Thủ đô nước Pháp rúng động trong cuộc khủng bố liên hoàn đẫm máu vào Nửa đêm ngày 13/11 (giờ Paris, tức 6h sáng giờ Việt Nam) đã khiến ít nhất 158 người bị chết và hơn 200 người bị thương. Nỗi đau chất chồng, khủng hoảng, bất an và lời cầu nguyện lan tỏa trên toàn thế giới...
6 vụ xả súng, 3 vụ nổ diễn ra gần như đồng thời ở Paris, khiến Tổng thống Pháp Francois Hollande phải gọi đây là một cuộc tấn công "chưa từng có tiền lệ" vào nước Pháp, và nhấn mạnh thủ đô Paris đang đứng trước "tình thế lịch sử".
Nhà báo Pháp Julien Pearce đang có mặt trong phòng hòa nhạc Bataclan thì thốt lên: "Đây là một cuộc tắm máu".
Nhà hát là nơi có sức chứa 1.500 người, thường xuyên cháy vé bởi nổi tiếng là địa điểm thân mật, nơi người hâm mộ có thể giao lưu gần gũi với nghệ sỹ.
Đã có tới 118 người chết tại nhà hát này trong tổng số ít nhất 158 người thiệt mạng vì các vụ khủng bố, cho tới sáng nay 14.11. Nỗi đau và kinh hoàng trong từng lời nhân chứng kể lại.
Julien Pearce, người có mặt trong phòng hòa nhạc khi các tay súng xông vào, kể lại: khi buổi biển diễn bắt đầu, anh "nghe thấy âm thanh như tiếng pháo, nhưng nghĩ đó là một phần trong buổi biểu diễn". "Hình như nhiều người cũng nghĩ như vậy, sau đó, chúng bắt đầu xả súng".
"Chúng tôi nghe rất nhiều tiếng ồn từ đằng sau. Tôi thấy ba kẻ đi vào trong và xả súng, tôi nghe thấy họ hét lên đây là vì Syria, vì Iraq hoặc một điều gì đó tương tự như thế. Chúng cũng hét lên không được di chuyển , và bắn bất cứ ai động đậy. Chúng còn bắn bất cứ ai có điện thoại đổ chuông", nhân chứng có tên là Paul kể.
"Chúng đi lên ban công và bắn vào các con tin, chúng tôi chạy thục mạng. Tôi nhìn thấy nhiều người chết, một người đàn ông bên cạnh tôi bị trúng đạn và ngã xuống đất, có máu ở khắp nơi", anh nói thêm.
"Nó trông giống như một chiến trường, máu ở khắp mọi nơi, thi thể nằm khắp nơi. Tôi thấy như đang sống giây phút cuối đời, tôi nghĩ đây là kết thúc. Tôi rất sợ hãi", Marc Coupris, 57 tuổi nói
Nỗi đau trong cuộc khủng bố ở Paris tối ngày 13.1.2015 - ảnh: Reuters
Lời cầu nguyện cho các nạn nhân, bạn bè, người thân đã lan tỏa trên các trang báo, mạng xã hội ở khắp nơi trên thế giới.
Lãnh đạo thế giới bàng hoàng vì vụ khủng bố ở Pháp. Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh, Tổng thư ký NATO lên án và bày tỏ sự kinh hoàng trước các vụ tấn công ở Paris. Tổng thống Pháp phải bỏ họp G20 để xử lý vụ việc.
Tại New York, nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi khiến gần 3.000 người thiệt mạng, đã bắt đầu trong tình trạng báo động.
Sở Cảnh sát New York (NYPD) cho hay, đội phản ứng chống khủng bố của NYPD và các đơn vị đặc nhiệm khác đã được triển khai để bảo vệ các khu vực trong thành phố có đông du khách cũng như tòa lãnh sự Pháp ở trung tâm Manhattan.
Bỉ hiện đã tăng cường kiểm soát biên giới với Pháp.
Phản ứng trước vụ tấn công ở Paris, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: "Chúng tôi hết sức bàng hoàng và lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường xảy ra vào ngày 13/11/2015 tại Pháp, khiến nhiều người bị thiệt mạng và bị thương. Việt Nam xin chia sẻ những đau thương, mất mát to lớn mà chính phủ, nhân dân Pháp cũng như gia đình những nạn nhân đang phải hứng chịu".
các vị trí đánh bom ở Paris tối ngày 13.11
Reuters cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu còn có tay súng nào đang lẩn trốn tại Paris hay không.
Theo Cơ quan xử lý khủng hoảng của Bộ Ngoại giao Pháp, hiện chưa có thông tin cụ thể về quốc tịch của những nạn nhân bị thiệt mạng và bị thương.
Một nạn nhân được cảnh sát đưa ra khỏi hiện trường vụ tấn công. Ảnh: Reuters
Trong tình hình đó, vì chưa tổ chức khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, và cảnh sát Pháp cũng mới chỉ kết thúc chiến dịch giải cứu con tin ở phòng hòa nhạc Bataclan, theo một số chuyên gia phân tích, việc đưa ra kết luận về thủ phạm và động cơ khủng bố là vẫn còn quá sớm.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Anshel Pfeffer của tờ Haaretz thì cho rằng, những vụ tấn công xảy ra gần như đồng thời ở ít nhất 7 địa điểm như thế này chỉ có thể là sản phẩm đã được lên kế hoạch rất kỹ lưỡng của một tổ chức khủng bố, bởi chúng cần phải có thời gian tập hợp vũ khí và chất nổ.
Đã có nhiều phân tích cho rằng, hai tổ chức đáng ngờ nhất hiện nay là al-Qaeda và IS, với những phần tử khủng bố đã từng gây ra nhiều vụ tấn công ở nước Pháp và châu Âu trong năm qua, trong đó có vụ thảm sát ở tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng một.
Lực lượng y tế đang làm việc khẩn trương tại Paris. Ảnh: AFP/Getty
Nhưng dù hiện vẫn chưa rõ thủ phạm cuộc khủng bố kinh hoàng ở Paris hôm nay, thì vụ khủng bố này chắc chắn sẽ làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong lòng châu Âu về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay, khi hàng trăm nghìn người tỵ nạn Syria vẫn đang ùn ùn kéo đến châu lục này. Cuộc khủng hoảng nhập cư này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn, khi hàng trăm công dân châu Âu vô tội ngã xuống trước họng súng của những phiến quân Hồi giáo hô vang khẩu hiệu "Allahu akbar" (Đấng tối cao vĩ đại).
Thế giới vẫn đang đứng trước những cuộc khủng hoảng, bất an và những lời cầu nguyện...
PV Tổng hợp