pha
Không phải ngẫu nhiên mà cháu nội của cố Đại giáo chủ Ayatollah Roholla Khomeini lại chọn việc đột phá khẩu cho phong trào cải cách bắt đầu từ việc đổi mới định chế lãnh tụ tối cao tại Iran.
Giới phân tích cho rằng, việc thực hiện chế định lãnh tụ tối cao tại Iran là thể hiện sự chi phối của tôn giáo đối với chính trị, thậm chí còn cực đoan hơn nữa là tôn giáo thực hiện việc điều hành và quản lý đất nước, bởi lãnh tụ tối cao đóng vai trò là tổng tư lệnh quân đội, trong khi đây là chức năng của duy nhất nhà nước.
Khi chi phối đời sống chính trị, tôn giáo sẽ đánh mất vai trò của nó trong đời sống xã hội vì gắn liền với quyền lực.
Bên cạnh đó, việc tồn tại định chế quyền lực lãnh tụ tối cao là một trong những nguyên nhân gây bất ổn chính trị tại Iran. Điều đó xuất phát từ luật bất thành văn là ngôi vị này được dành cho những người từng nắm giữ cương vị tổng thống, nghĩa là tổng thổng chỉ là chức danh cho sự chuyển tiếp.
Thực tế đó khiến cho nhiều vị cựu tổng thống khi băng hà mà vẫn không được ngồi vào ngôi vị cao nhất vì người trước đó chưa ra đi. Đó chính là trường hợp của cố Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani, chờ đợi Ali Khamenei “truyền ngôi”.
Vì vậy chính ông Rafsanjani đã ủng hộ xu hướng cải cách định chế lãnh tụ tinh thần tối cao từ cá nhân lãnh tụ tối cao sang hội đồng tối cao mà Hassan Khomeini khởi xướng.
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei
Không những vậy, vai trò của lãnh tụ tối cao tại Iran được cho là có ảnh hưởng rất lớn đối với vị thế của nhà nước Iran trong quan hệ quốc tế. Những ký kết hay thỏa thuận giữa nhà nước Iran với các quốc gia khác đều chưa thể được xem là có giá trị nếu chưa có ý kiến đồng thuận của lãnh tụ tối cao.
Có thể thấy rằng, những nguyên tắc truyền thống của một quốc gia dù từng ưu việt như thế nào đi chăng nữa, nhưng khi không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội, không phù hợp với xu thế phát triển của thời đại thì nó cần phải được chuyển thành những giá trị truyền thống.
Điều đó sẽ góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa quốc gia dân tộc – một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên sức mạnh quốc gia.
Và những giá trị truyền thống dù có tốt đẹp như thế nào đi chăng nữa nhưng không còn phù hợp với thực tại thì nó sẽ trở nên vô giá trị nếu vĩnh viễn hóa sự tốt đẹp ấy mà không có những sự đổi thay, cải tiến cho hợp thời. Đó là rào cản xã hội phát triển.
Vì vậy, Hassan Khomeini, hậu duệ của Đại giáo chủ Ayatollah Roholla Khomeini, người đã lãnh đạo cuộc cách mạng năm 1979, lật đổ vương quyền, thành lập nên nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ngày nay, đã có quyết định gỡ rào.
Điều đó cho thấy chiến thắng của đương kim Tổng thống Hassan Rouhani không chỉ là một chiến thắng chính trị quan trọng, mà là thành quả của cả một quá trình cải cách tại Iran, nhằm thúc đẩy đất nước Iran phát triển, đúng với tiềm năng và lợi thế của mình.
Ngọc Việt