Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong các ấn phẩm nghiên cứu y tế, xu hướng được thúc đẩy bởi cả chính sách của chính phủ và sự phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), theo Frontiers - nhà xuất bản học thuật hàng đầu.
Nhịp đập khoa học

Theo sát Mỹ về khoa học y tế, Trung Quốc có thể định hình tương lai chăm sóc sức khỏe toàn cầu

Sơn Vân 23/09/2024 12:45

Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong các ấn phẩm nghiên cứu y tế, xu hướng được thúc đẩy bởi cả chính sách của chính phủ và sự phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), theo Frontiers - nhà xuất bản học thuật hàng đầu.

Marie Souliere, Giám đốc mảng Đạo đức biên tập và Đảm bảo chất lượng tại Frontiers (Thụy Sĩ) - một trong những nhà xuất bản học thuật lớn nhất thế giới, thấy tổng sản lượng nghiên cứu của Trung Quốc dần vượt qua Mỹ và điều này rõ ràng nhất trong lĩnh vực y học.

"Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về thị phần các bài báo liên quan đến y học vào năm 2019, với 22% nội dung được xuất bản, so với 19% của Mỹ. Kể từ đó, thị phần của Trung Quốc đã tăng lên và duy trì ở mức khoảng 40%. Chỉ riêng trên Frontiers, 15.158 bài báo y khoa của các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã được xuất bản vào năm 2023, nhiều hơn gần 8 lần so với 2019", Marie Souliere chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ SCMP.

"Sự phát triển của Trung Quốc trong nghiên cứu ung thư, đặc biệt là ung thư học và miễn dịch học, đã bắt đầu vào khoảng năm 2010, do được thúc đẩy bởi những thay đổi chính sách đáng kể và đầu tư vào đổi mới. Trước năm 2010, trọng tâm phát triển thuốc của Trung Quốc chủ yếu là thuốc generic. Song đến năm 2016, các cải cách về quy định như đánh giá thử nghiệm lâm sàng nhanh hơn và quan hệ đối tác với các công ty toàn cầu đã bắt đầu thúc đẩy những tiến bộ nhanh chóng trong nghiên cứu ung thư, đặc biệt là miễn dịch học ung thư và liệu pháp tế bào. Hiện nay, chúng tôi có các tạp chí tốt về y học, ung thư học và miễn dịch học. Chúng tôi xuất bản rất nhiều bài báo chất lượng tốt từ Trung Quốc trong ba lĩnh vực này", bà Marie Souliere chia sẻ thêm.

theo-sat-my-ve-khoa-hoc-y-te-trung-quoc-co-the-dinh-hinh-tuong-lai-cham-soc-suc-khoe-toan-cau1.jpg
Marie Souliere, Giám đốc xuất bản cấp cao tại Frontiers - Ảnh: Internet

Thuốc generic là bản sao của thuốc biệt dược (thuốc gốc) về thành phần hoạt chất. Nói cách khác, thuốc generic có cùng thành phần hoạt chất, hàm lượng, dạng bào chế và tác dụng điều trị như thuốc biệt dược, nhưng thường có giá thành rẻ hơn nhiều.

Theo cơ sở dữ liệu xuất bản Dimensions, vào năm 2023, Mỹ đã đóng góp 138.120 ấn phẩm y khoa, trong khi Trung Quốc xuất bản 96.772, bằng 70% tổng số của Mỹ. Tốc độ tăng trưởng về số lượng ấn phẩm nghiên cứu của Trung Quốc đã đạt mức rất ấn tượng. Vào năm 2019, Trung Quốc chỉ xuất bản 53.948 bài nghiên cứu, vẫn chưa bằng một nửa so với số lượng ấn phẩm của Mỹ.

Dimensions là cơ sở dữ liệu toàn diện, cung cấp thông tin chi tiết về các ấn phẩm khoa học, nghiên cứu và các chỉ số liên quan. Nó được thiết kế để giúp các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, tổ chức giáo dục và nhà hoạch định chính sách có cái nhìn sâu sắc hơn về hoạt động nghiên cứu trên toàn cầu.

Tổng sản lượng học thuật toàn cầu trong lĩnh vực ung thư từ năm 2017 đến 2021 là 324.753 bài báo, trong đó Mỹ đứng đầu với 22% và Trung Quốc đứng thứ hai với 20%, tiếp theo là Nhật Bản, Ý và Đức, theo báo cáo năm 2023 từ nhà xuất bản Elsevier.

Tỷ lệ các bài báo của Trung Quốc được xuất bản trong top 10% các tạp chí học thuật có tác động cao hàng đầu ở lĩnh vực này đã tăng từ 6% vào năm 2017 lên 10% ở 2021, cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng các thành tựu học thuật của Trung Quốc, theo Elsevier.

Marie Souliere cho biết sự hỗ trợ của chính phủ và sự phát triển AI đã đóng vai trò như nhau trong các xu hướng từ Trung Quốc. "Đầu tiên, nghiên cứu trong lĩnh vực này phù hợp với mục tiêu của chính phủ. Thứ hai, tôi nghĩ rằng có rất nhiều điều đang diễn ra ở Trung Quốc về nghiên cứu AI cho y học và các phương pháp điều trị chính xác bằng miễn dịch học cùng nhiều thứ khác", bà nhận xét.

