Đó là niềm vui chuẩn bị Tết Trung thu của thầy trò Trường tiểu học Phú Thuận tại một xã vùng xa tỉnh An Giang

Thầy trò cùng làm lồng đèn cá chép khổng lồ để vui Tết Trung thu

Tô Văn | 24/09/2023, 16:30

Đó là niềm vui chuẩn bị Tết Trung thu của thầy trò Trường tiểu học Phú Thuận tại một xã vùng xa tỉnh An Giang

Sáng 24.9, thầy Lê Văn Cầu - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thuận (xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết, để chuẩn bị cho đêm vui hội trăng rằm Tết Trung thu, từ giữa tháng 9 thầy trò của trường đã bắt tay vào làm chiếc lồng đèn cá chép hóa rồng với chiều dài 5 mét, đường kính thân 1,5 mét, chân đế cao 1,2 mét.

Thầy Cầu kể: “Theo tích xưa, vào đêm rằm tháng 8, cá chép tìm cách nuốt trăng hòng vượt vũ môn vào đầu hè năm sau. Tương truyền, con cá chép vượt qua được vực nước sẽ hóa thành rồng. Sự biến chuyển đó cũng tương tự các nho sinh ngày xưa, khi vượt qua được các kỳ thi sẽ đỗ đạt hiển vinh. Trong Tết Trung thu, người xưa thường bày lên bàn học của trẻ con các trạng nguyên giấy, tiến sĩ giấy... của những khoa thi ngày xưa để con trẻ “lấy vía” may mắn cho sự học hành. Nay để gìn giữ những nét văn hóa truyền thống, nhà trường quyết định tổ chức cho học sinh cùng thầy cô tạo dựng chiếc lồng đèn cá chép hóa rồng để đem lại sự may mắn cho các em”.

8-cau8.jpg
7-cau7.jpg
Thầy trò Trường tiểu học Phú Thuận tạo dựng chiếc lồng đèn cá chép hóa rồng khổng lồ để các em vui rước đêm trung thu - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo thầy Cầu, để tạo nên chiếc đèn cá chép hóa rồng lớn này, phần quan trọng nhất chính là khung. Thầy cô và trò đã thử nghiệm với nhiều chất liệu khác nhau để uốn được khung đèn ưng ý nhất.

“Chúng tôi đã thử dùng nan tre truyền thống nhưng cũng không thích hợp. Cuối cùng, thầy trò sử dụng nan trúc, dây kẽm và hợp với sản phẩm độc đáo này. Ngoài khung thì chọn giấy phủ ngoài. Đây cũng là một thách thức, khi thầy trò phải tìm cách thích nghi với những vật liệu mới, như giấy bóng kính, thay vì những thứ như giấy nhiễu vốn gần như đã thất truyền. Đây là điều khiến thầy trò tiếc nuối khi không thể sử dụng được loại giấy cổ xưa. Tuy vậy, chiếc lồng đèn cá chép hóa rồng được làm bằng những vật liệu mới cũng là một minh chứng cho việc văn hóa truyền thống vẫn có thể sống tiếp trong thời hiện đại, với biểu hiện khác”, thầy Cầu nói.

Sáng qua 23.9 (thứ bảy), tại Trường tiểu học Phú Thuận từng nhóm học sinh và thầy cô quây quần bên nhau làm lồng đèn. Các bạn nam khỏe tay được phân công làm khung lồng đèn, các bạn nữ khéo tay thì cắt giấy kính màu để dán lên lồng đèn.

Vừa dùng tay miết tấm giấy kính lên khung đèn đã được bôi keo, em Nguyễn Thị Hạnh, học sinh lớp 4A chia sẻ: “Đây là năm thứ 2 em tham gia làm lồng đèn. Công việc khó nhất là dán giấy kính. Năm trước chưa có kinh nghiệm nên tụi em dán xong thấy nhăn nhúm, không đẹp. Năm nay tụi em phân công một bạn giữ chặt tấm giấy kính, bạn còn lại dùng tay miết mạnh theo khung để giấy kính căng hơn. Cùng chung tay làm lồng đèn cá chép hóa rồng khổng lồ, chúng em vui lắm”.

Chị Kim Anh (ngụ ấp Hòa Tây A, xã Phú Thuận), phụ huynh của em Lê Vi nói khi biết nhà trường phát động chương trình này nên ngày nghỉ chị chở con gái tham gia.

3-cau3.jpg
4-cau4.jpg
Học sinh cùng thầy cô chung tay làm chiếc lồng đèn cá chép hóa rồng - Ảnh: Tô Văn
5-cau5.jpg
Chiếc lồng đèn cá chép hóa rồng chỉ còn vài công đoạn nữa là hoàn thành - Ảnh: Tô Văn

Anh Bùi Thanh Vũ giáo viên, Tổng phụ trách đội Trường tiểu học Phú Thuận nói rằng Trung thu là dịp để thiếu nhi được thỏa thích nô đùa bên những chiếc lồng đèn xinh xắn, vui rước hội trăng rằm. Tuy nhiên không phải em nào cũng may mắn có được niềm vui ấy, bởi vẫn còn những em hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, em nghèo không được vui rước đèn, không được biết đến không khí ấm áp của đêm hội trăng rằm như bao bạn bè cùng trang lứa.

“Thấu hiểu và đồng cảm với những hoàn cảnh ấy, từ nhiều năm nay nhà trường đã thực hiện chương trình “Lồng đèn tặng trẻ em nghèo”. Để có sự đặc biệt hơn mọi năm, nhà trường quyết định tổ chức cho học sinh cùng thầy cô làm chiếc lồng đèn cá chép hóa rồng khổng lồ để vui đón Tết Trung thu thật ý nghĩa vả ấn tượng”, thầy Vũ bày tỏ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy trò cùng làm lồng đèn cá chép khổng lồ để vui Tết Trung thu