Trước đây, các thành tựu học thuật liên quan đến AI chủ yếu xuất hiện trong khoa học máy tính, khoa học kỹ thuật và toán học. Thế nhưng, tỷ lệ nghiên cứu được thúc đẩy bởi AI trong y học, sinh học phân tử và dược lý đã tăng đáng kể.

AI đã giải phóng năng suất trong các lĩnh vực nghiên cứu như mô phỏng phân tử và hình ảnh y tế.

"Trước đây, đó là một lĩnh vực nghiên cứu lớn đến mức mọi người phải dành 40 năm để kết tinh một phân tử cụ thể và xây dựng mô hình 3D của nó. Giờ đây, AI có thể tự đưa ra dự đoán với sự xác thực của con người. Một số lĩnh vực nghiên cứu đang trở nên lỗi thời một chút với AI", Marie Souliere cho hay.

Khi AI đã mở ra các ngành học mới và cách mạng hóa những ngành học truyền thống, Trung Quốc dường như đã hưởng lợi từ xu hướng này nhiều hơn các quốc gia khác về mặt tăng trưởng học thuật, theo Marie Souliere.

"Chúng tôi thấy rằng Mỹ và Trung Quốc cùng nhau xuất bản 50% tất cả nghiên cứu về AI trên thế giới. Ở châu Âu, người ta tập trung nhiều hơn vào chính sách và đạo đức. Tại Mỹ, họ tập trung nhiều hơn một chút vào chăm sóc sức khỏe hoặc quốc phòng. Còn ở Trung Quốc, đó thực sự là về tăng trưởng kinh tế và cơ sở hạ tầng. Nguồn tài trợ của nhà nước đóng vai trò quan trọng hơn", bà cho biết.

Dù Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu trong nghiên cứu y khoa, nhưng khoảng cách giữa hai cường quốc này dường như đang thu hẹp lại, cho thấy Trung Quốc trở thành thế lực đáng gờm trong việc định hình tương lai của chăm sóc sức khỏe toàn cầu.

Với AI dẫn đầu quá trình chuyển đổi, đóng góp của Trung Quốc vào những tiến bộ y tế, đặc biệt là trong nghiên cứu ung thư và các phương pháp điều trị cá nhân hóa, có thể định hình lại cách thế giới giải quyết một số thách thức sức khỏe cấp bách nhất.

"Thật tuyệt khi thấy sự tăng trưởng này và chất lượng nghiên cứu cũng như các bài báo xuất hiện ở Trung Quốc những năm qua", Marie Souliere cho hay.

‘Sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc đáng lo ngại hơn những gì Mỹ từng biết’

Các nhà phân tích từ Information Technology and Innovation Foundation (ITIF), nhóm nghiên cứu tại Washington, đã trình bày những phát hiện của họ tại một sự kiện ở Đồi Capitol, kêu gọi các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách Mỹ giải quyết những thách thức do sự đổi mới của Trung Quốc đặt ra.

Cuộc điều tra kéo dài 20 tháng về hiệu suất đổi mới của 44 công ty Trung Quốc trên các công nghệ chính, gồm năng lượng hạt nhân, chất bán dẫn, AI, ô tô điện và khoa học vật liệu, đã tiết lộ câu trả lời đáng lo ngại cho Mỹ.

"Nhìn chung, chúng tôi thấy rằng dù hệ thống đổi mới của Trung Quốc không hoàn hảo, nhưng mạnh mẽ hơn nhiều so với sự hiểu biết trước đây. Bằng chứng đến nay cho thấy Trung Quốc vẫn chưa đứng đầu về tổng thể nhưng đã dẫn đầu trong một số lĩnh vực nhất định. Ở nhiều lĩnh vực khác, các công ty Trung Quốc có khả năng sẽ ngang bằng hoặc vượt qua những hãng phương Tây trong vòng một thập kỷ hoặc lâu hơn", Stephen Ezell, Phó chủ tịch chính sách đổi mới toàn cầu tại ITIF, phát biểu tại cuộc họp.

Stephen Ezell cho biết các công ty Trung Quốc đang hoạt động tốt nhất trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, ô tô điện và pin, song gọi tốc độ đổi mới của họ ở lĩnh vực bán dẫn tiên tiến là khiêm tốn.

Các nhà phân tích đánh giá 44 công ty Trung Quốc dựa trên khoản đầu tư vào R&D (nghiên cứu & phát triển), nhân sự, sự hiện diện của các nhóm đổi mới nội bộ, giải thưởng quốc tế và thị phần, rồi so sánh những yếu tố này với các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tương ứng của họ.

Theo Robert Atkinson (Chủ tịch ITIF), Trung Quốc có khả năng đi trước Mỹ từ 10 đến 15 năm về triển khai các lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 4 ở quy mô lớn.

Trung Quốc đang xây dựng nhiều lò phản ứng hạt nhân hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại, đã triển khai chúng ở thập kỷ qua nhiều hơn so với Mỹ trong 30 năm qua.

Đến năm 2030, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ vượt qua Mỹ về sản xuất điện hạt nhân, trở thành quốc gia đầu tiên triển khai hoạt động các lò phản ứng thế hệ thứ 4 tiên tiến với thiết kế mới và hệ thống an toàn thụ động.

Về lĩnh vực ô tô, Stephen Ezell mô tả: "Thật đáng kinh ngạc khi Trung Quốc chỉ sản xuất 5.200 xe vào 1985 và năm nay dự kiến ​​tạo ra 26,8 triệu chiếc. Con số đó sẽ chiếm 21% thị phần toàn cầu. Dự kiến ​​Trung Quốc sẽ đạt 30% thị phần toàn cầu cuối thập kỷ này".

Hiện Trung Quốc sản xuất 62% ô tô điện và 77% pin ô tô trên thế giới.

Trong lĩnh vực dược phẩm sinh học, cuộc điều tra của ITIF phát hiện rằng dù Trung Quốc vẫn tụt hậu so với Mỹ và các nước phương Tây khác, nhưng đang nhanh chóng bắt kịp. Từ năm 2002 đến 2019, thị phần giá trị gia tăng toàn cầu của Trung Quốc trong ngành dược phẩm sinh học đã tăng gấp 4 lần lên gần 25%.

Ở lĩnh vực robot, Stephen Ezell cho biết: "Chúng tôi thấy rằng các công ty Trung Quốc không sáng tạo bằng những hãng Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản, ngoại trừ Kuka. Tuy nhiên năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai nhiều robot công nghiệp hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc sẽ thấy tác động từ robot và tự động hóa thúc đẩy phần còn lại nền kinh tế sản xuất của họ". Kuka là nhà sản xuất robot công nghiệp của Đức được hãng thiết bị gia dụng Midea Group (Trung Quốc) mua lại vào năm 2016.

Về chất bán dẫn, cuộc điều tra phát hiện rằng công nghệ của Trung Quốc chậm hơn khoảng 2 đến 5 năm so với các nước dẫn đầu toàn cầu, với chip tiên tiến mới nhất do Huawei sản xuất thì chậm hơn 3 năm.

Từng làm việc về chính sách công nghệ tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Rick Switzer cảnh báo rằng Trung Quốc đang theo kịp Mỹ về các chip truyền thống được sử dụng để sản xuất mọi thứ, từ máy giặt đến tủ lạnh đến hệ thống quốc phòng.

"Nếu không kiểm soát được các chip truyền thống, bạn sẽ mất quyền kiểm soát toàn bộ nền tảng cơ bản của công nghệ", ông nói.

Rick Switzer khẳng định rằng báo cáo từ ITIF đã phá vỡ một số quan niệm sai lầm về sự đổi mới của Trung Quốc chủ yếu dựa trên công nghệ sao chép từ phương Tây.

Ông đã trích dẫn một chuyến đi gần đây đến Trung Quốc của các lãnh đạo hãng ô tô Ford (Mỹ). Họ thấy rằng ô tô điện Trung Quốc không chỉ rẻ hơn mà còn "sáng tạo hơn".

"Trung Quốc có thể đổi mới. Họ đổi mới mọi lúc. Sự tiến bố và đổi mới công nghệ của Trung Quốc không chỉ dựa vào việc sao chép công nghệ. Họ thực sự làm việc rất chăm chỉ", Rick Switzer bình luận.

Tesla của Elon Musk có thể chứng thực cho thách thức này. Năm 2023, BYD (Trung Quốc) nổi lên là hãng sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới, bán được khoảng 3 triệu chiếc. Cùng năm 2023, Tesla đã bán được 1,81 triệu ô tô điện trên toàn cầu. Trong nửa đầu năm 2024, doanh số ô tô điện của Tesla tại Trung Quốc giảm 5%.

nghien-cuu-tu-my-su-doi-moi-cong-nghe-cua-trung-quoc-manh-me-va-dang-lo-ngai-hon-nhung-gi-tung-biet1.jpg
BYD vượt Tesla trở thành hãng ô tô điện bán chạy nhất năm 2023 - Ảnh: Internet

Rick Switzer lưu ý các chuyên gia và tổ chức nghiên cứu Mỹ đã cùng xuất bản nhiều bài báo với đối tác Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ông nói thêm rằng khoảng 70% sinh viên người Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ không ở lại Mỹ sau khi học tại các trường nước này, mà họ trở về quê hương làm việc tại các công ty Trung Quốc và phòng thí nghiệm do nhà nước điều hành.

"Khả năng tận dụng kiến thức và kỹ năng sáng tạo từ những sinh viên mới tốt nghiệp và sau tiến sĩ đang làm việc trong hệ thống của Mỹ là một trong những yếu tố chính giúp Trung Quốc duy trì tính đổi mới và trở thành người theo sau nhanh chóng, ngang hàng hoặc dẫn đầu thực sự trong ngành trên nhiều phương diện", Rick Switzer nhận định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Theo sát Mỹ về khoa học y tế, Trung Quốc có thể định hình tương lai chăm sóc sức khỏe toàn cầu